Đoàn BRVT tham dự khoá tập huấn bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm

Từ ngày 15 – 21/04/2024 Đoàn Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm do TT. Tiến sỹ Thích Nhuận Nghĩa – Uỷ viên HĐTS – Phó Trưởng ban thường trực BTS tỉnh kiêm Phó Hiệu trưởng trường TCPH Đại Tòng Lâm làm trưởng đoàn đã đến Sandy Beach Resort tham dự Khoá bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm do Ban Giáo dục Phật giáo TƯ tổ chức.

Nhận thức được tầm quan trọng của khoá bồi dưỡng nên HT. Thích Quảng Hiển – Uỷ viên TT HĐCM – Hiệu trưởng nhà trường đã quyết định cử đoàn gồm 4 tiến sỹ – 4 thạc sỷ – 2 Cử nhân đang trực tiếp quản lý và giảng dạy tại trường tham dự khoá bồi dưỡng nhằm tiếp cận với xu thế giảng dạy trong thời đại mới trong khi trình độ thế học của Tăng Ni sinh không thực sự đồng đều.

Thượng toạ Tiến sỹ Thích Nhuận Nghĩa – Uỷ viên HĐTS – Phó Trưởng ban thường trực BTS tỉnh kiêm Phó Hiệu trưởng trường TCPH Đại Tòng Lâm – Trưởng đoàn BRVT

Ngoài 10 Tăng ni tham dự khoá bồi dưỡng, Bà Rịa Vũng Tàu còn có TT.TS Thích Trí Định trong tư cách Thư ký Phân ban Trung cấp Phật học của Ban GDPG TƯ tham gia với vai trò Thư ký Ban Tổ chức.

Thượng toạ Tiến sỹ Thích Trí Định – Phó Thư ký – Trưởng Ban TTTT PG tỉnh – Thư ký Ban Tổ chức

Trong 7 ngày ròng rã, Chư tôn đức đã tham dự tổng cộng 15 môn học liên quan đến việc giảng dạy cũng như ứng dụng Công nghệ thông tin trợ giảng và 1 chuyên đề an ninh mạng cũng như dự 1 buổi toạ đàm về Nội dung đào tạo và thi cử ở hệ Trung cấp Phật học.

Được biết sau Ban Tăng sự, Ban Giáo dục Phật giáo là một trong những Ban quan trọng nhất. Bởi Ban Giáo dục Phật giáo nhận lãnh trách nhiệm cao cả là đào tạo giáo dục Tăng tài xây dựng và phát triển GHPGVN. Chính vì vậy cố HT Thích Minh Châu đã từng phát biểu: “Sự nghiệp giáo dục chỉ có thể thành công chừng nào sự nghiệp ấy trở thành ý thức và trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Thiếu mất ý thức và trách nhiệm này, chúng ta không thể nói đến giáo dục hay xây dựng một môi trường tốt đẹp cho con người”. Vì vậy, để làm một thầy giáo tốt, mỗi người cần phải nghiêm túc thực hiện những gì chúng ta muốn dạy người khác như Đức Phật đã làm. Giáo dục Phật giáo không chỉ chú trọng việc nói hay, giảng giỏi mà quan trọng là phần thực hành (tri hành hợp nhất). Tuy nhiên, muốn sống đúng, thực hành đúng chúng ta cần phải có sự hiểu biết đúng (chánh kiến), tư duy đúng (chánh tư duy). Vì vậy, Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương mong mỏi quý vị giáo thọ, giáo viên của các trường Trung Cấp, Cao đẳng Phật học trong cả nước sẽ nỗ lực hết mình, tinh tấn học tập và trau dồi đức hạnh trong suốt cuộc đời và sự nghiệp giảng dạy. Những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và đạo tình được gặt hái được trong khóa bồi dưỡng lần này sẽ là hành trang quý giá cho sự nghiệp trồng người. “Một người thầy giáo tốt như một ngọn nến, ngọn nến cháy để soi đường cho người khác”.

Chia sẽ trong lễ khai mạc, HT. Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban HDPT TƯ đã nhấn mạnh mục đích mà Đức Phật thị hiện nơi đời, đó là nhằm giúp chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến. Chính vì vậy, trọng tâm và trách nhiệm của đạo Phật đó là giáo hóa chúng sinh bỏ mê khai ngộ, bỏ ác làm lành, từ phàm phu trở thành Thánh giả. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam từ năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời; cho đến năm 1935 thì đã thành lập được ba Phật Học Viện từ sơ đẳng, Trung Đẳng cho đến Cao đẳng Phật học và do Đại lão Hòa thượng Thích Phước Huệ – chùa Thập Tháp Bình Định, Pháp sư Mật Khế – chùa Trúc Lâm Huế, Đại sư Trí Độ – Tùng lâm Quán Sứ Hà Nội và cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám tổ chức và giảng huấn. Chính những Phật Học viện này đã đào tạo nên biết bao nhiêu vị cao tăng thạc đức, đống lương của Phật pháp thạch trụ chốn Tùng Lâm, sau này đã trở thành những vị lãnh đạo cao cấp của Giáo hội qua các thời kỳ lịch sử như Cố Đại lão Hòa thượng Thiện Hòa, Cố Đại lão Hòa thượng Thiện Hoa, cố Đại lão Hòa thượng Trí Thủ, Cố Đại lão Hòa thượng Mật Hiển, Cố Đại lão Hòa thượng Trí Tịnh, Cố Đại lão Hòa thượng Mật Nguyện, cố Đại lão Hòa thượng Trí Quang, cố Đại lão Hòa thượng Thiện Siêu, v..v..

Hòa thượng chia sẻ: “Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đặt vấn đề giáo dục lên hàng đầu, trở nên vô cùng quan trọng. Vì vậy, ngay trong hệ thống tổ chức của Giáo hội từ cấp Trung ương với 13 ban viện, cấp các tỉnh thành với 12 ban ngành thì Ban Tăng sự và Ban giáo dục Phật giáo đã gắn liền với nhau như bóng theo hình. Từ đó, các cơ sở từ sơ cấp, trung cấp cho đến cao cấp sau này trở thành đại học Phật giáo đã được hình thành và phát triển, với những đội ngũ giáo thọ sư phong phú, những giáo án chương trình giảng dạy hết sức xúc tích.

Trong buổi tối ngày 19/04/2024, các học viên đã được tham dự khoá toạ đàm để lấy ý kiến về “Dạy, Học và Thi cử hệ Trung cấp Phật học”. Trong đó chủ đề chính được BTC đưa ra sau phiên học cùng các trưởng đoàn là: Lấy ý kiến về bộ Sách Giáo Khoa dành cho công tác giảng dạy tạo các trường TCPH; Thi học kỳ và Thi Tốt nghiệp, việc cấp Văn bằng Tốt nghiệp và các vấn đề cần làm tại các trường TCPH hiện nay.

Được biết khoá bồi dưỡng sẽ kết thức vào lúc 12h00 ngày 21/04/2024.

Ban TTTT tổng hợp

Bài viết liên quan