Vài suy nghĩ về Giới đàn và Đại Giới đàn Minh Nguyệt

Từ thuở tiền nhân xuôi vào phương nam mở cõi Đàng Trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh của thế kỷ thứ XVII, nơi đất Gia Định – Biên Hòa xưa có các Tổ đình Giác Lâm, Khải Tường, Huê Nghiêm, Long Thiền, Đại Giác… với bước chân giáo hóa của các bậc Tổ sư long tượng như Ngài Phật Ý – Linh Nhạc[1], Tổ Tông – Viên Quang[2], Tiên Giác – Hải Tịnh[3]…; trải dài đến vùng đất Miền Đông – Bà Rịa thì có các chốn già-lam danh thắng như Sắc tứ Vạn An, Sắc tứ Linh Sơn Bửu Thiền, Tổ đình Long Hòa, chùa Thiên Thai cho đến Đại Tòng Lâm xứ non thiêng Thị Vải này. Những dấu tích vân du hóa độ mở khai đạo tràng tiếp tăng độ chúng của chư vị tiền bối mang đậm nét cống hiến trọn đời cho đạo pháp và hy sinh mạng sống cho dân tộc như các vị Tổ sư: Hải Bình – Bảo Tạng[4], Hải Hội – Chánh Niệm[5], Thanh Kế – Huệ Đăng[6]…, trong đó có Hòa thượng đạo hiệu Thích Minh Nguyệt[7] xuất thân từ chốn tổ Thiên Thai. Từ đó, Hòa thượng đã mở ra một chân lý hành đạo mới trong thời kỳ đất nước ngập chìm khói lửa chiến tranh, đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp tu đạo và hành đạo của Tăng Ni vùng đất Bà Rịa từ tiền bán thế kỷ XX cho đến ngày hôm nay với hạnh nguyện phụng sự đạo pháp, và tinh thần bảo vệ giang sơn.

Cổ đức đã dạy:

Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp thế thế trường tồn,

Giới luật tinh nghiêm, Tòng lâm thời thời nghiêm tịnh”.

Phật pháp hưng thịnh là nhờ ánh quang minh của giới luật, Giáo hội nghiêm tịnh chính là nhờ Tăng-già luôn gìn giữ Ba-la-đề-mộc-xoa. Hơn 25 thế kỷ đã trôi qua, đạo Phật tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức, đa dạng tông phái cũng đều bắt nguồn từ nền tảng giới luật. Dù Nam truyền hay Bắc truyền, Thiền tông hay Tịnh độ, Mật bộ hay Kim Cang thừa; Hiển giáo hay Mật giáo, Tiệm giáo hay Đốn giáo… thảy đều không xa lìa bản thể của giới luật mà hành trì, hành giả mở cửa vô lậu giải thoát thì vẫn không thể xa rời giới, định và tuệ mà được thể nhập chơn như diệu thể.

Trong Sa-di luật nghi có câu: “Nhơn giới sanh định, nhơn định phát huệ, thứ cơ thành tựu Thánh đạo”. Hành giả tu Phật có thọ trì giới thì tâm mới định, tâm định rồi trí tuệ mới phát sanh; nên biết, giới là căn bản thuận dòng giải thoát, muốn thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay kế thừa Tổ nghiệp của chư vị tiền bối đều bắt đầu từ thềm thang giới luật. Vâng theo di huấn của đức Thế Tôn, kế thừa sự nghiệp của chư vị liệt Tổ, giữ gìn giềng mối đạo pháp, truyền trì mạng mạch Tăng-già để “tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức”, thì việc khai đàn truyền trao giới pháp cho Tăng Ni chính là phụng mệnh di huấn của đức Từ phụ, là sứ mạng thiêng liêng của sứ giả Như Lai đã và đang thừa hành Phật sự, kế thừa tâm tông.

Vấn đề hành trì và truyền thừa giới luật ở nước ta không được ghi chép đầy đủ như ở Trung Hoa, vị Luật sư gần nhất trong lịch sử là Tổ Pháp Chuyên – Luật Truyền[8], bổn sư của ngài Toàn Nhật – Quang Đài[9] thời Tây Sơn; và gần đây nhất là các vị tiền bối Trưởng lão, uy nghi đĩnh đạc như Hòa thượng Hành Trụ[10] – Hòa thượng Thiện Hòa[11] trong Nam, chư vị Hòa thượng Đôn Hậu[12] – Hòa thượng Trí Thủ[13] ngoài Trung và Hòa thượng Tuệ Tạng[14] – Hòa thượng Bình Minh[15] ngoài Bắc. Các Ngài xứng đáng là bậc long tượng chốn già-lam với đời sống phạm hạnh tinh nghiêm, giới đức ngời chiếu, thân tâm tịnh như băng tuyết, mô phạm trong hành cước hoằng truyền.

Nếu đi ngược dòng lịch sử cho đến Tổ sư Khương Tăng Hội[16] thì chúng ta cũng chưa thể hình dung được buổi sơ khai truyền trì giới luật của nước Việt Nam ta như thế nào, và hình thức tổ chức Đàn giới ra sao. Nhưng, điều đáng lưu tâm là tính chính thống trong lịch sử truyền thừa liên tục không gián đoạn sau khi đức Phật nhập niết-bàn bởi bước chân du hóa của các Thánh tăng Phật giáo đã truyền khắp Á châu theo con đường tơ lụa kéo dài từ Ba Tư đến tận Nhật Bản.

Theo Lương cao tăng truyện[17], kể từ khi hai vị tôn giả Ca-diếp Ma-đằng[18] và Trúc Pháp-lan[19] mang kinh Phật từ Thiên Trúc sang Trung Hoa dịch thuật tại Bạch Mã tự[20] thời Hán Minh đế[21], từ đó nhiều người tin Phật và phát tâm thọ trì tam quy ngũ giới. Cũng có người cạo tóc và đắp mạn y, nhưng chẳng ai trong số đó thọ đại giới, chỉ vì không đủ túc số Tăng truyền giới theo luật Phật chế định. Đến những năm Gia Bình thời Tào Ngụy (249-253), có đại sư Đàm-ma-ca-la[22] từ Tây Vực đến Lạc Dương[23] dịch Luật Tăng-kỳ giới tâm[24], sau đó lại có Sa-môn Đàm-đế[25] xứ An Tức[26] đến chùa Bạch Mã dịch Đàm-vô-đức yết-ma[27]. Kể từ đó, xứ Trung Hoa mới có hình thức tổ chức truyền giới tỳ-kheo theo túc số thập sư.

Đối với Ni giới, đến niên hiệu Thăng Bình đời Tấn (357), Sa-môn Đàm-ma-yết-đa[28] lập đàn truyền giới tỳ-kheo-ni có Tịnh Kiểm[29] và bốn cô, đây được xem là tỳ-kheo-ni đầu tiên tại Trung Hoa. Bấy giờ chưa có Ni thì không đủ hai bộ truyền giới như luật định, ngài Đàm-ma-kiết-đa cho rằng giới từ Đại Tăng mà có, nay Đại Tăng có đủ số thì có thể truyền. Đến niên hiệu Nguyên Gia thứ 6 (429), Sa-môn Cầu-na-bạt-ma[30] sang hoằng hóa, Ni cô Huệ Quả[31] đem vấn đề thọ giới đắc pháp ra hỏi, Ngài trả lời: “Không đắc, vì không đủ nhị bộ Tăng-già”. Lúc ấy, có 8 vị tỳ-kheo-ni từ Tích Lan sang nhưng Cầu-na chưa cho tổ chức giới đàn vì cho rằng không đủ thập sư, liền cho người sang Tích Lan thỉnh thêm cho đủ thập Ni để truyền giới. Đây là giới đàn tỳ-kheo-ni chính thức như pháp được truyền đầu tiên tại Trung Hoa.

Quý Giới tử từ bốn phương câu hội, muốn thọ giới pháp trước phải phát Bồ-đề tâm, lập nguyện rộng lớn; có Bồ-đề tâm thì giới ấy mới thành tựu, mất Bồ-đề tâm, giới không thể hành trì; và nếu người xuất gia không thành tựu trí tuệ và giải thoát, coi như uổng phí một đời tu học. Hôm nay hội đủ duyên lành được gặp Phật pháp, chư Giới tử phải một lòng thành tâm cần cầu giới pháp cao quý của Phật; đã vào Tuyển Phật Trường thì Quý vị phải giữ gìn thân tâm cho thanh tịnh, lắng lòng chuyên nhất mới có thể lãnh thọ được giới pháp, lãnh thọ được giới pháp rồi phải nguyện suốt đời vâng giữ, noi theo đại hạnh đại nguyện của chư Phật, chư vị tiền bối, biến giới pháp thành Thánh thể; nhậm vận châu lưu, nhuần gội trời người, hàm triêm lợi lạc. Có như thế mới phần nào đáp đền thâm ân vô lượng của đức Phật và chư Tổ, xứng đáng là bậc trượng phu bước chân trên con đường giải thoát.

Trong kinh Đại bát niết-bàn thuộc Trường bộ kinh, đức Phật dạy người giữ giới được năm điều lợi ích. Một trong năm điều đó là “Người giữ giới, sống theo giới luật khi đi vào hội chúng nào, hoặc Sát-đế-lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi, không bối rối”.

Trong kinh Tăng chi, chương Mười một pháp, phẩm Y chỉ, đức Phật bảo tôn giả A-nan rằng: “Này Anan, các thiện giới có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc. Không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan. Hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ. Hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an. Khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc. An lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định. Ðịnh có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến. Như vậy, này Ananda, các thiện giới thứ lớp dẫn đến tối thượng”.

Sau khi đại ngộ, Lục tổ Huệ Năng[32] đã nhận ra tất cả vạn pháp chẳng lìa tự tánh, nên đã thốt lên trước ân sư – Ngũ tổ Hoằng Nhẫn[33] tại đất Hoàng Mai[34] rằng:

Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,

Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt,

Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,

Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng lay động,

Đâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp![35].

Nếu không tu trì giới thì do đâu được tâm định, tâm không định thì làm sao có thể phát sinh tuệ giác mà thấy được tự tánh hằng thanh tịnh, tự tánh hay sanh vạn pháp!

Thiền sư Lai Quả[36] đã từng giáo chúng rằng: “Một chữ ‘Giới’ phải hành trì mỗi ngày, không được tạm lìa dù một khắc, người xuất gia gìn giữ giới luật mới đảm bảo cho sự hưng thịnh của đạo pháp, khuôn phép nơi cửa Thiền; ngược lại, người xuất gia không khéo thọ học và hành trì giới luật thì không xứng đáng là Thích tử của Như Lai”.

Cố Trưởng lão Hòa thượng Đệ nhất Chủ tịch GHPGVN đạo hiệu Thích Trí Thủ đã dành suốt cuộc đời mình phục vụ cho đạo pháp và dân tộc qua nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhưng mối ưu tư hàng đầu của Hòa thượng vẫn là vấn đề giáo dục và văn hóa mà nền tảng là từ giới luật hành trì. Từ những ngày đầu xây dựng trường Phật học Việt Nam đầu tiên ở chùa Tây Thiên[37] – cố đô Huế vào những năm 1930, rồi thành lập Viện Cao đẳng Phật học[38] ở chùa Pháp Hội – Sài Gòn, tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh[39] vào năm 1964, Viện Cao đẳng Phật học ở Nha Trang năm 1970, cho đến những ngày cuối cùng tại Quảng Hương Già-lam[40], không lúc nào vấn đề giáo dục giới luật lại không được Hòa thượng quan tâm. Đúng 50 năm trước, khi làm Chánh Chủ đàn của Đại Giới đàn Phước Huệ[41] tại Phật học viện Trung phần Hải Đức[42] – Nha Trang vào năm 1973, thỉnh HT. Thích Phúc Hộ[43] làm Đường đầu, HT. Thích Giác Tánh[44] làm Yết-ma, nhị vị HT. Thích Trí Nghiêm[45] – Thích Huệ Hưng[46] làm Giáo thọ, HT. Thích Trí Tịnh[47] làm Tuyên Luật sư; Hòa thượng Đàn chủ đã dạy: “Giới là căn bản của hết thảy thiện pháp, là chánh nhân của đạo quả Tam thừa. Giới có công năng duy trì chánh pháp tồn tại lâu dài, thế nên các giới tử phải nhất tâm thọ trì”.

Trong bài Một thời truyền luật tưởng niệm Trưởng lão HT. Thích Trí Thủ, HT. Thích Tuệ Sỹ[48] có viết: “Thuở trước, có một vị Thiền sư nhận thấy những điều trong giới bổn tỳ-kheo không còn thích hợp bèn sửa đổi. Thiền sư hỏi ý kiến học trò mình như để thăm dò căn cơ thời đại cho thích hợp. Nhưng gặp phải người học trò thủ cựu, hỏi lại ‘Giới luật Phật chế, sao Thầy dám tự tiện sửa?’. Thiền sư đáp: ‘Không giữ được thì nên sửa, chứ để như vậy mà làm gì?’. Người học trò tỏ thái độ: ‘Thầy giữ không được thì mặc kệ Thầy, ai giữ được thì Thầy để người ta giữ. Sao Thầy lại tự tiện sửa?’”.

Khi bắt đầu vận động cải cách Phật giáo tại Trung Hoa thời cận đại, Đại sư Thái Hư[49] đã cổ xúy ba mục tiêu cách mạng: cách mạng giáo lý, cách mạng giáo chế và cách mạng giáo sản. Ngài tự nêu lên phương châm “Hành tại Du-già Bồ-tát giới bổn, chí tại chỉnh lý Tăng-già chế độ” chính là nhắm đến cải cách tinh thần bại hoại của lớp Tăng lữ đương thời. Hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi này, Pháp sư Tục Minh[50] đã viết trong tác phẩm Giới học khái thuyết rằng: “Cho đến thời đại gần đây, chế độ Tòng lâm thời trước bị phế bỏ không hành nữa. Nghi thức thọ giới cũng chỉ như đem dê đi cúng thần linh. Phẩm hạnh của Tăng nhân do đó mà xuống thấp, Phật giáo suy bại đến cực điểm. Suy cho ra nguyên nhân, thì chính là do bỏ phế việc học giới vậy

Trong kinh Di giáo[51], đức Phật có dạy rằng: “Sau khi ta diệt độ, phải tôn trọng quý kính Ba-la-đề-mộc-xoa, ví như đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo gặp báu, phải biết pháp này là thầy của các ông, dù ta có ở đời cũng không khác pháp này vậy”. Do vậy, các vị phải biết gìn giữ mạng mạch Phật pháp lưu truyền nơi thế gian, lãnh trách nhiệm Sứ giả Như Lai, muốn thành chánh giác trường tồn nơi đời phải lấy giới làm gốc, lấy định làm thọ mạng, lấy trí tuệ làm sự nghiệp; giữ gìn giới trọn vẹn, chắc chắn đời này ra khỏi sanh tử trần lao, không cô phụ tâm nguyện xuất gia cầu đạo Vô thượng của chính mình.

Giới pháp của Phật vô cùng quý giá, được ví như là viên minh châu để thanh lọc thân tâm, như chuỗi báu anh lạc để trang nghiêm pháp thân, như đèn sáng lớn soi sáng đêm tối tăm, như là gương báu sáng chiếu rõ tất cả pháp. Chư Phật ba đời đều tôn kính giới. Giới là nấc thang đầu tiên trên lộ trình tu tập giải thoát giác ngộ, nhân giới sanh định, nhân định mới thành tựu trí tuệ vô lậu. Giới còn được xem là chiếc áo vô tướng thanh tịnh trang nghiêm của người xuất gia tu học chân chính, là thọ mạng của Phật pháp. Người xuất gia tu hành mà xa lìa giới luật thì không thể gọi là người tu hành chân chính và thanh tịnh.

Trong kinh Phạm võng[52], đức Phật dạy: “Người trì giới như đi đêm tối được đèn sáng, như người nghèo được của báu, như người bệnh được lành, như người tù được thả, như kẻ đi xa được về nhà. Giới pháp chính là vị thầy sáng suốt không khác gì đức Phật còn ở đời”, chính vì tính chất quan trọng đó mà tất cả các giới tử phải hết lòng tôn kính giới cũng giống như tôn kính đức Phật. Nhờ khởi lòng tôn kính giới mà các giới tử mới đắc giới thanh tịnh. Người muốn thọ trì giới của Phật phải mang ý chí của một Đại trượng phu, một lòng phát nguyện tu tập giải thoát, dù phải trải qua muôn ngàn thử thách chông gai cũng không phai lòng.

Giới thể thụy nghiêm, đông tây kim cổ đồng quy ngưỡng

Đàn tràng thanh tịnh, thập phương thiện tín cộng quy y.

Đại Giới đàn Minh Nguyệt được tổ chức ngay trên thánh địa Đại Tòng Lâm này, có thể cung thỉnh được Quý chư Tôn đức giáo phẩm đạo cao đức trọng trong Giáo hội quang lâm chứng minh, gia trì và đăng đàn truyền trao giới pháp cho các giới tử là một pháp hội thù thắng, và là phước duyên rất lớn của tất cả các giới tử đang hiện diện. Từ những ý nghĩa cao cả và quan trọng, sự gia tâm hộ niệm của chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội và chư Tôn đức Hội đồng Thập sư truyền giới, với tâm thành chí thiết, thuận chí đồng lòng, thanh tịnh vô tướng trên tinh thần khát vọng, cần cầu và hy vọng tuyệt đối vào năng lực chư Phật mười phương chứng minh, Tam bảo gia hộ và giới đức của Quý chư Tôn đức sẽ giúp cho Đại Giới đàn thành tựu viên mãn.

Thượng tọa Thích Thiện Thuận 

UVDK.HĐTS GHPGVN

Phó Trưởng ban Trị sự, Chánh Thư ký, Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh BR-VT

 

[1] Tổ sư Phật Ý – Linh Nhạc (1725-1821): chưa rõ thế danh và quê quán (có thể ngài là người. Ngài quy y thọ giáo với Hòa thượng Thành Đẳng – Minh Lượng trụ trì chùa Đại Giác (nay thuộc TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35.

[2] Tổ sư Tổ Tông – Viên Quang (1758-1827): chưa rõ thế danh, có thể là người Minh Hương. Ngài quy y thọ giáo với Hòa thượng Phật Ý – Linh Nhạc, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 36.

[3] Tổ sư Tiên Giác – Hải Tịnh (1788-1875): thế danh Nguyễn Tâm Đoan, quê quán Gia Định (nay là TP. HCM). Ngài quy y thọ giáo với Hòa thượng Tổ Tông – Viên Quang ở chùa Giác Lâm (Gia Định), được ban danh-hiệu Tiên Giác – Hải Tịnh thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 37, và cầu pháp nơi Hòa thượng Thiệt Thoại – Tánh Tường (1741-1817) ở chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức), được ban danh-hiệu Tế Giác – Quảng Châu, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 36.

[4] Tổ sư Hải Bình – Bảo Tạng (1818-1872): thế danh Huỳnh Văn Yết (có tư liệu ghi ngài tục danh Lê Chi), quê quán Phú Yên. Ngài quy y thọ giáo với Hòa Thượng Tánh Thông – Giác Ngộ (1774-1842), thuộc dòng Lâm Tế (chi phái Liễu Quán) đời thứ 40.

[5] Tổ sư Hải Hội – Chánh Niệm (1834-1905): thế danh Đỗ Chánh Tâm, quê quán Phú Yên. Ngài quy y thọ giáo với Hòa thượng Tánh Như – Phổ Tế, thuộc dòng Lâm Tế (chi phái Liễu Quán) đời thứ 40.

[6] Tổ sư Thanh Kế – Huệ Đăng (1873-1953): thế danh Lê Quang Hòa, quê quán Bình Định. Ngài quy y thọ giáo với Hòa thượng Đồng Đế (Hải Hội – Chánh Niệm), thuộc dòng Lâm Tế (chi phái Liễu Quán) đời thứ 41.

[7] Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (1907-1985): thế danh Lý Duy Kim, quê quán Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Ngài quy y thọ giáo với Hòa thượng Thanh Kế – Huệ Đăng, được ban pháp húy Trừng Kim, hiệu Minh Nguyệt, thuộc dòng Tế Thượng Chánh Tông đời thứ 42.

[8] Tổ sư Pháp Chuyên – Luật Truyền (1726-1798): họ Trần, quê quán Quảng Nam. Ngài quy y thọ giáo với Hòa thượng Thiệt Dinh – Ân Triêm (1712-1796), được ban pháp danh Pháp Chuyên, pháp tự Luật Truyền, pháp hiệu Diệu Nghiêm, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 36, đời thứ 3 phái Chúc Thánh.

[9] Tổ sư Toàn Nhật – Quang Đài (1757-1834): họ Nguyễn, quê quán Phú Yên. Ngài thọ giáo với Hòa thượng Diệu Nghiêm (Pháp Chuyên – Luật Truyền), được ban pháp danh Toàn Nhật, pháp tự Vi Bảo, pháp hiệu Quang Đài, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 37, đời thứ 3 phái Chúc Thánh.

[10] Hòa thượng Thích Hành Trụ (1904-1984): thế danh Lê An, quê quán Phú Yên. Ngài quy y thọ giáo với Hòa thượng Như Đắc – Giải Tường (1879-1949), được ban pháp danh Thị An, pháp tự Hành Trụ, pháp hiệu Phước Bình, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 42, đời thứ 9 phái Chúc Thánh.

[11] Hòa thượng Thích Thiện Hòa (1907-1978): thế danh Hứa Khắc Lợi, quê quán Chợ Lớn (nay thuộc TP.HCM). Ngài quy y với Tổ Bửu Sơn ở chùa Long Triều, được ban pháp danh Tâm Lợi; về sau (1935) xuất gia với Hòa thượng Khánh Hòa, được ban pháp hiệu Thiện Hòa.

[12] Hòa thượng Thích Đôn Hậu (1905-1992): thế danh Diệp Trương Thuần, quê quán Quảng Trị. Ngài xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Thanh Ninh – Tâm Tịnh (1868-1929), được ban pháp danh Trừng Nguyện, pháp hiệu Đôn Hậu, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 42, đời thứ 8 chi phái Liễu Quán.

[13] Hòa thượng Thích Trí Thủ (1909-1984): thế danh Nguyễn Văn Kính, quê quán Quảng Trị. Ngài xuất gia với Hòa thượng Tra Am – Viên Thành (1879-1928), được ban pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, pháp hiệu Trí Thủ, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 43.

[14] Hòa thượng Thích Tuệ Tạng (1889-1959): thế danh Trần Thanh Thuyên, quê quán Nam Định. Ngài xuất gia với Hòa thượng trụ trì chùa Phúc Lâm, được ban pháp danh Tâm Thi, pháp hiệu Tuệ Tạng.

[15] Hòa thượng Thích Bình Minh (1924-1988): thế danh Nguyễn Bình Minh, quê quán Nam Định. Ngài xuất gia với Hòa thượng Thanh Tiên chùa Tuân Lục, được ban pháp danh Quảng Tuấn.

[16] Tổ sư Khương Tăng Hội (?-280): danh tăng Việt Nam, người Giao Chỉ, cha gốc Khương Cư (Sogdiane), sang Trung Quốc dịch kinh vào thời Tam Quốc, được xem là Sơ tổ Thiền tông Việt Nam.

[17] Lương cao tăng truyện 梁高僧傳: gồm 14 quyển, do sư Huệ Kiểu (497-554) đời Lương biên soạn, được thu vào Đại Chánh tạng tập 50.

[18] Ca-diếp Ma-đằng 迦葉摩騰 (?-73) (S: Kāśyapa-mātaṅga; Cg: Nhiếp-ma-đằng): người Trung Ấn Độ, được xem là vị sư đầu tiên truyền bá Phật giáo vào Trung Quốc.

[19] Trúc Pháp-lan: người Trung Ấn Độ, đến Trung Quốc vào thời Đông Hán.

[20] Bạch Mã tự 白馬寺: tương truyền đây là ngôi chùa đầu tiên của Trung Quốc, được Hán Minh đế cho xây dựng vào niên hiệu Vĩnh Bình thứ 18 (67) thời Đông Hán, tọa lạc tại phía đông huyện Lạc Dương, tỉnh Hồ Nam.

[21] Hán Minh đế 漢明帝 (28-75): húy Lưu Trang, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Đông Hán.

[22] Đàm-ma-ca-la 曇摩迦羅 (S: Dharma-kāla; Hd: Pháp Thời): người Trung Ấn Độ, đến Lạc Dương (Trung Quốc) vào năm Gia Bình thứ 2 (250), trụ tại chùa Bạch Mã, dịch Tăng-kỳ luật giới bổn (1 quyển), và thỉnh Phạm tăng chế định pháp yết-ma, truyền trao giới luật, mở đầu cho việc truyền giới độ tăng ở Trung Quốc.

[23] Lạc Dương: kinh đô xưa, nằm ở phía nam Hoàng Hà, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

[24] Tăng-kỳ giới tâm 僧祇戒心: 1 quyển, hiện đã thất truyền.

[25] Đàm-đế 曇諦 (Cg: Đàm-vô-đế; S: Dharmasatya; Hd: Pháp Thực): Sư là người nước An Tức, am tường luật học, đến Lạc Dương (Trung Quốc) vào năm Chính Nguyên nguyên niên (254), dịch Đàm-vô-đức yết-ma (1 quyển), tại chùa Bạch Mã.

[26] An Tức (Parthia): một vương quốc cổ thuộc lãnh thổ Iran ngày nay.

[27] Đàm-vô-đức yết-ma 曇無德羯磨: 1 quyển.

[28] Đàm-ma-yết-đa 曇摩羯多

[29] Tịnh Kiểm 淨檢: vị sư ni đầu tiên của Trung Quốc, sống vào thời Đông Tấn. Sư thế danh Trọng Lệnh Nghi, quê quán Bành Thành (nay thuộc tỉnh Giang Tô).

[30] Cầu-na-bạt-ma 求那跋摩 (367-431) (S: Guṇavarman; Hd: Công Đức Khải): Sư xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc của nước Kế Tân, Bắc Ấn Độ, đến Trung Quốc vào năm Nguyên Gia nguyên niên (424) đời Lưu Tống Văn đế, về sau có dịch kinh. Sư tinh thông tam tạng nên được tôn xưng là Tam tạng pháp sư.

[31] Huệ Quả 慧果

[32] Lục tổ Huệ Năng (638-713): vị Tổ sư thứ 6 của Thiền tông Trung Quốc, sống vào đời Đường, họ Lư, người Quảng Đông. Nhục thân bất hoại của Tổ hiện vẫn được tôn thờ tại Tào Khê (Quảng Đông).

[33] Ngũ tổ Hoằng Nhẫn (602-675): vị Tổ sư thứ 5 của Thiền tông Trung Quốc, sống vào đời Đường, họ Châu, người Tầm Dương – Giang Tây (có thuyết nói Tổ là người Hoàng Mai – Hồ Bắc).

[34] Hoàng Mai: ở phía đông nam tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

[35] Kinh Pháp bảo đàn: do Lục tổ Huệ Năng thuyết, gồm 1 quyển.

[36] Thiền sư Lai Quả (1881-1953): vị đại đức của Thiền tông vào thời Dân Quốc. Ngài là người Hồ Bắc (Trung Quốc), họ Lưu, hiệu Tịnh Như, pháp danh Diệu Thọ.

[37] Chùa Tây Thiên: tọa lạc tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế, do Hòa thượng Thanh Ninh – Tâm Tịnh kiến tạo vào năm 1902.

[38] Viện Cao đẳng Phật học: do các vị Hòa thượng Trí Thủ, Nhất Hạnh và Minh Châu thành lập năm 1964, đặt cơ sở tại chùa Pháp Hội, đến cuối năm 1965 đổi tên thành Viện Đại học Vạn Hạnh.

[39] Viện Đại học Vạn Hạnh: viện đại học tư thục tại Sài Gòn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập vào năm 1964.

[40] Quảng Hương Già-lam: do Hòa thượng Thích Trí Thủ khai sơn vào năm 1962, hiện tọa lạc tại đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, TP. HCM. Ban đầu có tên là Giải Hạnh Già-lam, năm 1964 đổi tên thành Quảng Hương Già-lam sau sự kiện thầy Quảng Hương vị pháp thiêu thân.

[41] Đại Giới đàn Phước Huệ: do Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm Hòa thượng Đường đầu.

[42] Phật học viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang: thành lập năm 1956, tại Nha Trang.

[43] Hòa thượng Thích Phúc Hộ (1904-1985): thế danh Huỳnh Văn Nghĩa, quê quán Phú Yên. Ngài xuất gia với Hòa thượng Thiền Phương (Như Đắc – Giải Tường) chùa Sắc tứ Phước Sơn (Đồng Tròn), được ban pháp danh Thị Chí, tự Hành Thiện, pháp hiệu Phúc Hộ, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41.

[44] Hòa thượng Thích Giác Tánh (1911-1987): thế danh Võ Phi Long, quê quán Bình Định. Ngài xuất gia với Hòa thượng Huệ Chiếu (Tâm Tịnh – Giải Thoát) chùa Hưng Long, được ban pháp danh Nguyên Lưu, pháp tự Chí Ý, pháp hiệu Giác Tánh, thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 44.

[45] Hòa thượng Thích Trí Nghiêm (1911-2003): thế danh Phan Diệp, quê quán Phú Yên. Ngài xuất gia với Hòa thượng Vĩnh Hảo chùa Phước Long, được ban pháp danh Tâm Bổn, pháp tự Truyền Lai, pháp hiệu Trí Nghiêm, thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 43.

[46] Hòa thượng Thích Huệ Hưng (1917-1990): thế danh Nguyễn Thành Chẩm, quê quán Đồng Tháp. Ngài xuất gia với Hòa thượng Đạt Thái – Chánh Thành chùa Vạn An, được ban pháp danh Ngộ Trí, pháp hiệu Huệ Hưng, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 39.

[47] Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2004): thế danh Nguyễn Văn Bình, quê quán Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Ngài xuất gia với Hòa thượng Hồng Xứng – Thiện Quang chùa Vạn Linh (An Giang), được ban pháp húy Nhựt Bình, tự Thiện Chánh, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41; pháp hiệu Trí Tịnh do Hòa thượng Trí Độ ban cho.

[48] Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (1943-): thế danh Phạm Văn Thương, quê quán Quảng Bình, nhưng sinh ra tại Lào. Ngài được Hòa thượng Thích Trí Thủ ban pháp danh Nguyên Chứng; hiệu Tuệ Sỹ là do Ngài tự đặt. Ngài là nhà sư, học giả Phật giáo uyên bác, đồng thời là nhà văn, nhà thơ, dịch giả thông thạo nhiều ngôn ngữ, và là Giáo sư thực thụ của Viện Đại học Vạn Hạnh, chủ bút Tạp chí Tư Tưởng

[49] Đại sư Thái Hư (1889-1947): cao tăng Trung Quốc, thế danh Trương Cam Sâm (có tài liệu ghi Ngài họ Lữ), quê quán Chiết Giang. Ngài xuất gia năm 16 tuổi, thọ giới Cụ túc năm 18 tuổi, được Hòa thượng Ký Thiền khen là “Huyền Trang tái thế”; pháp danh Duy Tâm, hiệu Hoa Tử, Bi Hoa, Tuyết Sơn lão tăng, Tấn Vân lão nhân. Ngài là người đề xướng phong trào cải cách Phật giáo từ thời Dân Quốc trở đi, tận lực với sự nghiệp Phật giáo, có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

[50] Pháp sư Tục Minh (1919-1966): họ Từ, người Bắc Bình (tức Bắc Kinh, Trung Quốc). Sư xuất gia năm 12 tuổi, với Pháp sư Ngộ Thiền, được ban pháp danh Thiên Tuệ; từng thân cận các vị cao tăng cận đại như Luật sư Từ Hàng, Đại sư Thái Hư, Đạo sư Ấn Thuận; góp phần biên tập Thái Hư đại sư toàn tập, chủ biên Nguyệt san Hải Triều Âm, quản lý Phật học viện Linh Ẩn ở Tân Trúc, tận lực với sự nghiệp giáo dục của Phật giáo, trụ trì tinh xá Phước Nghiêm, là trợ tá đắc lực của Đạo sư Ấn Thuận.

[51] Kinh Di giáo: do Pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, gồm 1 quyển, được thu vào Đại Chánh tạng tập 12. Nội dung nói về những lời răn dạy của đức Phật khi Ngài sắp nhập niết-bàn.

[52] Kinh Phạm võng: tương truyền do Pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, gồm 2 quyển, được thu vào Đại Chánh tạng tập 24. Nội dung nói về giai vị tu đạo của bồ-tát và giới tướng của 10 giới trọng, 48 giới khinh.

Bài viết liên quan