Thượng tọa Thích Thiện Thuận có lời gởi đến bà TS Đoàn Hương và VTC Now

GNO – Trong những ngày qua, tòa soạn Báo Giác Ngộ nhận được ý kiến, thư điện tử và tin nhắn bày tỏ bức xúc về những phát ngôn của một người được gọi là TS Đoàn Hương, trong một talk show do VTC Now thực hiện.

Thượng tọa Thích Thiện Thuận trong một chuyến chia sẻ với bà con khó khăn – Ảnh: Vạn Thiện

 

Nội dung của câu chuyện gom nhiều thứ của xã hội, và nhiều chuyện không còn là mới, nhiều việc xảy ra đã lâu, liên quan tới đình, miếu, lễ hội, chùa, lễ hội dân gian ở các làng xã… nhưng lại được đặt tựa rất ác ý, quy về cho Phật giáo, cụ thể: “Một số nhà sư “làm tiền”, sống xa hoa khiến “đi tu” trở thành một nghề”… Đó là chưa kể tới việc nhà đài liệt kê các vi phạm của người mạo danh nhưng được gán cho là… nhà sư, là Phật giáo trong lời dẫn, nhận định của mình.

Tôn trọng ý kiến của chư Tăng Ni, Phật tử về vấn đề này, Giác Ngộ online giới thiệu một phần ý kiến của Thượng tọa Thích Thiện Thuận, Ủy viên DK Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, về vấn đề này.

***

Thưa bà Tiến sĩ Đoàn Hương,

Tôi có nghe được những phản ánh đầy bức xúc của đông đảo Phật tử và cả những người thân thiện với đạo Phật về video phỏng vấn bà của VTC Now, được đặt những tựa đề gây phẫn nộ: Một số nhà sư “làm tiền”, sống xa hoa khiến “đi tu” trở thành một nghề… hay “Nhiều đền chùa “mài dao”cả năm chờ chặt chém du khách”… Tôi đã xem, nghe hết những ý kiến của bà xung quanh chủ đề nhà đài đưa ra: lên án bói toán, mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn…, bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống nhân Xuân về, Tết đến.

Đó là một chủ đề rất hay, nhưng tiếc thay, cả người dẫn dắt, lẫn người phát biểu lại dắt nhau đi… xa quá, rất xa đối với chủ trương đoàn kết tôn giáo, dân tộc của Đảng.

Thật ra, theo nhận xét chủ quan của tôi, bà cũng đã có những cố gắng trình bày và đề xuất nhằm chấn chỉnh lại những lệch chuẩn văn hóa, đặc biệt trong đời sống tâm linh với vai trò một người có học vị Tiến sĩ khoa học. Chỉ tiếc, lẽ ra tri thức lẫn phương pháp nghiên cứu có được sẽ giúp bà có những kiến thức có thể không sâu, nhưng phổ quát về các lĩnh vực liên quan đến văn hóa và tôn giáo, đủ để giúp bà chuẩn bị được điều mình sẽ nói, lĩnh vực mình sẽ đề cập đủ tiêu biểu, đủ chính xác trước khi phát biểu rộng rãi trên truyền thông với những đúc kết quy chụp, tạo cơ hội cho những kẻ xấu đả kích tôn giáo, phá hoại hòa hợp dân tộc như vậy.

Nhất là khi đi vào lĩnh vực đời sống tâm linh với những giá trị cội rễ đã làm nên hồn dân tộc. “Mai ngày tôi bỏ quê tôi. Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi! bỏ chùa” (Nguyễn Bính, Quê tôi). Hẳn bà cũng biết đời sống văn hóa của người dân Việt gắn bó mật thiết với mái đình, ngôi chùa, không gian tâm linh để người dân tìm thấy sự đồng điệu, chân tình cùng nhau hướng thiện. Thế nên, những phát biểu đầy tính xúc phạm vào niềm tin tâm linh, vào những giá trị văn hóa đã nuôi dưỡng bao tâm hồn người Việt đã khiến tôi và những ai có niềm tin đối với Đạo Phật không thể chấp nhận, và bà gặp sự phản kháng gay gắt từ dư luận xã hội là điều tất nhiên.

Tôi không biết, khi nhận xét “ngày nay, đi tu là một sự kiếm lợi”, bà đã từng có những trải nghiệm, những hiểu biết về đời sống tu hành chuông mõ 6 thời tinh nghiêm trong ngày, cùng những hy sinh, cống hiến thầm lặng của hơn 50.000 Tăng Ni (các hệ phái, trong đó có những nhà sư Khmer đi tu vì mục đích báo hiếu, hay vì các giá trị tinh thần cao cả) và hơn 17.000 ngôi chùa của cả nước trên con đường hoằng hóa độ sanh hay chưa? Và bà có biết, thực tế con số hơn 2.100 tỷ đồng vào năm 2023 đã được đóng góp cho các quỹ phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, xây dựng nếp sống mới trên địa bàn khu dân cư, ủng hộ quốc phòng, biên giới hải đảo, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đã đến từ đâu không? Thưa bà, đó là kết quả của tinh thần “Kính Phật – Phụng đạo – Yêu nước” đến từ những tu sĩ Phật giáo và Phật tử cả nước mà bà đã gán ghép cho họ bằng những lời lẽ tùy tiện, khiếm nhã mang tính phỉ báng, quy chụp đầy ác ý.

Khi buông lời “đi tu là một sự kiếm lợi”, chỉ vì một kẻ nào đó bà cho là học trò giỏi của mình, và cũng chỉ gọi ám thị, bà có bao giờ nghĩ đến các tu viện, thiền viện, và hàng vạn Tăng Ni khác?

Chỉ vì một vài trường hợp rất nhỏ kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”, mà bà đã đạp vào cả một thành trì niềm tin tâm linh của xã hội, vốn rất cần cho đại đa số dân chúng khi con người ngày càng cố tình làm khổ nhau chỉ vì ích kỷ, tham chấp, dối lừa; khi trong khổ đau kiếp nhân sinh, một nơi nương tựa tâm hồn còn quý hơn bao bạc vàng phù hoa. Không những thế, bà còn đạp đổ tất cả sự đóng góp của Phật giáo về giáo dục nhân sinh đã đưa đến sự thịnh trị đất nước trong sứ mệnh đồng hành cùng dân tộc suốt 2.000 năm qua. Là người có học vị tiến sĩ, lẽ ra bà phải thấy, phải biết, phải cảm nhận tác hại lớn khi niềm tin đạo đức bị vấy bẩn, hồn dân tộc bị ruồng bỏ, con người ta sẽ sống ra sao đây, hay đó là cách để chuẩn bị để thay thế một tín ngưỡng khác?

Vì bà không có dữ liệu, tôi rất muốn cung cấp cho bà những minh chứng sống về hành vi tốt đời, đẹp đạo của nhiều vị tu sĩ Phật giáo mà bà đã không để mắt đến khi phát ngôn nhục mạ giới tu sĩ Phật giáo đi tu để kiếm lợi. Với hạnh nguyện từ bi suốt đời làm việc thầm lặng nhưng đi vào lòng người, Thượng tọa Thích Quảng Châu, trụ trì chùa Hiển Nam (TP.Quy Nhơn) đã hiến máu 28 lần để cứu người; Ni trưởng Thích nữ Tâm Nguyệt, trụ trì chùa Phổ Hiền (BR-VT) tuổi gần 70 thân mang trọng bệnh vẫn miệt mài đi cứu trợ khắp mọi miền đất nước; Đại đức Thích Chơn Nguyên sáng lập ‘trường học’ trên bè cho trẻ em nghèo không điều kiện đi học tại xóm Vạn Chài (Đồng Nai)… và còn bao nhiêu câu chuyện cảm động nữa về những người tu sĩ tình nguyện dấn thân cứu người trong mùa đại dịch.

Có một vấn đề nữa, tôi muốn trao đổi với bà Tiến sĩ. Phát biểu chính thức trên truyền thông đại chúng luôn đòi hỏi khắc khe: nói có sách, mách có chứng. Là một Tiến sĩ khoa học, bà chắc nghiệm rõ quy tắc tối yếu này. Thế nên, khi phát biểu: “tôi vào chùa, tôi phát hiện ra rằng, tôi mới hiểu thế nào là tiền chùa, có những sư thầy đem về tậu hàng trăm mẫu đất ở quê. Có những sư thầy đem đi Sài Gòn mua cả một phố để xây nhà cho bố mẹ, anh em”, tôi chắc rằng bà đã nắm rõ tên tuổi, nguồn gốc nhân vật, sự việc. Nên tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe bà sử dụng lối nói úp mở chung chung với những dữ liệu minh họa mập mờ, rồi quy chụp rằng “ngày nay đi tu đã trở thành một sự kiếm lợi”. Người trí thức luôn kiểm chứng thông tin khi phát ngôn trước công chúng, sự mơ hồ là điều không thể chấp nhận. Tiếc rằng, vì thích thể hiện mình, bà đã lựa chọn cách nói quá thô thiển, không xứng tầm học vị khi đưa ra nhận định mang tính phủ quyết danh dự người khác mà không đủ luận cứ xác minh.

Là tín đồ Phật giáo, tôi cho rằng, lối nói thiếu thuyết phục và nhận định mơ hồ của bà là sự báng bổ giới tu sĩ Phật giáo Việt Nam. Đây là hành vi lợi dụng truyền thông và mạng xã hội nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác.

Đạo Phật là đạo từ bi, nhưng là từ bi có trí tuệ, tôi chưa biết rõ Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có quyết định như thế nào về việc bà xúc phạm Phật giáo, nhưng trước hết, tôi nghĩ, bà đang nợ Phật giáo và toàn thể Tăng Ni, tín đồ Phật tử cả nước một lời xin lỗi chân thành, thưa bà Tiến sĩ Đoàn Hương, và cả VTC Now.

Thích Thiện Thuận

Nguồn tin: https://giacngo.vn/thuong-toa-thich-thien-thuan-co-loi-goi-den-ba-ts-doan-huong-va-vtc-now-post70574.html

Bài viết liên quan