Giới luật nền tảng của người học Phật

Cứ ba năm một lần, giới đàn Thiện Hòa tại trường Cao Trung Phật học Đại Tòng Lâm lại mở cho các giới tử từ khắp nơi trong tỉnh về thọ giới. Nơi đây, còn gọi là “Tuyển Phật Trường” tức là trường để tuyển người làm Phật. Từng tốp Tăng, Ni lần lượt trở về, với hành lý trong tay ai nấy đều rạng rỡ vui tươi.

Đối với giới tử, buổi đầu được Bổn sư cho đi thọ giới là điều hạnh phúc, sung sướng, là niềm hãnh diện của người được bước lên một lớp cao hơn. Vào giới trường, chịu sự khảo hạch bài vở, quản lý nghiêm túc trong các thời, tấn đàn thọ giới, phát nguyện đốt liều… tất cả, đều được chấp nhận trong tự nguyện, hoan hỷ. Thiêng liêng và trọng đại nhất là giờ phút quỳ trước Tam sư, Thất chứng để lãnh thọ giới pháp. Ai là người khát khao được tắm mình trong biển giới luật của Phật pháp thì đây chính là thời điểm an lạc và hạnh phúc nhất. Những gì của buổi sơ khai đều đẹp, nên thơ và hồn nhiên như tâm hồn đứa trẻ thơ đầu đời trong nắng chưa vướng nhiễm bụi trần.

Ngày nay, trong bối cảnh xã hội từng bước chuyển mình theo đà phát triển của văn minh thời đại, người tu sĩ trẻ thường có xu hướng chạy theo tri thức, học vị mà quên đi giới luật, cho rằng giới luật cũng như các nếp sống thiền môn là ràng buộc. Hình ảnh sơ tâm dần dần muốn nhạt phai trong tâm trí, thay vào đó là sự buông lung chạy theo bao cuốn hút của ngoại cảnh. Và giới luật tự nhiên trở thành cái gì đó khiến họ cảm thấy mất tự do thoải mái. Con người khác với động vật ở chỗ biết đặt vấn đề giá trị của đời sống. Sống như thế nào để con người thể hiện hành vi của mình phù hợp với nhân tính? Các Tôn giáo, triết học ra đời chính nhằm vào mục tiêu hướng dẫn con người hoàn thiện nhân cách. Phật giáo được xem là “chân lý thực tại” đem lại hạnh phúc cho con người, mà cốt lõi chính là Đạo đức và giới luật làm nền tảng.

Như chúng ta biết, giới luật mà đức Phật chế định ra cho hàng đệ tử thọ trì là hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, không hề ép buộc và tuyệt đối không áp đặt cho một cá nhân nào. Ai thọ trì thì người ấy được lợi ích. Bởi vì công năng của giới luật chính là “Phòng phi chỉ ác”, giúp cho hành giả tránh được mọi hố hầm của tội lỗi thẳng tiến đến bờ giải thoát giác ngộ.

Giới là bước đi đầu, nhưng là bước đi nền tảng. Nếu ai không khéo nỗ lực hành trì một cách nghiêm túc, e rằng đã không đem lại hạnh phúc an lạc mà ngược lại nó sẽ trở thành sự trói buộc cho chính bản thân mình mà còn ảnh hưởng đến sự trường tồn của giáo pháp. Chính vì vậy, đức Phật chế giới là:

  • Để Tăng Già được hoàn mỹ,
  • Để Tăng Già được ổn định,
  • Để kiềm chế các Tỳ-kheo khó kiềm giữ,
  • Để thiện Tỳ-kheo được an ổn,
  • Để chế ngự các lậu hoặc trong hiện tại,
  • Để ngăn ngừa lậu hoặc đời sau,
  • Để tạo tin tưởng cho những người tin tưởng,
  • Để xác tính cho những người có lòng tin,
  • Để chánh pháp được bền vững,
  • Để phụ trợ cho luật.

Ngoài ra, trong đời sống tu tập của mỗi hành giả, giới luật được xem là thức ăn, nước uống để bổ dưỡng cho pháp thân. Giới luật như tròng con mắt của chính mình hãy thận trọng giữ gìn, nên đức Thế tôn luôn nhắc nhở rằng: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất”. Như trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới có câu:

 “Giới như đèn sáng lối

Soi sáng đêm tối tăm

Giới như gương báu sáng

Chiếu rõ tất cả pháp.”

Như vậy, giới luật là nền tảng để hành giả hoàn thiện nhân cách, trong sạch thân tâm, hóa giải phiền não, xây dựng Tăng đoàn, tận trừ mọi lậu hoặc. Người nào tha thiết nghiêm trì giới luật thì chính là sự giữ gìn an lạc hạnh phúc cho mình và tha nhân trong hiện tại và tương lai. Ngược tại, người nào không biết nghiêm túc vâng giữ giới luật là tự mình gây tổn hại đến nguồn an lạc hạnh phúc ấy.

Giới luật đem lại an lạc cho mình và người, nên giúp cho người tu tập được an lạc trong từng bước đi. Bên cạnh đó, giới luật là một điều kiện trọng yếu để bảo trì giới thể cho một Tỳ-kheo như pháp. Nếu không thọ trì giới luật một cách nghiêm mật thì bản thể thanh tịnh của một Tỳ-kheo khó có thể được bảo toàn. Đó chính là nền tảng, là giềng mối cho sự tu tập tiến đến giác ngộ giải thoát. Tính trọng yếu của giới luật một lần nữa lại được xác quyết và khẳng định bằng bài kệ:

Dục tu vô lượng bồ đề

Tiên tắc nghiêm trì giới luật

Giới luật nhược bất nghiêm trì

Bồ đề chung bất thành tựu.”

Đã đến lúc chúng ta cần quay lại chính mình, xác định lại mục đích thực sự mình đang tìm kiếm và muốn vươn tới. Và mục đích đó phải chăng là giải thoát, là tự do, là hạnh phúc? Thế nhưng tự do, hạnh phúc thì đồng nghĩa với đạo đức mà đạo đức chính là giới luật. Vậy chúng ta cần loại bỏ tất cả ngộ nhận để tiến gần đến luật, nắm giữ lấy nó như đang nắm lấy hạnh phúc. Chỉ có vâng giữ giới luật mới làm nên hình ảnh người xuất gia, đóng góp vào việc xây dựng Giáo hội nói chung và bản thân nói riêng. Trước khi nhập vào Vô Dư Niết bàn, đức Phật đã khẳng định rằng một khi các đệ tử Ngài còn giữ gìn giới luật thì Phật pháp sẽ mãi trường tồn. Người giữ giới không những là người cung kính và Tôn trọng giới luật, mà còn là cung kính Tôn trọng ba ngôi Tam bảo Phật, Pháp và Tăng mà ta đã tự nguyện quy y. Không những thế, người giữ giới còn là người “Duy trì Phật pháp”, giúp Phật pháp được “trường tồn”, để lợi lạc khắp chúng sanh. Lời dạy của Đức Phật năm nào nơi rừng Ta La nhưng vẫn còn vang vọng đâu đây: “Phải lấy giới luật làm Thầy ngay khi Như Lai diệt độ”.

Hỡi những ai vẫn còn tôn trọng bậc đạo sư, vẫn còn khát ngưỡng lý tưởng giải thoát, thì đừng vì hoàn cảnh nào mà buông bỏ giới luật. Hãy giữ gìn giới luật như giữ gìn hơi thở, mạng sống của chính mình. Hãy bám chặt giới luật như bám chặt phao nổi để đưa mình vượt bể sanh tử, tiến qua bờ giải thoát. Tất cả các pháp hữu vi đều là vô thường tạm bợ, sẽ hoại diệt theo tiến trình nhân duyên của nó, chỉ có giá trị đạo đức là tồn tại mãi với thời gian. Và giá trị ấy cũng không gì khác hơn là giới luật.

NT. Thích nữ Mai Liên

Bài viết liên quan