Các Nghi Thức Truyền giới Tỳ Kheo theo Luật tạng Pāli

Trong thời đại của Đức Phật có tám phương thức truyền Cụ Túc Giới, còn gọi là: Tu Lên Bậc Trên (Tỳ kheo).

I – Ðối với Tỳ kheo Tăng có 5 Nghi thức như sau:

  1. Thọ Tỳ kheo bằng nghi thức: Hãy đến đây Tỳ kheo “Ehi Bhikkhu”

Sau khi giác ngộ đức Thế Tôn đã nói bài pháp đầu tiên cho năm vị Kiều Trần Như:

“Này các Tỳ kheo, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ. Nguyên Nhân của Khổ, sự Diệt Khổ. sự thực hành theo phương pháp đưa đến sự Diệt Khổ. Đó chính là Thánh Đạo Tám Chi Phần

Sau khi (nghe), hiểu, thấm nhuần Pháp, hoài nghi không còn, ngài Kiều Trần Như đã bạch với đức Thế Tôn:

– Bạch ngài, con có thể xuất gia (thọ giới) không? Con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn nói rằng:

– “Ehi bhikkhu (Hãy đến đây Tỳ kheo)” Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

– “Ehi bhikkhu (Hãy đến đây Tỳ kheo)” là nghi thức tu lên bậc trên (Tỳ kheo) của đại đức Aññā-koṇḍañña (A Nhã Kiều Trần Như)[1].

(*) Ðại Ðức Kiều Trần Như là Người đầu tiên thọ giới Tỳ kheo bằng nghi thức gọi “Hãy đến đây Tỳ kheo”, là vị Tỳ kheo đầu tiên trong giáo Pháp của Ðức Phật, và sau đó là Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji cũng đều thọ giới Tỳ kheo theo nghi thức này.

  1. Thọ Tỳ kheo bằng nghi thức thọ Tam quy

Vào lúc bấy giờ, các Tỳ kheo thuộc nhiều xứ sở khác nhau… có ý muốn xuất gia và tu lên Tỳ kheo,… ta cho phép xuất gia, tu lên Tỳ kheo bằng Tam Quy (Tisarana).[2]

(*) Đây là hình thức thọ Tỳ kheo bằng nghi thức thọ Tam quy.

  1. Thọ Tỳ kheo nghi thức thọ nhận lời giáo huấn của Ðức Phật

Thời bấy giờ đức Phật ở Rājagaha truyền đạo về làng Na-lan đà; Du sĩ Ca Diếp nhìn thấy đức Phật hào quang rực rỡ , thanh tịnh, giải thoát… cúi đầu đảnh lễ và bạch Thế Tôn:

“Bạch Thế Tôn, bậc Ðạo Sư của con. Con là đệ tử”.

Thế Tôn dạy rằng: có 3 pháp cần học tập:

1- Cần học và thực hành: có tâm hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi (có tàm, có quý).

2- Cần học tập: lắng nghe Chánh pháp, cung kính Chánh pháp ghi nhớ thực hành đầy đủ Chánh pháp.

3- Nên học tập: tu tập “Niệm thân» có (tầm tứ ) hỷ, giữ gìn niệm ấy.

– Vào ngày thứ bảy sau khi thọ nhận và thực hành lời dạy của Đức Thế Tôn, Sa-môn Ðại Ca Diếp đã đắc quả A-la-hán[3]

(*) Đây là hình thức thọ Tỳ kheo của Ðại Ðức Ca Diếp bằng nghi thức thọ nhận lời dạy của Ðức Phật

  1. Thọ Tỳ kheo bằng nghi thức trả lời đúng câu hỏi của Ðức Phật

Lúc ở chùa Đông Phương (Pubbārāma) Ðức Phật hỏi Sa di Sopāka câu hỏi liên quan đến thiền đề mục bất tịnh: Sa di Sopāka mới lên 7 tuổi bạch với Ðức Phật rằng:

“Kính bạch Ðức Thế Tôn, niệm tưởng tử thi 2-3 ngày sình lên hoặc niệm tưởng sắc pháp, nghĩa giống nhau, chỉ có danh từ gọi khác nhau. Bạch Ngài”.

Ðức Phật hài lòng câu trả lời của Sa di Sopāka, nên Ngài cho phép Sa di Sopāka trở thành Tỳ kheo. [4]

(*) Ðây là trường hợp đặc biệt Thọ Tỳ kheo bằng nghi thức trả lời đúng câu hỏi của Ðức Phật chỉ riêng cho vị Sa di Sopāka.

  1. Thọ Tỳ kheo bằng nghi thức tụng 1 lần tuyên ngôn và tụng 3 lần thành sự ngôn

Lúc bấy giờ, có Bà-la-môn đến gặp các Tỳ kheo cầu xin xuất gia… Đức Thế Tôn nhân lý do ấy đã thuyết Pháp rồi bảo các Tỳ kheo rằng:

– Này các Tỳ kheo, việc tu lên bậc trên bằng Tam Quy đã được ta cho phép, kể từ nay ta hủy bỏ việc ấy. Này các Tỳ kheo, ta cho phép tu lên bậc trên bằng hành sự (Tăng sự). Với lời thông báo đến lần thứ tư. Và này các Tỳ kheo, nên cho tu lên bậc trên như vầy:

– Hội chúng cần được thông báo bởi vị Tỳ kheo có kinh nghiệm, đủ năng lực (Thầy Yết Ma):

– “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho vị tên (như vầy) tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đây là lời đề nghị, Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của vị tên (như vầy) với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

– Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì; – Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Vị tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.” [5]

(*) Đây là hình thức thọ Tỳ kheo bằng nghi thức Tụng tuyên ngôn và 03 lần thành sự ngôn được lưu truyền đến ngày nay.

II – Thọ Tỳ kheo ni có 3 cách

  1. Thọ Tỳ kheo ni bằng nghi thức thọ nhận 8 trọng pháp:

Khi đức Thế Tôn đến thành Vesālī, ngự tại giảng đường Kūṭāgāra. Khi ấy, bà Ma ha ba xà ba đề Kiều Đàm Di (Mahāpajāpati Gotamī ) đã nhờ người cạo tóc, khoác y phục màu ca-sa cùng với nhiều người nữ dòng Sākya đi về thành Vesālī,… (gặp và nhờ ngài Ānanda, bạch đức Thế Tôn cho phép người nữ xuất gia).

– Đại đức Ānanda đến gặp đức Thế Tôn (xin phép cho nữ giới được xuất gia thọ giới)

– Đức Phật bảo này Ānanda, nếu bà Mahāpajāpati Gotamī thọ nhận tám Trọng Pháp, hãy xem chính điều ấy là sự tu lên bậc trên đối với bà:

1) Tỳ kheo ni đã tu được một trăm năm nên đảnh lễ, đứng dậy chào, chắp tay, (và) hành động thích hợp đến vị Tỳ kheo vừa tu lên bậc trên vào ngày hôm ấy. Đây cũng là pháp cần được tôn kính và không được vi phạm cho đến trọn đời.

2) Tỳ kheo ni không nên an cư mùa mưa ở trú xứ không có Tỳ kheo. Đây cũng là pháp cần được tôn kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

3) Tỳ kheo ni vào mỗi nửa tháng nên hỏi ngày lễ Uposatha và nghe giáo giới (từ hội chúng Tỳ kheo). Đây cũng là pháp cần được tôn kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

4) Tỳ kheo ni đã trải qua mùa (an cư) mưa nên yêu cầu ở cả hai hội chúng dựa trên ba yếu tố: do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ. Đây cũng là pháp cần được tôn kính và không được vi phạm cho đến trọn đời.

5) Tỳ kheo ni vi phạm tội nghiêm trọng (tăng tàn) nên thực hành hành phạt ý hỷ (mānatta) nửa tháng ở cả hai hội chúng (Tỳ kheo Tỳ kheo ni). Đây cũng là pháp cần được tôn kính…và không được vi phạm cho đến trọn đời.

6) Cô ni tu tập sự (Thức xoa ma na ni sikkhamānā) đã học tập về sáu pháp trong hai năm nên tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp cần được tôn kính và không được vi phạm cho đến trọn đời.

7) Tỳ kheo ni không vì bất cứ nguyên do gì được phép mắng chửi nói xấu Tỳ kheo . Đây cũng là pháp cần được tôn kính và không được vi phạm cho đến trọn đời.

8) Kể từ hôm nay, việc khuyên bảo của các Tỳ kheo ni đến các Tỳ kheo bị ngăn cấm, việc khuyên bảo của các Tỳ kheo đến các Tỳ kheo ni không bị ngăn cấm. Đây cũng là pháp cần được tôn kính và không được vi phạm cho đến trọn đời.[6]

* Đây là hình thức thọ Tỳ kheo ni bằng nghi thức thọ nhận 8 trọng pháp, đặc biệt cho dì mẫu Mahāpajāpati Gotamī .

  1. Thọ Tỳ kheo ni nghi thức nhờ người đại diện.

Vào lúc bấy giờ, cô kỷ nữ Aḍḍhakāsī đã xuất gia nơi các Tỳ kheo ni. Và cô có ý định tu lên bậc trên với đức Thế Tôn. Những kẻ bất lương… đã bao vây các ngõ đường, kỹ nữ Aḍḍhakāsī (biết tin) đã phái sứ giả gặp đức Thế Tôn (thưa rằng): “Bởi vì con có ước muốn tu lên bậc trên”. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các Tỳ kheo rằng:

– Này các Tỳ kheo, ta cho phép cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện…. là Tỳ kheo ni có kinh nghiệm. [7]

(*) Đây là hình thức thọ Tỳ kheo ni bằng nghi thức nhờ người đại diện, trường hợp đặc biệt chỉ riêng Aḍḍhakāsī.

  1. Thọ Tỳ kheo ni bằng nghi thức: Tuyên Ngôn Giới đàn Tỳ kheo ni trước, Giới đàn Tỳ kheo Tăng sau

– Này các Tỳ kheo, ta cho phép người nữ tu lên bậc trên từ một phía, sau khi được trong sạch ở hội chúng Tỳ kheo ni rồi được tu lên bậc trên ở hội chúng Tỳ kheo.[8]

(*) Khi Thức xoa ma na ni (Sikkhāmānā) tu đủ 2 năm , được phép thọ giới Tỳ kheo ni, bằng nghi thức sau đây:

A- Chư Tỳ kheo ni Tăng hội họp tại giới đàn, vị Tỳ kheo ni là tiếp dẫn sư tụng một lần tuyên ngôn và tiếp theo tụng 3 lần thành sự ngôn.

B- Giới tử Tỳ kheo ni ấy đến trình chư Tỳ kheo Tăng hội họp tại Giới đàn (sīmā), vị Tỳ kheo là tiếp dẫn sư tụng 1 lần tuyên ngôn và tiếp theo tụng 3 lần tuyên ngôn.

(*) Nghi thức thọ Tỳ kheo ni phải tụng tuyên ngôn giữa chư Tỳ kheo Tăng 04 lần và chư Tỳ kheo ni 04 lần. Sau khi tăng sự hoàn thành vị Thức xoa ma na ni đắc giới Tỳ kheo ni.

III – Kết luận

– Trong 08 Nghi thức truyền giới pháp tu lên Tỳ kheo, phương pháp truyền giới bằng hình thức tụng 01 lần “tuyên ngôn” và 03 lần “thành sự ngôn” được áp dụng chung cho cả hai đàn giới Tỳ kheo và Tỳ kheo ni

– Nghi thức tụng 01 lần “tuyên ngôn” và 03 lần “thành sự ngôn” là nghi thức duy nhất được lưu truyền và áp dụng cho Tăng sự thọ Tỳ kheo Tăng và Ni ngày nay.

Tăng đoàn Tỳ kheo Tăng và Tỳ kheo ni là đại diện của Tam bảo là Tăng bảo , một trong ba nơi nương tựa vững chắc cho Chúng sanh phật tử có đức tin nương tựa tu hành đắc chứng đạo quả .

Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi.” [9]

[1] Tạng luật, Đại phẩm tập I, chương Trọng yếu trang 3, phần 29, trang 27 “Vinayapiṭaka, Mahāvagga, phần Pabbajjūpasam­padākathā. Xb.2009, Tỳ kheo Indachanda.

[2] Tạng luật, Đại phẩm tập I phần chương Trọng yếu trang 47 . “Vinayapiṭaka, Mahāvagga, phần Pabbajjūpasampadākathā. Xb.2009, Tỳ kheo Indachanda.

[3] Tương Ưng Bộ, Tương ưng Kassapa trang 258-261 hạ tải từ Buddhanet.net bản in 2014 .HT Thích Minh châu -Saṃyutta Nikāya.

[4] Tạng luật, Đại phẩm Tập I, chương Trọng yếu, Tụng phẩm về phận sự đối với thầy tế độ phần 15, trang 121, “Vinayapiṭaka, Mahāvagga, phần Pabbajjūpasampadākathā. Xb.2009, Tỳ kheo Indachanda.

[5] Chương 4 Tiểu bộ kinh phần Nam tử hỏi đạo Kumarapanha. Sopaka thera KhpA.76; ThagA.i.479; trang 1302 -1203 Pali Proper Name, GP malalasekera, xb 1998.

[6] Tạng luật, Tiểu phẩm Chương Tỳ kheo ni phần 3 trang 473 (Vinaya, Bộ Cūlavagga, phần Bhikkhunīkhuddaka), xb.2009, Tỳ kheo Indachanda.

[7] Tạng luật , Tiểu phẩm Chương Tỳ kheo ni phần 3 trang 527 – 531 (Vinaya, Bộ Cūlavagga,phần Bhikkhunīkhuddaka), xb.2009, Tỳ kheo Indachanda.

[8] Sách đã dẫn Tiểu phẩm Chương Tỳ kheo ni trang 513 – 520.

[9] Trường Bộ Kinh, Bài 16 – Kinh Ðại Bát-niết-bàn (Mahāpari- nib­bāna sutta), tụng phẩm IV, HT Thích Minh Châu.

Bài viết liên quan