Trưởng lão Hoà thượng thượng Trí hạ Quảng khai thị Giới tử

Trong chuỗi sự kiện Đại giới đàn, sáng ngày 10/11/2023 (27/9 Quý Mão) trưởng lão hòa thượng thượng Trí hạ Quảng đã quang lâm giới trường khai thị Giới tử tại Giới đàn Minh Nguyệt.

Khi Đức Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài quán xét những chúng sanh đầy đủ thiện căn, đủ nhân đủ duyên để khai mở Bánh xe pháp. Lúc bấy giờ, Ngài quán chiếu về Lộc Uyển nơi có 5 hiền nhân là bạn đồng tu của ngài, cho nên Ngài đã thân lâm Khai thị bài pháp Tứ Thánh Đế (Dhammacakkappavattana sutta). Với bốn pháp Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế năm anh em Kiều Trần Như đã chứng đắc quả từ Tu đà hoàn đến thánh quả A la hán. Tiếp theo, Đức Phật trở lại thôn Ưu lâu tần loa độ cho 3 anh em Ca diếp cùng 1000 đồ chúng, các vị này đời trước đã từng tạo nhiều thiện duyên cho nên khi gặp Phật, kiến pháp liền chứng được sơ quả. Đức Thế Tôn lại trở về thành Vương xá độ cho Ngài Xá lợi phất, Mục kiền liên cùng 200 đồ đệ. Khi Đức Thế Tôn gọi “Thiện lai Tỳ kheo” Ngài Xá lợi phất tâm liền thanh tịnh Đắc quả A la hán. Đó là tất cả các bậc Thánh Tăng thường tháp tùng đức Phật, giáo hoá chúng sanh trong thời kỳ đầu. Từ đó về sau, đồ chúng theo đức Phật mỗi ngày mỗi đông, cho nên có những người hảo tâm xuất gia, cũng có những người tặc tâm xuất gia, cho nên đức Phật chế giới.

Giới là tuỳ phạm tuỳ chế, đây là điều đặc biệt mà Giới tử cần phải tư duy để khi lãnh thọ giới pháp cần áp dụng vào đời sống tu tập. Chúng ta là phàm phu Tăng, cho nên tâm luôn bị chi phối bởi phiền não, tâm luôn không thanh tịnh, vì vậy cần phải thọ giới và giữ giới để được thanh tịnh. Từ đó có thể thấy thọ giới, đắc giới và giữ giới là việc muôn vàn khó khăn.

Hôm nay, Giới tử đầy đủ duyên lành được tham dự Đại giới đàn Minh Nguyệt, cho nên các vị phải giữ tâm mình thanh tịnh, vì thanh tịnh mới được đắc giới. Sau khi lãnh thọ giới pháp cần phát tâm kiết thất từ 3 năm đến 10 năm như Phật dạy “Xuất gia giả, ngũ Hạ dĩ tiền chuyên tinh Giới luật, ngũ Hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền.” Cần luôn luôn trụ chánh định, giữ chánh niệm, chánh niệm tức là trụ vào trong giáo Pháp của Đức Phật mà không để ra ngoài. Nếu lạc ra bên ngoài là động là mất chánh niệm, xa rời giáo Pháp của Đức Phật, sẽ bị đọa. Cho nên lúc nào cũng giữ chánh niệm ở trong “Thân, Thọ, Tâm Pháp”. Đây là 4 việc vô cùng quan trọng, đến cuối cùng là vô ngã, chúng ta quán tưởng thật chắc của cuộc đời là tất cả các Pháp đều do duyên sanh, các pháp mà không có thật ngã, cho nên vì không có thật ngã ,chúng ta bước chân vào dòng thánh gọi là Quả Dự lưu. Sau khi đã chứng được Sơ quả tiếp tục thực hành chánh niệm (Sati) trên bốn lãnh vực Thân, Thọ, Tâm, Pháp thì trong 7 đời sẽ chứng quả A La Hán.

Giờ phút này tất cả Giới tử phải phát Bồ Đề tâm cầu giáo pháp của Đức Phật, tôi nghĩ rằng quý vị luôn làm được như các bậc tiền nhân đã làm. Nghĩ đến Hòa thượng Minh Nguyệt tôi nhớ về công khai sáng dòng thiền của người Việt Nam của tiền nhân. Từ tổ Nguyên Thiều sang ở miền trong (thời chúa Nguyễn), lúc bấy giờ tất cả quý ngài từ Trung Quốc mang dòng Thiền Lâm Tế sang đất nước Việt Nam. Nhưng Ngài Liễu Quán đã tiếp biến, khế thờ, khế cơ khai sáng ra dòng thiền Việt Nam. Dòng thiền mang  đặc tính, linh hồn, là đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, khác biệt Phật giáo Nhật Bản, Trung Hoa. Đó là dòng thiền Hộ quốc An dân, dòng thiền Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt là đời thứ 8 dòng thiềnLiễu Quán, mang tinh thần yêu nước rất sâu sắc, kết hợp nhuần nguyễn giáo Pháp của Đức Phật và lòng yêu nước của người Việt Nam. Ngài sáng lập Việt Nam Cứu quốc trong thời kỳ Pháp thuộc, khi thống nhất Phật giáo, sáng lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước. Hòa thượng lúc nào cũng giữ tâm thanh tịnh, nhớ Thân, Thọ, Tâm, Pháp, từ đó Ngài nhận ra được Thân thọ hình mà Tâm không thọ hình. Thân ở trong tù mà Tâm luôn được giải thoát, Thân lệ thuộc ở thế gian mà Tâm luôn nghĩ về Niết Bàn đây là đặc sắc của dòng thiền Liễu Quán.

Giới đàn lần này lấy tôn hiệu của Ngài nhằm khuyến khích Tăng, Ni thế hệ ngày hôm nay nghĩ tới HT. Thích Minh Nguyệt, nghĩ tới tổ Liễu Quán, nghĩ tới dòng truyền thừa đặc biệt của Việt Nam phải kết hợp nhuần nhuyễn Đạo pháp và Dân tộc. Đạo pháp còn là Dân tộc còn, Đạo pháp chúng ta nhất định còn, vì vậy quý vị luôn nương vào Giáo pháp phát huy Trí tuệ đóng góp cho xã hội và nhân sinh.

Trách nhiệm của GHPGVN hôm nay phải phục hưng lại tinh thần Phật giáo và Dân tộc này, đễ giữ mãi đất nước Việt Nam mãi thịnh trị và giữ mãi Phật giáo Việt Nam chúng ta phát triển nhiều đời về sau.

Cầu nguyện Hồng Ân Tam Bảo gia hộ cho chư tôn đức Ban Kiến đàn, Hội đồng Thập sư và các giới tử tâm thanh tịnh nhận được chánh Pháp của đức Phật để phát triển đạo lực, phát triển trí tuệ của mình để phục vụ cho Tổ quốc, cho Đất nước và cho Dân tộc cho Phật giáo lâu dài.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Tin, ảnh: Ban TTTT Giới đàn

 

Bài viết liên quan