Ý nghĩa Đại Giới đàn Thiện Hoà

Giới luật là một trong những Phương tiện chủ yếu đưa đến đời sống an ổn của tâm hồn hướng về tịch ngạn, giải thoát. Trong ý nghĩa là một tôn giáo nhân gian, Phật pháp phát triển, đảm nhiệm lòng tin bằng hình ảnh Tam Bảo.

Giá trị ngời sáng của Tăng bảo chính là ở sự thực chứng, và gần gũi hơn, chính là ở giới đức và trí đức Tăng già. Từ nguyên thủy, nếp sống có giá trị vững chắc của Tăng già đã được xác lập trên nền tảng Tam vô lậu học Giới, Định, Huệ. Đó là nếp sống chói ngời chất truyền thống xuất phát từ thời Giáo tổ Gotama tại thế, cộng vào đó là bản hiến pháp Lục Hòa, chỉ dẫn sinh hoạt hằng ngày cho lên Thượng trí. Xuất gia, làm Tăng sĩ trong Giáo hội thì việc thọ nhận giới luật là bước đầu đánh dấu quý báu cho tiến trình dạo nghiệp. Từ buổi bình minh ấm sáng của tiếp nhận và phát sinh giới thể, người hành đạo mặc nhiên, xứng đáng được thế nhập vào dòng máu cao quý cảu giải thoát, đã đặt bàn chân lý tưởng lẫm liệt của mình lên phương trời bát ngát của an lạc thuần khiết, của giác ngộ vô nhiêm, tạo dựng một cơ ngơi mới, một tân khí tượng cho hằng hữu đời mình, đó là Huệ mạng. Mạng sống cùng trí huệ mang chất siêu việt này vĩnh viễn đặt trên cơ thể giới thân. Giới thân là cơ thể của giới luật giữa dương trần gió bụi, một nơi mọi chốn. Giới-Thân-Huệ_mạng là linh thức quan trọng của bất cứ tu sĩ nào chói sáng ý chí xuất trần thượng sĩ. Hai cánh cửa giải thoát mang đầy chất truyền thống tối sơ là giới luật giải thoát và trí tuệ giải thoát. Tinh thần giải thoát của Đại thừa giáo là nhấn mạnh vào Trí tuệ giải thoát. Tinh thần ấy đã được giải thích rõ trong Bồ Tát giới bản và nhất là trong các Phẩm về giới luật trong kinh Đại Bảo Tích. Dòng sông, bóng núi nào trên cơ thể tổ quốc ta cũng mãi mãi chiếu rọi ánh sáng vào tâm thức đương thời, và hậu thế, để khơi dậy bao tinh thần, tình cảm ngời sáng cũng như chí khí bất khuất của hồn thiên sông núi, của Tổ Tiên trong ý hướng làm rạng rỡ giống nòi trên trường tồn lịch sử dưới bóng mặt trời. Từ quá khứ đậm màu, qua phù sa năm tháng, nhưng một tên gọi được dồn nén bằng vinh quang lịch sử thì nó thường trực dựng dậy sức mạnh của tinh thần khi ta nhớ đến, gọi đến. Giới đàn Thiện Hòa, tên gọi đầy quý giá kính trọng ấy, ngay bây giờ nhiều năm tháng về sau, mỗi lần nhắc đến, gọi lên, nó sẽ là một sức mạnh, giữ vững tâm hồn ta trong những lúc gian nan, xáo động giữa dương trần. Từ đó mà Giới Đàn Thiện Hòa mặc nhiên chói lên nhiều ý nghĩa, chớ tâm hồn ta bay vào khoảng trời cao rộng để ta thấy được từng lúc cái vinh quang xứng đáng của đời tu học của mình.

  1. Ý nghĩa khai phá: Nơi đây, gần 40 năm trước là rừng hoang vu, quê hương của dã thú, hiếm bóng người nhưng Hòa Thượng Thiện Hòa có cái nhìn mang truyền thống sơn môn nên Ngài đã trưng khẩn 100 mẫu để kiến tạo Đại Tòng Lâm với thế dựa vững chãi là núi Thị Vải, ngài là Tổ khai sơn. Công việc khai phá tạo cơ ngơi A Lan Nhã làm chỗ thuận duyên trợ đạo cho cộng đồng tu học Tăng lữ cả nước, được thực hiện từng giai đoạn chậm chạp vì hoàn cảnh chưa thuận lợi lúc ấy. Cho đến hôm nay, ta đang đứng trên đền đài của vinh quang từ những công trình đã có, hiện có, đang xây, ta có cảm giác nhận được khí hậu tu học đầy thanh tịnh an lạc của những Vihara thuở trước, những Tịnh xá thanh thoát trên bình nguyên vịnh Bengal xa xôi nhưng gần gũi đâu đây với tiếng lòng thanh tịnh, với hình bóng từ phụ Sakya Mầu ni từ những khoảng sông Hằng bát ngát và độ bóng dài theo lịch sử truyền thừa. Từ một khai phá vật chất mà ta có A Lan Nhã đáng tôn quý này thì Đại giới đàn mang tên Ngài hôm nay là một khai phá đường vào kho tàng huệ giác. Từ bao lâu, tâm ta và đời ta thường trực bị bao phủ bởi rừng già vô minh, thì chính hôm nay, trong long trọng Đại giới đàn này, với sức trao truyền và hộ trì giới pháp nó đã trở thành ánh sáng mới, chiếu sâu đến cõi bờ vô thức, tiềm thức, phút chóc phá tan đi bao đồn ải vô minh tăm tối cũ. Từ hôm nay, ta thấy lại suối nguồn an lạc trong veo của tâm hồn, thấy lại chính mình trong ánh sáng của sự bừng tỉnh mà sự xúc cảm được lan truyền, dâng lên từ Đại giới đàn tỏa đầy uy lực tâm linh ngời sáng của Đức Phó Pháp chủ và chư Hòa Thượng Thượng tọa trong tam sư thất chứng và vô vàn ý niệm trong sáng hộ đạo của hàng Phật tử xung quanh, khắp tất cả hướng về Đại Giới đàn. Ôi, công ơn khai phá hai mặt đã đem lại cho mỗi người, cho tâm niệm chúng ta niềm tin và sức mạnh.
  2. Ý nghĩa mẫu thực: Phẩm hạnh thanh cao, vô nhiệm. Ngài là một Tăng sĩ mẫu mực vào bậc nhất về thân ngữ ý của thanh tịnh. Ngài bao nhiêu Phật sự khác, Ngài còn là một người tiêu biểu dạy quyền uy về nghiêm trì giới luật. Chỗ sâu sắc là Ngài giữ giới luật ở chiều sâu, không chấp tướng bình thường. Đó là tinh thần ngời sáng của giới luật Đại thừa giáo. Suốt hơn 30 năm, các Đại giới đàn cả nước đều có Ngài hiện diện qua nhiều chức vụ trong Tam sư thất chứng. Sự hành trì giới luật đối với Ngài, phát triển theo chiều thuận với chí nguyện vô nhiệm, nên nó trở thành hơi thở tự nhiên của tâm hồn của hành tác, như nắng mai trải ngập đồng xanh không đắn đo do dự bao giờ. Thế nên, từ thuở sinh tiền, tên Ngài, bất cứ học Tăng nào hay thiện tín nào khi nghe đến, thì ai cũng tự thấy một cái gì đầy chất tĩnh lặng oai nghi làm tâm hồn mình phát sáng lên. Ngài là Giám đốc Phật học đường Nam Việt thì hai tiếng Giám đốc đồng nghĩa với cái gì từ ái, oai nghi, đĩnh đạc, khá kính, vì hai tiếng ấy dễ dàng làm người ta hình dung cái dáng đi của một con người mà vầng trán láng bóng như mênh mong đụng cửa chân trời, mà hết sức nhẹ nhàng, từ ái. Giới đức, oai nghi vẹn tròn nơi Ngài là một sức sống cần thiết dẫn dắt ta hôm nay, Từ Đại giới đàn này. Và con người, giới hạnh của ngài là Vầng trăng vằng vặc, vầng trăng giới đức, huệ mạng của Ngài, chính hôm nay, trong Đại giới đàn này, có cơ hội trực tiếp ta tiếp nhận được nguồn tươi mát tuyệt vời ấy, như nguồn sữa ngọt lan tràn tâm thức đang héo húa cảu ta. Ta chợt thấy mình như sinh linh phiêu bạt với ngàn vạn băng khoăn thì hôm nay ta đến trong giới đàn này, giới đàn mang tên Ngài, như thuyền cập được bến bờ vững chắc. Ta neo đời mình vào bến giới luật mà Ngài là bóng cây phủ bóng che mát cho tâm hồn ta.
  3. Ý nghĩa truyền thống lịch sử: Đặc biệt, Đại giới đàn này, Đức Phó pháp chủ Thích Trí Tịnh, được cung thỉnh lên ngôi Đường đầu Hòa thượng, làm cho Đại giới đàn mang ý nghĩa truyền thống vững chắc trong dòng lịch sử truyền Chánh pháp có trên 2500 năm. Đức Phó Pháp chủ vốn là đồng song pháp lữ với Hòa thượng khai sơn Thích Thiện Hòa, một thuở hai Ngài tu học ở Báo quốc Phật học đường, Huế từ năm 1936-1945. Hai Ngài được truyền thừa Phật chủng, Huệ nghiệp ngời sáng từ những bậc chân sư lỗi lạc đất thần kinh, hai Ngài đã bước chân vào cánh cửa của lịch sử truyền thừa mạng mạch của chánh pháp, và đặc biệt là từ năm 1945, tổ khai sơn Đại Tòng Lâm Thích Thiện Hòa còn ngược đường ra bắc học Luật tạng thêm 5 năm nữa. Từ 1950 sau khi trở về Nam. Hai Ngài lại cộng tác Phật sự chặt chẽ, đưa hoạt động Phật sự về giáo dục, về phiên dịch vào ánh sáng của lịch sử truyền thừa nối tiếp mãi mãi. Mỗi Ngài, trong hơn 40 năm qua, lo kiến thiết cơ ngơi Phật giáo và phiên dịch kinh tạng. Và đặc biệt trong Đại giới đàn Hải Đức Nha Trang tổ chức vào ngày 7-9 tháng 1 năm 1957, đây là một Đại giới đàn lớn nhất từ 30 năm qua, kể từ 1957 trở về trước. Hai Ngài là giáo thọ A Xà Lê và Yết-ma A Xà Lê và Đạo lão Hòa thượng Giác Nhiên là Hòa thượng Đường đầu. Từ ý nghĩa truyền thống giới đức trí huệ ấy mà hôm nay, trong Đại giới đàn này ta bỗng thấy hiển linh, thấy ta và lịch sử hòa tan trong dòng sông tịch tịnh xuôi về biển Niết Bàn, trời giải thoát vô dư. Ngoài ra, cũng trong ý nghĩa lịch sử truyền thừa, Đức Phó Pháp chủ đã nhận lãnh trắc nhiệm tục Phật huệ đăng, uy tín phiên dịch Kinh điển Đại thừa trong hơn 40 năm qua, từ sau khi tốt nghiệp Đại học Phật Giáo ở Huế trở về, với sự kiên trì bền bỉ của ý chí Ngài, và Đạo hạnh ngời sáng của Ngài, chính hôm nay, trong Đại giới đàn này, Ngài trở thành biểu tượng Trí đức và giới đức, Đức Phó Pháp chủ cũng đã nhận lãnh trách nhiệm Vynaya tạng trụ cho thế đứng Phật pháp thường trụ mà trước đây Tổ khai sơn Đại Tòng Lâm Thích Thiện Hòa đã gánh vác cho trời Nam. Như thế, dù khuất bóng trên cõi Diêm phù, nhưng Tổ khai sơn Thích Thiện Hòa vẫn hiện về hình bóng qua thênh thang. Sự truyền thừa từ đường đi thẳng tấp ấy làm cho phước duyên huệ mạng ta và giới định tốc viên minh, thành tựu.
  4. Ý nghĩa sum vầy: Che chở trong Vihara, trong ngôi nhà hòa hợp chúng. Ý nghĩa này càng sáng tỏ lên chính vì trong Đại giới đàn này có sự quang lâm đầy ân quang độ lượng của Ngài Tuyên luật sư Thích Thiện Siêu. Ngài vốn người đất Thần kinh, vốn là đồng môn pháp lữ với hai Ngài Phó Pháp chủ và Tổ khai sơn Thiện Hòa. Ngài cũng là bậc đạo sư khả kính vẹn toàn trí Đức và giới đức từ hằng thập kỷ qua, nhất là ở Huế, vì Ngài thường trụ nơi ấy. Đại Tòng Lâm, A Lan Nhã, là nơi thuận lợi cho Tăng thân phát triển. Cảnh Đại giới đàn hôm nay, có đủ sự hiện diện của ba miền đất nước, ấy là trong Đại giới đàn này còn có Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Ngài vốn người miền Bắc du học tại Nhật Bản 7 năm, từ 1952 đến năm 1958 tại Rhisso Đại học đường nổi tiếng của phái Thiên thai tại Tokyo, từ khi về nước, Ngài cống hiến cho Tăng giới Việt Nam những tác phẩm quan trọng và tối cần thiết, như lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc, và hơn 20 năm qua. Ngài xuất bản luật học, chuyên giảng luật các cộng đồng tu học. Giới hạnh trí thức Ngài hết sức sâu sắc. Tóm lại, trong hàng Tam sư, Thất chứng của Đại giới đàn Thiện Hòa hôm nay, bao gồm phần lớn các vị Trưởng thượng, thuộc hàng Long tượng trong Tăng giới mà chúng tôi chỉ nêu lên những vị tiêu biểu. Thêm vào thành phần chủ lực vừa nêu, về phía bộ phận Ni, hàng Tam sư Thất chứng cũng bao gồm những vị Ni trưởng, Ni sư mà mấy mươi năm qua, giới đức, trí đức của chư liệt vị ấy, trong ni giới xa gần, ai cũng từng ngưỡng mộ sâu xa. Tóm lại, trong gần 40 năm kiến tạo, hôm nay, Đại Tòng Lâm, lần đầu tiên khai mở Đại giới đàn Thiện Hòa, mà kết quả hết sức tốt đẹp. Kết quả có chiều sâu ấy là kết quả đã được dựng nên từ nhân đã gây trong 40 năm qua. Sức nhiếp thọ của Đại Giới đàn này là sự gom về biết bao tâm tình chí nguyện ngời sáng về cộng đồng tu học truyền thống của phật pháp. Sự hộ trì, giới đức, trí đức của chư tôn thượng nhân trong Đại giới đàn này trở nên vựa thóc tinh thần nuôi dưỡng mãi mãi tâm thức hàng giới tử trên đường tu tập, và cũng từ đó mà đạo hạnh của giới tử ngày càng chắc hạt như lúa vàng trải ngập đồng xanh, đồng xanh của tâm thức họ. Ai rồi cũng cảm thấy mình có nhiều phúc lành may mắn khi được tiếp nhận giới pháp tù Đại giới đàn mang tầm lịch sử lớn lao này, vì gần 30 năm qua, chính hôm nay, tại Đại Tòng Lâm này mới tiến hành được một giới đàn có tầm cỡ chói sáng, có giá trị trong lịch sử truyền thừa chánh pháp trên đất Việt. Có tầm cỡ lịch sử vì những ý nghĩa lớn nhất vừa được trình bày ở trên. Địa vị vững bền của Đại giới đàn Thiện Hòa là địa vị của bình minh khai hỏa ở phương đông, chiếu sáng hà sa, và tâm hồn, chí nguyện của giới tử là bầu trời ấy. Đại giới đàn được chủ trì bởi uy tín cao ngời của những nhân vật cấp cao trong hàng giáo phẩm trung ương và được tiến hành trên một khu vực mới, hết sức mới với cơ ngơi kiến tạo vừa hoàn tất tiêu biểu là những dãy nhà ngói đỏ vươn lên nền trời biếc và cõi đất khoáng đạt bình yên bằng phẳng vừa sạch cỏ gai, và là lần đầu tiên tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đại Tòng Lâm tổ chức giới đàn. Tất cả những thuận duyên, thuận cảnh và những cái mới dương trần hữu vi ấy làm nảy nở một ý hướng mới tối cần thiết cho giới tử, đó là sức trỗi dậy của bao trái tim hướng về chánh pháp sâu sắc, có ý thức hơn,và quan trọng nhất là có ý thức về ý thức mới ấy. Đó là một chuyên tâm quán chiếu hệ trọng trong tu tập sau giai đoạn nhiếp tâm và tiếp tâm. Trên ý nghĩa lớn nhất của lịch sử truyền thừa mạng mạch chánh pháp thì quyền uy giới đức, trí đức của hàng tôn túc, thượng nhân và những cái mới từ vật chất đến tâm hồn là hai làn môi nở ra nụ cười tươi mát trên bình nguyên lịch sử. Cầu chúc hết thảy an ổn trong giới luật, tốc viên minh định huệ, tự thà câu lợi trên đường về tịch ngạn, an lạc thân và tâm.

Giáo sư Trí Không

Bài viết liên quan