Dù con đi khắp mười phương.
Cũng không tả hết ơn Thầy nuôi con
Con từ một đứa bé 10 tuổi, nơi quê nghèo Trà Vinh, lấm lem như một con mèo hoang đã đến với Thầy. Biết bao lần bị Thầy la, Thầy rầy thậm chí là những trận đòn roi… Thời ấy, chùa còn nghèo lắm. Những bữa cơm chỉ là những tô canh rau ngoài vườn, những đọt rau lang của bà cô đã tự trồng… Rồi Thầy trò cũng đã vượt qua hết. Những nhọc nhằn khó khăn của Thầy con không hiểu hết được. Trong mắt con chỉ thấy sự nghiêm khắc, khó khăn. Rồi chùa xuống cấp, dột nát. Mỗi lần mưa phải chạy đi lấy những cái thau thiệt to để hứng nước mưa trong chánh điện. Có những đêm Thầy trò phải bắt ghế để tụng kinh. Rồi Thầy phải xây chùa lại, thêm sự lo toan mọi thứ. Tuổi nhỏ, con vẫn không gánh vác được gì cùng với Thầy. Sự nghịch ngợm phá phách của con làm Thầy thêm nặng lòng. Thời đó nghèo, tủ lạnh, ti vi. nồi cơm điện… là những thứ xa xỉ. Sau thời gian qua lại, Chùa cũng được Phật Tử cúng một cái tủ lạnh mới thương hiệu HITACHI. Có tủ lạnh ai cũng vui, cũng quý. Con nít mà, phá lắm, năm đó chắc con cũng tầm lớp 5, lớp 6 nghịch ngợm, thấy bảng thương hiệu HITACHI con lột ra dán lại. Rồi lại lột ra dán lại. Một lần dán lại còn dính, hai lần vẫn còn được. Ba lần nó hết ăn keo. Sợ quá, con lấy keo 502 chế vào. Rồi luôn, gỡ không ra nữa nhưng một bệt trắng sầm sùi lộ ra do tác dụng của keo 502 để lại. Thầy nhìn và phát hiện. Hỏi tội, con sợ quá chối leo lẻo. Một trận đòn no nê. Thầy dạy, không phải Thầy giận vì con phá. Mà Thầy giận vì con đã nói dối. Dám làm mà không dám thừa nhận. Một bài học về sự thật thà, dám làm phải dám nhận từ cái tủ lạnh mới HITACHI được rút ra. Rồi tới cái nồi cơm điện cô Năm bên Vũng Tàu mới cúng. Nấu cơm nó đã bật qua nút warm, rồi con lại bật qua nút cook. Một lát sau nó tự bật qua nút warm nữa. Lần này khi bật lại nút cook con lấy đồ ém lại để không cho nó bật lại nút warm. Chừng 5 phút sau mùi cơm khét bay nồng nặc, xén xíu nữa đi luôn cái nồi. Sợ xanh tái mặt, nhưng may hên bà cô Cần ở nhà bếp lần đó không có méc Thầy, ém luôn tới giờ. Một lần khác, Thầy có Phật sự phải đi. Mừng lắm, mỗi lần Thầy đi là mừng, hồi nhỏ Thầy đâu có cho xem tivi. Chờ Thầy đi rồi ở nhà mở tivi xem. Làm sao không biết hư luôn cái tivi, sợ quéo đích. Mà sao hên, lần đó chỉ bị la chứ không bị ăn đòn. Một lần khác chắc tầm học lớp 7, bạn rủ ra tiệm chụp hình chân dung. Ngày xưa đâu có điện thoại chụp hình mà cái tánh lại khoái chụp hình. Vậy mà Thầy cũng phát hiện, lại một trận đòn nữa. Ngày xưa nghĩ “Ủa, sao làm cái gì cũng bị quýnh hết vậy ta” … còn nhiều lắm. Tuổi thơ dữ dội vậy đó.
Vậy mà vẫn ở, vẫn tu với Thầy. Nhớ ngày xưa. Cứ sáng 6h là tiếng Thầy gọi “Bé Lộc thức dậy đi học”. Tối ngồi học bài cứ 10h là Thầy lại bảo “Khuya rồi đi ngủ nha”. Cứ như vậy cho đến hết lớp 12.
Thầy dạy từng cái đi, cái đứng, cái chắp tay, cái việc ngồi tụng kinh. Từng lời ăn, tiếng nói… Nhớ lúc nhỏ cái lưng cong (lưng tôm), ngồi tụng kinh ở phía sau Thầy quất 1 phát, hoảng hồn ngồi thẳng liền. Cũng vì cái lưng cong Thấy cấm luôn việc nằm võng. Lúc nhỏ đâu hiểu gì, chỉ thấy Thầy khó.
Ở chùa thì 4h khuya phải thức dạy công phu tụng Lăng nghiêm rồi. Vì chắc là tuổi con mèo lại sinh vào ban ngày nên toàn là ham ngủ. Ngày nào thức dạy tụng kinh đều Thầy vui lắm. Thầy không thích con bỏ thời tụng kinh nào cả. Dù là hôm đó chùa có lễ, có công việc hay mệt nhọc thế nào. Giữ thời khóa là Thầy vui. Đôi lúc nghĩ sao Thầy thích tụng kinh thế. Ngồi tụng kinh cũng đâu thành Phật được? Nhưng đâu biết rằng, ngồi tụng kinh không thành Phật nhưng muốn thành Phật thì không thể không ngồi tụng kinh. Đó là công hạnh, là mật hạnh, là sự tinh tấn, là sự miên mật…mà sau này được đi học tất cả quý Ngài lớn đều dạy như thế cả.
Tình Thầy là thế, dù con có lớn thế nào vẫn không hiểu hết được. Vì sự cho đi của Thầy đối với con là không giới hạn. Nhiều người nói, con rất giống Thầy. Con vui, Con hạnh phúc vì điều này. Tuy Thầy không sinh con, Nhưng Thầy cho con tất cả. Sự nuôi dưỡng, giáo dưỡng, cả tri thức này, sự tu tập này đều là của Thầy cho con.
Diệu Lộc