Tiểu sử Đại ái đạo Kiều-Đàm-Di

Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo tên đầy đủ là Mahàpajàpati-Gotami, Hán ngữ phiên âm là Ma Ha Ba Xà Ba Đề, dịch nghĩa là Đại Ái Đạo hay Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di, Người là em gái của Hoàng hậu Ma Da, con út vua Thiện Giác thành Thiên Túy thuộc Ấn Độ xưa, và là Di Mẫu của Thái tử Tất Đạt Đa. Khi Thái tử tất Đạt Đa đản sinh được 7 ngày thì Hoàng hậu Ma Da băng thệ, Kiều Đàm Di thay chị, trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng Thái tử khôn lớn. Tuy sống trong cung vàng điện ngọc, nhận được tình yêu thương của vua cha và Di Mẫu cùng hoàng tộc và toàn thể thần dân. Nhưng Thái tử đã vượt qua tất cả mọi ràng buộc ân ái, quyền thế, địa vị, quyết chí xuất gia, tìm cầu chân lý, quyết đạt được hạnh phúc tối thượng miên viễn cho mình và cứu độ chúng sinh.

Sau khi thành đạo khoảng ba năm, Đức Phật trở về cố hương thăm vua cha, Di Mẫu và hoàng tộc, hóa độ hoàng gia. Trong lần này, khi nghe Phật thuyết bài kinh Đại Pháp Hộ, Đức Kiều Đàm Di đã chứng đắc Sơ quả Tu – đà – hoàn.

Vào mùa hạ thứ 5 sau ngày thành đạo, Đức Thế Tôn trở về thành Ca-tỳ-la -vệ (Kapilavatthu) để độ vua cha đang lâm trọng bệnh sắp thăng hà. Nhờ những lời pháp vi diệu của Đức Phật đã giúp vua cha hoan hỷ lãnh hội, chứng đắc quả A-la-hán, an trú vào tịnh lạc, rồi thăng hà. Lo việc an táng cho vua cha xong, Đức Thế Tôn ở lại quê nhà một thời gian ngắn rồi tiếp bước du phương hóa độ. Sau biến cố đó, Kiều Đam Di đã thấu hiểu lẽ vô thường thống khổ của kiếp nhân sanh, nên quyết chí tầm cầu đạo giải thoát. Chính trong thời điểm này, tại vườn Ni-câu-đà (Nigrodha), Kiều Đàm Di đã xin phép Phật cho Người được thế phát xuất gia làm Nữ sa môn. Ba lần thưa thỉnh, Đức Phật đều từ chối.

Đức Phật từ chối là có lý do của Ngài. Phật là bậc đại từ bi, đại trí tuệ, Ngài nhìn thấu mọi sự, thông suốt chuyện quá khứ hiện tại vị lai. Ngài biết rõ người Nữ thân thể yếu đuối, lại nặng về ngã chấp, ưu nói lỗi người, ích kỷ, đố kỵ v..v… Nhưng bên cạnh đó, lại tiềm ẩn nhiều đức tánh tốt như từ bi, nhẫn nại, sức chịu đựng bền bỉ, ý chí kiên cường…. nếu phát huy tốt những phẩm hạnh cao quý này thì người Nữ không hề thua kém người Nam, nên Ngài muốn đánh thức, khơi dậy ý chí quật cường, những đức tánh trượng phu ẩn tàng trong thân tướng Nữ nhi, cũng là để nhắc nhở cho Nữ giới biết được mình vốn sẵn có những khả năng đặc biệt cần phát huy, đồng thời phải làm cho tiêu mòn những tánh xấu, nhất là tánh ngã chấp thì mới có thể bước vào lộ trình giải thoát.

Sau khi từ chối lời thỉnh cầu của Di Mẫu, Thế Tôn cùng Tăng chúng rời Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) tiếp tục bộ hành đến Tỳ-xá-ly (Vesàli) an trú tại Đại lâm. Sau ba lần xin Phật xuất gia đều bị từ chối, Kiều Đàm Di và 500 Công nương vẫn không từ bỏ ý chí xuất trần, bèn tự xuống tóc, đắp y vàng, đầu trần chân đất bộ hành đến Tỳ-xá-ly (Vesàli) khoảng đường dài hơn 200 cây số. Những cung phi hàng Quý tộc quen sống trong nhung lụa, nay phải đầu trần chân đất đi bộ một khoảng đường xa, đôi chân các vị sưng lên rướm máu, mình đầy bụi bặm, thân thể mệt nhoài. Tôn giả A-nan nhìn thấy tình cảnh đó, lòng đầy xúc động, cảm kích ý chí cầu pháp của Kiều Đàm Di và 500 Công nương, liền chuyển lời thưa thỉnh của Kiều Đàm Di đến Đức Phật. Qua ba lần thưa thỉnh cũng đều bị Phật từ chối, Tôn giả A-nan không hiểu vì lý do gì mà Đức Phật không cho Nữ giới xuất gia, bèn bạch Phật rằng:

“Bạch Thế tôn! không biết nữ nhân sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A-la-hán quả không?”.

Dù nhiều lần bị Đức Phật từ chối, Di Mẫu vẫn không thối chí nản lòng. Lúc này, Phật nhận thấy những đức tánh tốt tiềm ẩn trong Kiều Đàm Di và 500 Công nương đã trỗi dậy, cộng thêm những lời thưa hỏi của A-nan đã đủ và đến lúc có thể cho Nữ giới xuất gia, Ngài liền dạy:

“Này A Nan! sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A-la-hán quả.”… “Này A-nan, nếu Di Mẫu chấp nhận Bát kỉnh pháp… thì sẽ được xuất gia

Tôn giả A Nan hoan hỷ truyền lại lời Phật dạy và tuyên đọc Bát kỉnh pháp, Di Mẫu và 500 Công nương hoan hỷ cung kính lãnh thọ. Ngay sau đó, Đức Phật cho thành lập Ni đoàn, từ đó Giáo đoàn Tỳ- kheo-ni được hình thành dưới sự lãnh đạo của Kiều Đàm Di Mẫu, và cũng từ đó cánh cửa giải thoát không chỉ dành riêng cho Nam giới mà Nữ giới cũng có thể bước vào.

Nhờ vào kinh nghiệm và tài tổ chức khéo léo của Đức Kiều Đàm Di, Ni đoàn phát triển nhanh chóng và lớn mạnh. Đức Kiều Đàm Di xuất gia không lâu đã chứng đắc Thánh quả A-la-hán, rồi đọc lên bài kệ:

“Liễu tri mọi đau khổ

Gột sạch nhân khát ái

Con đường Thánh tám ngành

Đoạn diệt ta chứng ngộ

Sanh tử đã đoạn tận

Nay không còn tái sanh.”

Trong các Pháp học và pháp hành Di Mẫu đều tinh chuyên, được Đức Thế Tôn ứng chứng là bậc kinh nghiệm đệ nhất. Hơn thế nữa, tại Pháp hội Linh Sơn, Đức Thế Tôn đã ân cần thọ ký cho Tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo tương lai sẽ thành tựu Phật quả, hiệu là Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Như Lai.

Vào năm 120 tuổi, khi nghe tin 3 tháng nữa Đức Thế Tôn sẽ nhập Niết – bàn, Đức Đại Ái Đạo liền cùng 500 Tỳ-kheo-ni đến chỗ Đức Thế Tôn đảnh lễ dưới chân Ngài và bạch: “Bạch Đức Thế Tôn! chúng con không nỡ nhìn thấy thân vàng của Ngài diệt độ. Cúi xin Ngài cho con cùng 500 Tỳ-kheo-ni đã chứng đắc A-la-hán được nhập diệt trước”. Đức Phật im lặng nhận lời.

Di Mẫu cùng 500 Thánh Ni đảnh lễ Đức Thế Tôn, đi nhiễu quanh Phật và Tôn giả A-nan 7 vòng rồi lui về Tinh xá, tập hợp Ni chúng nói rõ ý định nhập Niết-bàn. Sau khi dặn dò Ni chúng những điều cần yếu xong, liền hiện 18 thứ thần biến rồi cùng 500 Thánh Ni trở về hương thất nhập Đại định Niết – bàn. Đức Thế Tôn biết Di Mẫu đã nhập diệt, liền bảo Tôn giả A-nan đến thành Quảng Nghiêm gặp đại tướng Gia Thâu Đề sắp đặt sàn tòa để Như Lai được trọn vẹn Ân tình lần cuối với Di Mẫu. Thế rồi, đích thân Đức Thế Tôn khiên một bên, các Tôn giả Nan-đà, A-nan và La-hầu-la mỗi vị khiên một bên bay lên hư không đến ngoại thành, dùng gỗ chiên đàn chất lên thân Di Mẫu và chủ trì lễ trà tỳ. Sau đó, đại tướng Gia Thâu Đề, gom lấy xá lợi của Di Mẫu và 500 Thánh Ni phân bố khắp nơi để xây tháp phụng thờ.

Kính bạch Đức Đại Ái Đạo! Với hành trạng thoát tục siêu phàm của Ngài. Tuy thể chất Nữ nhân nhưng chí xuất trần Thượng sĩ. Người là tấm gương, là niềm tin, là động lực cho hàng Nữ giới chúng con noi theo, vững bước trên lộ trình giải thoát, tự lợi, lợi tha.

Phân ban NI giới tỉnh BRVT

Bài viết liên quan