Câu hỏi khảo hạch giới tử Hệ phái Nam Tông

CÂU HỎI KHẢO HẠCH GIỚI TỬ TỲ KHEO, SA DI, TU NỮ CỦA GIỚI TRƯỜNG NAM TÔNG

Câu hỏi bắt buộc:

 Hỏi: Cho biết tóm tắt tiểu sử của Hòa thượng Thích Minh Nguyệt?
Đáp: Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, thế danh Lý Duy Kim, sinh 1907 tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương). Năm 13 tuổi, Ngài đến chùa Thiên Thai (BR-VT) xin xuất gia, tu học; Ngài là nhà chí sĩ yêu nước. Năm 1981 tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I, Ngài được suy cử Phó Pháp chủ GHPGVN. Sau đó, Ngài về sống làm việc tại chùa Long Hoa (Q.10, Tp. HCM). Đến 1985 thâu thần viên tịch, thọ 77 tuổi đời, 57 Hạ lạp.

I. Về Luật pháp và Giáo sử:

01. Hỏi: Luật Tín ngưỡng Tôn giáo được ban hành năm nào?

Đáp: Luật Tín ngưỡng Tôn giáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 do Quốc Hội nước CHXHVN ban hành.

02. Hỏi: đối tượng nào Luật Tín ngưỡng Tôn Giáo áp dụng?

Đáp:

Luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

03. Hỏi: Hiến chương mới nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2022- 2027 có bao nhiêu điều?

Đáp: Hiến chương mới nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 14 chương 87 điều, được thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022 – 2027.

04. Hỏi: Sau khi thống nhất 09 tổ chức Hệ phái vào năm 1981, Phật giáo Việt Nam lấy danh xưng là gì?

Đáp: Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

05. Hỏi: Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là gì?
Đáp: Là Hoằng dương Phật pháp, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới.

06. Hỏi: Nội quy Ban Tăng sự có bao nhiêu điều?

Đáp: Quy chế Ban Tăng sự Trung ương nhiệm kỳ 2022-2027 được ban hành theo Quyết định số 93/QĐ-HĐTS vào ngày 14/3/2023, gồm 15 chương, 85 điều.

07. Hỏi: Phật giáo Ấn Độ truyền trực tiếp qua nước ta bằng đường nào?

Đáp: Đường thủy.

08. Hỏi: Theo “Lĩnh Nam chích quái”, Phật tử đầu tiên của Việt Nam là ai, vị này thọ pháp với ai?
Đáp: Chử Đồng Tử, thọ pháp với tổ Phật Quang.

 09. Hỏi: Thiền sư nào là thầy của vua Lý Công Uẩn?
Đáp: Thiền sư Vạn Hạnh.

 10. Hỏi: Ai là người đã mang Phật giáo Nguyên Thủy từ Campuchia về Việt Nam năm 1938.

Đáp: Hòa Thượng Hộ Tông (Bác Sĩ Lê Văn Giảng)

11. Hỏi: Thiền là gì?
Đáp: Thiền nghĩa là suy niệm, tập trung trên đối tượng. Chánh niệm tỉnh giác .

12. Hỏi: Thiền có mấy loại?

Đáp: Thiền có 04 loại:

Thiền Chỉ hay còn gọi là Thiền Định

Thiền Quán (Vipassana)

Thiền Bảo vệ

Thiền Quán Tưởng có 10 đề mục

13. Hỏi: Có mấy loại Định của Thiền định

Sát-na Định (Khanika Samadhi)

Phiến thời Định (Upacarasamadhi),

Định của Thiền định (Appanasamadhi)

Diệt thọ tưởng định là thiền định cao hơn ngũ thiền “Phi tưởng phi phi tưởng” thuộc Vô sắc giới.

Không tánh định (Suññatāsamādhi)

Vô tướng định (Animittasamādhi).

Vô nguyện định (Appaṇihitasamādhi)

14. Hỏi: Thiền Tứ niệm xứ (Satipatthana) có phải là Thiền Quán?

Đáp: Thiền Quán còn gọi là thiền Tứ Niệm xứ, thiền Minh sát.

 15. Hỏi: Ý nghĩa của Niệm tỉnh giác là gì?

Đáp: Niệm (Sati): nghĩa là không quên đối tượng; trí nhớ, ghi nhận.

16. Hỏi: Thắng Pháp Tập Yếu luận trình bày bao nhiêu pháp?

Đáp: Trình bày 4 Pháp: Tâm, Sở Hửu Tâm, Sắc Pháp, Niết-bàn.

 17. Hỏi: Tạng Luật (Vinaya) có bao nhiêu bộ, kể ra?

Đáp: Tạng Luật phân thành 5 bộ:

Bộ phân tích

Bộ phân tích giới Ni tỳ-kheo ni

Bộ đại phẩm

Bộ tiểu phẩm

Bộ tạp sự

18. Hỏi: Tạng kinh có bao nhiêu Bộ?

Đáp: Tạng Kinh (Sutta) có 5 bộ:

Kinh Trường Bộ

Kinh Trung Bộ

Kinh Tương Ưng Bộ

Kinh Tăng Chi Bộ

Kinh Tiểu Bộ

19. Hỏi: Tạng A-tỳ-đàm có bao nhiêu bộ?
Đáp: Tạng A-tỳ-đàm có 7 bộ

Pháp Tụ.

Bộ Phân Tích.

Nguyên Chất ngữ.

Nhân Chế Định.

Ngữ tông.

Song đối.

Đại xứ.

20. Hỏi: Phật lịch được tính từ lúc nào? Tính đến năm 2023, Đức Phật đã nhập Niết-bàn được bao nhiêu năm?
Đáp: Phật lịch tính sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Đến năm 2023, Đức Phật đã nhập Niết-bàn 2567 năm.

21. Hỏi: Hãy nêu tên bốn Thánh tích nơi Đức Phật đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết-bàn.
Đáp: Đức Phật đản sanh ở Lâm-tỳ-ni (Lumbini), thành đạo ở Bồ-đề đạo tràng (Bodhgaya), chuyển pháp luân ở vườn Nai (Lộc uyển, Sarnath) và nhập Niết-bàn ở Câu-thi-na (Kusinagar).

22. Hỏi: Đức Phật chế giới khi nào?
Đáp: Năm thứ 13 sau khi Đức Phật thành đạo.

23. Hỏi: Xã hội Ấn Độ thời đức Phật được chia làm mấy giai cấp? Hãy kể tên các giai cấp đó?
Đáp: 4 giai cấp gồm: Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Vệ-xá (Phệ-xá) và Thủ-đà-la.

II. Các cao đồ đệ tử của đức Phật:

24. Hỏi: Ai đã cúng dường tinh xá Kỳ Viên cho Đức Phật và Tăng đoàn?
Đáp án: Trưởng giả Cấp Cô Độc và thái tử Kỳ-đà.

25. Hỏi: Vị đệ tử nào được Đức Phật tán thán thần thông đệ nhất?
Đáp: Tôn giả Mục-kiền-liên.

26. Hỏi: Vị đệ tử trí tuệ đệ nhất trong giáo đoàn của Đức Phật là ai?
Đáp: Tôn giả Xá-lợi-phất.

27. Hỏi: Vị đệ tử cuối cùng của Đức Phật là ai?
Đáp: Tôn giả Tu-bạt-đà-la (Subhadda).

III. Lịch sử – Nghi lễ của Phật giáo Nam Tông Kinh:

28. Hỏi: Ai là cư sĩ Phật tử có công thành lập tổ chức Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy VN năm 1957?

Đáp: Ông Nguyễn Văn Hiểu, ông Văn Công Hương, ông Trương Văn Huấn (đốc Huấn sau này là Thiền sư Hộ Pháp)

29. Hỏi: Phật giáo Nguyên thủy Nam Tông có bao nhiêu nghi lễ:

Đáp:

Rằm tháng giêng

Rằm tháng 4 Tam hợp

Rằm tháng 6 vào Hạ, Phật Chuyển Pháp luân, Bồ tát Giáng trần.

Rằm tháng 7 Lễ Bố-tát – Sám hối

Rằm tháng 8 Lễ Bố-tát – Sám hối

Từ Rằm tháng 9 – 10 Dâng y Kathina

Lễ Quy y

Lễ Cầu an cầu siêu

Lễ trai tăng

Lễ kết giới Si-ma

Lễ Xuất gia thọ giới

Lễ Cầu Quốc thới Dân an

Lễ Trùng tụng Tam tạng Thánh điển

 30. Hỏi: Những hoạt động nổi bật nào của Phật giáo Nguyên thủy Nam tông đối với Quốc tế?

Đáp: Tham dự Hội nghị Kết tập Tam tạng Pali tại Miến Điện (Myanmar) 1954. Hồi phục Phật Giáo Campuchia 1979; Đóng góp “Bảng nêu Chi Pháp” thuộc Tạng Vi Diệu Pháp.

31. Hỏi: Phật giáo Nguyên thủy Nam tông Kinh có mấy dòng truyền thừa?

Đáp: có 4 dòng:

Truyền thừa từ Campuchia ( HT. Hộ Tông)

Truyền thừa từ Tích Lan (HT. Narada)

Truyền thừa từ Miến Điện (HT. Hộ Nhẫn)

Truyền thừa từ Thái Lan (HT. Tịnh Sự)

32. Hỏi: Kể tên các Thiền sư của Phật giáo Nguyên thủy Nam tông Kinh?

Đáp

Thiền sư Hộ Tông

Thiền sư Huệ Nghiêm

Thiền sư Hộ Pháp

Thiền sư Giới Nghiêm

Thiền sư Bửu Hạnh

Thiền sư Kim Triệu

Thiền sư Viên Minh

Thiền sư Khánh Hỷ

33. Hỏi: Kể tên các Ngôi chùa nổi tiếng của Phật giáo Nguyên thủy Nam tông Kinh?

Thánh tích Thích Ca Phật Đài

Chùa Kỳ Viên

Chùa Tam Bảo Đà Nẵng

Chùa Huyền Không Huế

Chùa Bửu Long, Quận 9- TP.HCM

Chùa Phổ Minh, Gò Vấp, TP.HCM

Chùa Pháp Quang, Bình Thạnh, TP.HCM

Tổ đình Bửu Quang, Thủ Đức, TP.HCM

Thiền Viện Phước Sơn

Chùa Nam Tông

Chùa Siêu Lý, Vĩnh Long

Chùa Pháp Bảo, Mỹ Tho

IV. ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP

34. Hỏi: Phật giáo là gì?

Ðáp: Là lời dạy của đức Phật Thích Ca

35. Hỏi: Phật giáo dạy những gì?

Ðáp: Không làm các điều ác

Hãy làm các điều lành

Trau giồi tâm trong sạch

Chính lời chư Phật dạy.   PC. 183

36. Hỏi: Ðức Phật là ai?

Ðáp: Là “Một Chúng sanh duy nhất, một Con người phi thường, xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho phần đông, vì hạnh phúc của phần đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại.”

37. Hỏi: Thái tử Sĩ-đạt-ta học tập như thế nào?

Ðáp: Thái tử Sĩ-đạt-ta đã học tập:

Về ngôn ngữ:

Ngôn ngữ Vua cha dòng Thích ca,

Ngôn ngữ của Mẹ dòng Devadaha,

Ngôn ngữ thi ca Sanskrit,

Ngôn ngữ phổ thông.

b) Về Nghệ thuật:

Thái tử thuộc chủng tộc chiến sĩ (Khattiya) nên học binh pháp và võ nghệ để kế nghiệp Vua cha.

c) Về Nghi lễ:

Nghi lễ bộ tộc

Nghi lễ Hoàng gia Ca-tỳ-la-vệ

Nghi lễ Tế cúng

38. Hỏi: Thái tử Sĩ-đạt-ta đi tu năm bao nhiêu tuổi?

Ðáp: Năm hai mươi chín tuổi

39. Hỏi: Ðức Phật giảng kinh đầu tiên ở đâu, cho ai?

Ðáp: Đức Phật giảng kinh Chuyển Pháp Luân ở vườn Nai, thành phố Baranasi cho 5 anh em Kiều Trần Như.

40. Hỏi: Bài kinh thứ hai Đức Phật thuyết là bài kinh gì?

Ðáp: Bài kinh Vô Ngã Tướng (Anttalakkhana Sutta).

41. Hỏi: Tam bảo xuất hiện khi nào?

Ðáp: Khi Thế Tôn thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân, tôn giả Kodanna (Kiều Trần Như) chứng quả Tu Đà Hoàn. Đức Thế Tôn thu nhận năm tôn giả làm các đệ tử xuất gia đầu tiên lúc này ba ngôi Tam bảo được hình thành.

42. Hỏi: Ai là người quy y nhị Bảo đầu tiên?

Ðáp: Thương buôn Tapassu và Bhallika xin quy y Phật và Giáo pháp của Ngài.

43. Hỏi: Có bao nhiêu tăng sĩ Hoằng pháp đầu tiên?

Ðáp: Có 60 người đệ tử là A-la-hán đi truyền bá chánh pháp đầu tiên.

44. Hỏi: La-hầu-la xuất gia khi nào?

Ðáp: La-hầu-la xuất gia năm tròn bảy tuổi

45. : Dì mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Maha Pajapati Gotami) xuất gia tu học không?

Ðáp: Sau khi vua Suddhodana băng hà, di mẫu xin xuất gia, Đức Thế Tôn chấp thuận

46. Hỏi: Ông Cấp-cô-độc là ai?

Đáp: Vị thí chủ quan trọng trong thời Đức Phật người sinh sống tại Sàvatthi chuyên làm từ thiện xã hội, nuôi dưỡng chu cấp cho những người cô đơn, nên được gọi Trưởng giả Cấp-cô-độc. Ông xây dựng tịnh xá Jetavana (Kỳ Viên) dâng lên Đức Phật.

47. Hỏi: Bà Vi-sa-ka (Visàkhà) là ai?

Ðáp: Bà Visàkhà là vị nữ thí chủ quan trọng sống ở Sàvatthi.

Là người phụ nữ được 5 điều diễm phúc: tóc, da, xương, vóc dáng và sức khoẻ tuyệt hảo, Bà Visàkhà đóng góp đặc biệt trong sinh hoạt Tăng đoàn. Có lần Phật dạy bà đi hòa giải những bất đồng giữa các Tỳ kheo ni.

48. Hỏi: Vua A-xà-thế có vai trò gì trong giáo pháp của Phật?

Ðáp: Vua A-xà-thế là đại hộ pháp hỗ trợ mọi mặt cho việc kết tập Tam tạng kinh điển lần thứ I.

49. Hỏi: Giới có nghĩa là gì?

Ðáp: Giới Sìla có nghĩa kết hợp (Sìlana)

Kết hợp có 02 nghĩa:

Phối hợp (samàdhàna) thân, khẩu ý nhờ vào Giới;

Nền tảng (upadhàrana) vì giới là nền tảng cho những thiện pháp.

50. Hỏi: Ðặc tính, nhiệm vụ của giới?

Ðáp: – Ðặc tính của giới là phối hợp làm nền tảng cho các việc lành.

Nhiệm vụ của giới: Tạo ra phẩm chất đời sống giống như hoa hồng có nhiệm vụ tỏa mùi hương.

51. Hỏi: Lợi ích của giới?

Ðáp: Có năm lợi ích:

Thừa hưởng gia sản lớn nhờ tinh cần;

Được tiếng tốt đồn xa;

Không sợ hãi rụt rè giữa đám đông;

Tâm không tán loạn lúc chết;

Được sanh vào cõi trời. (D. ii, 86)

52. Hỏi: Người xuất gia thọ giới để làm gì?

Đáp: Để tâm có chánh niệm (Sammasati) tu tập thiền Tứ niệm xứ để diệt trừ phiền não chứng ngộ Niết Bàn.

Hỏi: Giới Sa-di có bao nhiêu? Phân làm mấy loại? Giới nào quan trọng nhất?

Ðáp: Giới Sa-di có 105 giới gồm 4 Loại: 10 điều học, 10 điều trục xuất, 10 điều hành phạt, 75 ưng học pháp . 10 điều trục xuất là quan trọng nhất.

53. Hỏi: Liệt kê 10 giới của Sa di?

Đáp: Mười Giới (Sikkhàpada)

Pali ngữ

  1. Pânàtipàtà veramanì sikkhàpadam samàdiyàmi
  2. Adinnàdànà veramanì sikkhàpadam samàdiyàmi
  3. Abrahmacariyà veramanì sikkhàpadam samàdiyàmi
  4. Musàvàdà veramanì sikkhàpadam samàdiyàmi
  5. Suràmeraya majjapamàdatthànà veramanì sikkhàpadam samàdiyàmi
  6. Vikàla bhojànà veramanì sikkhàpadam samàdiyàmi
  7. Naccagìta vàditavi sukadassanà veramanì sikkhàpadam samàdiyàmi
  8. Màlàgandha vilepanadhàrana mandana vibhù sanatthàna veramanì sikkhàpadam samàdiyàmi
  9. Uccàsayana mahàsayana veramanì sikkhàpadam samàdiyàmi
  10. Jàtarùparajata patiggahanà veramanì sikkhàpadam samàdiyàmi

 

Nghĩa

  1. Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự sát sanh:
  2. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp
  3. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự thông dâm
  4. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự nói dối.
  5. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự dễ duôi uống rượu.
  6. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự ăn sái giờ (từ đúng ngọ cho đến mặt trời mọc hôm sau không được phép ăn ).
  7. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự múa hát, đờn kèn và đi xem múa hát nghe đờn kèn.
  8. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trang điểm, thoa vật thơm, dồi phấn và đeo tràng hoa.
  9. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa chỗ nằm và ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.
  10. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự thọ lãnh và cất giữ vàng, bạc châu báu hoặc cảm xúc đến các vật ấy.

 

54. Hỏi: Có bao nhiêu Ưng học pháp?

Đáp: Có 75 điều Ưng học pháp (SEKKHIYAVATTA)

Chia làm 4 phần.

Mặc y cho nghiêm trang, có 26 điều (sàrùpa).

Thọ thực cho tề chỉnh có 30 điều học (bhojanapatisamyutta).

Thuyết pháp cho đúng phép, có 16 điều học (dhammadesanàpatisamyutta).

Linh tinh, có 3 điều.

55. Hỏi: Giới Tỳ-kheo có bao nhiêu Giới?

Ðáp: Tỳ-kheo có 04 Giới là: 1) Giới thu thúc lục căn, 2) Giới Khất thực 3) Giới Quán tưởng 4) và 227 Giới.

56. Hỏi: Tu nữ có phải là giới phẩm của Phật giáo Nguyên thủy Nam tông? Tu nữ có bao nhiêu giới?

Đáp: Tu nữ được công nhận là Giới phẩm của Phật giáo Nguyên thủy Nam tông Việt Nam. Tu nữ có tám giới hành trì.

57. Hỏi: Những pháp nào tu sĩ phải thực hành trong ngày? Vì sao?

Đáp: Vị tu sĩ trong một ngày phải thường làm các việc sau đây:

Tụng đọc 16 bài Quán Tưởng

Tụng đọc kinh rãi Tâm từ vào lúc sáng sớm.

Tụng, học Kinh văn, Vi Diệu pháp, Giới luật

Thiền

Tụng đọc bằng Pali và tiếng Việt

Nghiên cứu dịch thuật Văn học Pali sang tiếng Việt.

Học thực hành 14 pháp hành

Vì không tụng đọc làm các việc trên thì thiếu nợ người cúng dường

 58.Hỏi: Trong Phật giáo Nguyên thủy Nam tông, Thiền là gì? Có mấy loại Thiền?

Đáp: Thiền là Bhavana dịch là tu tập phát triển tâm, rèn luyện tâm. Có hai loại: thiền định (samathabhavana) và Thiền Quán (vipassanabhavana).

59. Hỏi: Thiền Định là gì? Có bao nhiêu đối tượng (đề mục) Thiền Định?

Đáp: Tiếng Pàli “Samàdhi” được dịch là Định, nghĩa là tập trung tâm ý vào một đề tài hay một đối tượng duy nhất, không phân tán xao lãng.

Có 40 loại đề mục thiền định:

10 đề mục, dùng vật để Tưởng niệm; (kasina);

10 đề mục Tử thi (āsubha);

10 đề mục Niệm niệm (anusati);

4 đề mục Phạm trú (brahmavihāra);

4 đề mục Vô sắc (arūpa);

1 đề mục Phân biệt (vavatthāṇa);

1 đề mục Tưởng xét (saññā).

60. Hỏi: Thiền Quán là gì? Có bao nhiêu đối tượng (đề mục) Thiền Quán?

Đáp: Thiền Quán là dùng Tâm quán trên Thân, Thọ, Tâm và Pháp.

Có 4 đối tượng của Thiền quán:

Quán thân bất tịnh

Quán thọ thị khổ

Quán tâm vô thường

Quán Pháp vô ngã

61. Hỏi: Có bao nhiêu Pháp trợ đạo?

Đáp: Có 37 pháp trợ đạo, gồm:

Tứ niệm xứ

Tứ chánh cần

Tứ thần túc

Ngũ căn

Ngũ lực

Thất giác chi

Bát chánh đạo

62. Hỏi: Có bao nhiêu pháp khổ hạnh Đầu đà trong Phật giáo?

Đáp: Ðức Thế Tôn đã cho phép thực hành 13 pháp khổ hạnh Đầu đà để tu tập đạt giải thoát:

Hạnh phấn tảo y

Hạnh ba y

Hạnh khất thực

Hạnh khất thực từng nhà

Hạnh nhất toạ thực

Hạnh ăn bằng bát

Hạnh không để dành đồ ăn (không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong)

Hạnh ở rừng

Hạnh ở gốc cây

Hạnh ở giữa trời

Hạnh ở nghĩa địa

Hạnh nghỉ chỗ nào cũng xong

Hạnh ngồi (không nằm)

63. Hỏi: Tuệ là gì?

Đáp: Tuệ là tâm hiểu biết (pajànana).

64. Hỏi: Có bao nhiêu loại Tuệ Minh sát?

Đáp: Có 16 Tuệ Minh Sát.

65. Hỏi:Thế nào là Tam Tạng Thánh điển Pali? gồm có những Tạng nào?

Đáp: Tam Tạng tiếng Pali gọi là Tipitaka, Ba giỏ chứa. Tam tạng thánh điển Pali gồm có:

Luật Tạng

Kinh Tạng

Thắng Pháp Tạng (hay còn gọi là Vi Diệu Pháp, hay Luận Tạng).

66. Hỏi: Kinh Tạng (sutta pitaka) gồm bao nhiêu bộ?

Đáp: Gồm 5 bộ chính:Trường, Trung, Tương, Tăng, Tiểu Bộ kinh.

67. Hỏi: Kinh Chuyển Pháp Luân được Đức Phật thuyết pháp khi nào?

Đáp: Ngày rằm tháng sáu. Đức Phật chấp thuận lời thỉnh cầu của Đại Phạm thiên Sahampati, đến khu rừng Nai gọi là Isipatana thuyết pháp.

68. Hỏi: Tứ diệu đế là gì?

Đáp: Là bốn chân lý cao thượng:

Chân lý cao thượng về sự khổ, về nguyên nhân của khổ, về sự diệt khổ

Và về con đường đưa đến sự diệt khổ.

69. Hỏi: Đức Phật đã dạy gì trong bài kinh Chuyển Pháp Luân?

Đáp: Đức Phật dạy rằng:

“Có hai cực đoan (anta) hàng xuất gia (pabbajitena) phải tránh…”

Sự dễ duôi trong dục lạc – là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân, và vô ích.

Sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh – là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân, và vô ích.

70. Hỏi: Bát chánh đạo là gì?

Đáp: Chánh kiến (samma ditthi): là sự thấy biết chơn chánh; Chánh tư duy (samma samkappa): suy niệm chân chánh; Chánh ngữ (samma vaca): lời nói chơn chánh; Chánh nghiệp (samma kammanta): nghề nghiệp hành chân chánh; Chánh mạng (samma ajiva): nuôi mạng sống chân chánh; Chánh tinh tấn (samma vayama): nỗ lực thực hành trong sự chân chánh; Chánh niệm (samma sati): luôn luôn tỉnh giác trong thân khẩu ý; Chánh định (samma samadhi): an trụ Tâm tại một đối tượng duy nhất.

71. Hỏi: Nguồn gốc của “Kinh Thừa Tự Pháp”(Dhammadāyāda Sutta)

Ðáp: Bài Kinh được Đức Thế Tôn thuyết dạy “hãy là những kẻ Thừa tự Pháp đừng là những kẻ thừa tự tài vật”.

72. Hỏi: mấy pháp đoạn trừ phiền não?

Ðáp: Có bảy pháp để đoạn trừ lậu hoặc, phiền não:

Tri kiến được đoạn trừ

Phòng hộ được đoạn trừ

Thọ dụng được đoạn trừ

Kham nhẫn được đoạn trừ

Tránh né được đoạn trừ

Trừ diệt được đoạn trừ

Tu tập được đoạn trừ

73. Hỏi: Tu sĩ có mấy điều tâm niệm mỗi ngày?

Ðáp: Tu sĩ có 10 điều nên tâm niệm:

Tướng mạo khác thế gian.

Nuôi mạng tùy người khác.

Hành vi khác thế gian.

Tự kiểm soát giới hạnh

Ai trách ta về giới?

Phải lìa vật thương yêu .

Ta phải thừa tự nghiệp,

Ngày qua tu thế nào?

Thích chỗ thanh vắng không?

Đạt pháp thượng nhân chưa?

74. Hỏi: Như thế nào gọi là Sa-môn (Tu sĩ Phật giáo)

Đáp: Trong Đại kinh Xóm Ngựa, Thế Tôn dạy các Sa môn phải thực hành các pháp: Giới – Định – Tuệ.

75. Hỏi: Phật giáo dạy gì cho tu sĩ trẻ mới vào Tu?

Đáp: Đức Phật dạy cho Sa-di La-hầu-la phương pháp tu hành:

Thực hành Hạnh chân thật

Suy nghĩ và Hành động

Trước trong sau khi làm

vì lợi người lợi mình. (Trung Bộ Kinh)

76. Hỏi: Luật là gì?

Đáp: Luật là Bộ quy tắc ứng xử do đức Phật ban hành hướng đến đoạn trừ Tham, sân, si, ổn định Thân, khẩu, ý.

77. Hỏi: Luật Tạng (Vinaya Pitaka) là gì?

Đáp: Tạng luật chứa đựng lời dạy về giới luật và nghi lễ cho cộng đồng Tăng Ni, Phật tử.

78. Hỏi: Luận là gì?

Đáp: Luận là Vi Diệu pháp ( Abhidhamma) đề cập đến:Tâm, Sở hữu, Sắc pháp, Niết Bàn.

79. Hỏi: Tâm là gì?

Đáp: Là suy nghĩ, là biết cảnh, biết đối tượng.

80. Hỏi: Sở hữu tâm là gì ?

Đáp: Là phần phụ thuộc của tâm

81. Hỏi: Sắc pháp là gì?

Đáp: Sắc pháp là loại vật chất cấu tạo con người và thế giới.

82. Hỏi: Niết-bàn là gì?

Đáp: Niết-bàn là nơi không còn sanh diệt và ái dục

83. Hỏi: Niết-bàn có bao nhiêu loại?

Đáp: Niết-bàn (nibbana): Có 2 loại.

Hữu dư Niết-bàn: Là Đắc Niết-bàn, còn ngũ uẩn (còn sống)

Vô dư Niết-bàn: Là nhập Niết-bàn, không còn ngũ uẩn (chết)

84. Hỏi: Bồ-tát là gì (Bodhi satta)?

Đáp: Là Người có ý thức, có hiểu biết hướng tâm chấm dứt đau khổ phiền não của Tâm và Thân, không thay đổi chí nguyện thành Phật, để hướng dẫn mọi người giác ngộ.

85. Hỏi: Có bao nhiêu hạng Bồ-tát?

Đáp: có 03 hạng Bồ-tát .

Bồ-tát tu về trí tuệ, tu về đức tin, tu về tinh tấn.

86. Hỏi: Bồ-tát tu về Trí tuệ là gì?

Đáp: Chú trọng phát triển thực tập pháp Trí tuệ Ba-la-mật bờ bên này; Bờ bên kia; Bờ cao thượng .

87. Hỏi: Bồ-tát tu về Đức tin là gì?

Đáp: Chú trọng phát triển thực tập pháp Đức tin Ba-la-mật bờ bên này; Bờ bên kia; Bờ cao thượng.

88. Hỏi: Bồ-tát tu về Tinh tấn là gì?

Đáp: Chú trọng phát triển thực tập pháp Tinh tấn Ba-la-mật bờ bên này; Bờ bên kia; Bờ cao thượng.

89. Hỏi: Phật có bao nhiêu hạng Phật?

Đáp: Phật có 3 hạng Phật.

90. Hỏi: Ba hạng Phật đó là gì?

Đáp: Phật Toàn Giác; Phật Độc Giác; Phật Thinh Văn

91. Hỏi: Phật Toàn Giác là gì?

Đáp: Phật Toàn Giác phải Tu tập 30 pháp Ba-la-mật có hạnh nguyện giúp mọi người thoát khổ, truyền lại giáo pháp.

92. Hỏi: Phật Độc Giác là gì?

Đáp: Phật Độc Giác là Phật tự mình tu tập giác ngộ chân lý, phải tu tập 20 pháp Ba-la-mật, không truyền lại giáo pháp

93. Hỏi: Phật Thinh Văn là gì?

Đáp: Phật Thinh Văn là Phật đắc do nghe giáo Pháp từ Phật Toàn Giác phải Tu tập 10 pháp Ba-la-mật.

94. Hỏi: Bổn phận của Tu sĩ là gì?

Đáp: Bổn phận của Tu sĩ thực hành: pháp học, pháp hành và pháp thành.

95. Hỏi: Pháp học là gì?

Đáp: Pháp học (Pariyati dhamma) là: học tập Lời Phật dạy trong Tam Tạng.

96. Hỏi: Pháp hành là gì?

Đáp: Pháp hành là thực hành trì Giới, hành thiền Minh sát tuệ.

97. Hỏi: Pháp Thành là gì?

Đáp: Là sự chứng đắc Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán và Niết-bàn.

V. THÁNH NGỮ PALI

98. Hỏi: Pali là gì?

Đáp: Pali là Thánh ngữ của Phật giáo Nguyên thủy Nam tông

99. Hỏi: Ngôn ngữ Pali trong Phật giáo Nguyên thủy Nam tông dùng làm gì?

Đáp: Ngôn ngữ Pali dùng ghi chép và dung chứa trong trí nhớ toàn bộ lời dạy của đức Phật.

100. Hỏi: Pali được sử dụng như thế nào trong các nghi lễ?

Đáp: Pali là ngôn ngữ chính dùng trong các Thánh lễ Phật giáo Nguyên thủy.

101. Hỏi: Vai trò của Pali trong Tăng sự như thế nào?

Đáp: Pali được dùng để truyền giới, tụng đọc Tăng sự, quyết định sự thành tựu của nghi lễ. Ví dụ như Giới tử thọ giới Sa-di, Tỳ-kheo, Tu nữ phải đọc đúng giọng Pali, nếu không đọc tụng được Pali sẽ không đắc giới phẩm.

102. Hỏi: Văn học Pali đã xuất hiện trong nền văn hóa nào của Việt Nam?

Đáp: xuất hiện trong Văn hóa Óc Eo Việt Nam vào Thế kỷ thứ I.

Bài viết liên quan