Thùng rác kỳ diệu

Ngày 07/01/2020 chúng tôi về dự Lễ tốt nghiệp Lớp sơ cấp Phật học K.I của BTS GHPGVN huyện Long Điền. Nhận được tập Kỷ yếu của các Tăng Ni sinh lớp mà không khỏi có chút xúc động. Các Tăng Ni trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi đạo nhưng đã cố gắng hoàn thành tập Kỷ yếu chỉ trong 2 tuần, đánh dấu những tháng ngày bước chân vào “Học Phật”.
Được sự đồng ý của Ban Chủ nhiệm lớp, BBT Website xin trích chọn đăng một số bài viết trong kỷ yếu. Xin trân trọng giới thiệu!
Thùng rác kỳ diệu
Vấn đề đang gây nhức nhối hiện nay là vấn nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng. Lượng rác thải, khí thải ra môi trường với con số khổng lồ mà vẫn chưa có việc xử lý triệt để. Với cuộc sống hiện nay, con người lấy vật chất làm thước đo. Tinh thần ngày càng bị bỏ lùi về phía sau. Dẫn đến các phiền não, muộn phiền trong tâm càng thêm trầm trọng. Là một người đi trên con đường trí tuệ, từ bi. Người dẫn dắt chúng sanh về mặt tâm linh, ta hãy là thùng rác! Chiếc thùng rác kỳ diệu có thể dung chứa mọi đau khổ, sầu bi của nhân thế.

Chiếc thùng rác ta thấy hằng ngày nó được làm bằng kim loại, nhựa,.v.v… nên nó chỉ chứa được số lượng nhất định và chính nó cũng bị các rác thải làm hoen ố. Nhưng chiếc thùng rác kỳ diệu này, lấy từ bi để chứa đựng, lấy Bát Chánh Đạo làm máy móc xử lý. Vì vậy, nó chẳng bao giờ đầy và cũng chẳng bị bôi bẩn bởi rác phiền muộn mà ngày càng tỏa sáng và trở nên có giá trị.

1
Các sư Thầy, sư Cô chính là chiếc thùng rác kỳ diệu ấy. Mọi người đổ vào đấy nào là chuyện vợ chồng bất hòa, chuyện con cái khó dạy, chuyện xích mích với họ hàng, chuyện tài chính thiếu hụt, chuyện tình yêu trai gái .v..v…Ôi thôi! Đủ mọi thứ chuyện trên đời. Chính vì lòng từ bi lòng thương xót chúng sinh như con của mình, nên các sư thầy, các sư cô luôn luôn ngồi yên lắng nghe, chia sẻ sự bình an, hoan hỷ, an lạc của mình và đón nhận mọi thứ rác rến phiền não của chúng sanh. Hứng nhận tất cả rác rến, xử lý chúng một cách có trí tuệ mà không giữ lại chút gì. Vì thế một người tu cần phải giống như một thùng rác không đáy, không bao giờ bị đầy khi lắng nghe những vấn đề đau khổ của mỗi chúng sanh mà hãy biến “rác” thành pháp tu, pháp quán “ đời là khổ”.

Chúng ta cần tập lắng nghe. Vì đa số chúng ta thích nói hơn là nghe người khác nói, thích ồn ào náo nhiệt hơn nơi yên tĩnh vắng lặng. Ở phương Tây những nghề tâm lí trị liệu, tâm lí phân giải được thịnh hành. Những người mà căng thẳng thần kinh do công việc hay cuộc sống hay chuyện vợ chồng con cái, anh em v.v… thường tìm đến những nhà tâm lí trị liệu hay các nhà phân giải để “tâm sự với người lạ”. Những nhà chuyên gia tâm lí này chỉ ngồi yên lặng lắng nghe mà không nói năng gì hoặc không trả lời gì hết. Những người đó đều có thể ngồi hoặc nằm dài trên giường và cứ thế nói hết những gì mà họ muốn nói hoặc không nói được với ai như vợ chồng cha mẹ, bạn bè, trong khoảng ba mươi phút đến một tiếng đồng hồ, họ đứng dậy trả tiền rồi ra về. Đối với người Á Đông thì chuyện này có vẻ nực cười, vì một người vừa nói, vừa phải trả tiền. Nhưng chúng ta hãy nhìn lại mình xem có bao giờ bạn ao ước có một người nào đó biết ngồi yên lắng nghe mình nói không? Vợ hay chồng của bạn hay cha, mẹ của bạn có bao giờ chịu ngồi yên lắng nghe bạn tâm sự hay kể chuyện gì không? Để bạn trút hết mọi âu tư buồn phiền, lo âu của xã hội hay cuộc sống đã ngược đãi bạn ra sao? Có lẽ họ lúc nào cũng bận rộn với hàng trăm công việc, họ chỉ nghe được một vài câu và trả lời rằng “ vậy à, cố lên, nói sau nhé, tôi đang rất bận”. Trong đời sống, hầu như ai cũng có một công việc riêng, không ai có thì giờ cho ai, nói chi đến chuyện ngồi yên lắng nghe bạn nói hay tâm sự.

Còn một số người Á Đông khi có một tâm sự, hay một vấn đề của cuộc sống hay xã hội, tình yêu người ta thường hay nói tâm sự với người thân hay bạn bè. Nhưng nhiều khi, người này lại đem đi kể những điều bí mật mà họ đã nghe, đó là bí mật của nghề nghiệp. Chính vì vậy, những người chất chứa tâm tư đó mới yên tâm cho người thứ ba rồi người thứ ba lại kể cho người thứ tư và cho nhiều người khác nữa và có khi thêm mắm thêm muối từ một mà thêm vào thành mười hay mười một. Kết quả không giải quyết được vấn đề mà còn làm rối bung lên rồi đâm ra giận nhau không nhìn mặt nhau nữa. Thiền Sư Nhất Hạnh cũng hay thường dạy phương pháp lắng nghe “ chỉ cần lắng nghe thôi, bạn cũng làm vơi đi niềm đau của kẻ khác.

Hãy là thùng rác kỳ diệu! Thùng rác không phải đựng rác ở bên ngoài mà thùng rác ở đây đựng phiền não buồn lo âu tư hay là những gánh nặng về tinh thần của tất cả chúng sanh. Hãy hi sinh mình làm thùng rác để cho mọi người trút vào đó những cái nặng nề của xã hội của cuộc đời phong ba bão tố này. Để đổi lại cho họ một sự bình an hay hạnh phúc, an lạc trong cuộc sống. Đó cũng là một giải pháp hữu hiệu cho những người đang căng thẳng stress, hay trầm cảm. Nếu không có những thùng rác này thì biết bao nhiêu người dù trai hay gái đều lâm vào bế tắc, tuyệt vọng. Nguyên nhân cũng chỉ là những căng thẳng về xã hội hay tình cảm. Họ đang vướng mắc vào một tấm lưới mà chính họ không thể thoát ra được. Họ không thể vùng vẫy hay kêu cứu được, mà họ chỉ biết nhắm mắt buông xuôi, hay chỉ là chờ đợi trong sự vô vọng mòn mỏi.

Cho nên chúng ta hãy nói ít lại một chút và lắng nghe nhiều hơn nữa. Có nhiều khi bạn có thể giúp họ thoát ra tấm lưới đó và cho họ một con đường tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn. Thùng rác này ở trong người ai cũng có nhưng họ có mở nắp đậy ra để mà đón nhận rác hay không đó mới là điều quan trọng. Thùng rác này tuy nó vô hình nhưng nó mang lại một giá trị to lớn không gì có thể sánh nổi. Thùng rác nó có thể thay đổi một con người hay giải cứu một con người đang ở ngỏ cụt để mở ra một con đường tươi sáng hơn. Tôi mong rằng sau khi đọc xong bài này thì mọi người hãy mở nắp thùng rác ra và đón nhận những rác rến của người khác. Và hãy cảm thấy hạnh phúc, tự hào hoan hỷ vì chính mình có một thùng rác có thể đựng được tất cả. Điều quan trọng hơn cả là làm cho mọi người từ bùn lầy mà vượt lên bờ bến hạnh phúc an lạc, thì mình cũng ấm lòng hơn “Phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Vì vậy, ta hãy trở thành một chiếc thùng rác kỳ diệu.

Tăng sinh. Thích Thọ Tâm

Bài viết liên quan