Tiểu sử Cố Hoà thượng thượng HUỆ hạ THÀNH

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ THÀNH

  • Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  • Phó Trưởng ban Thường trực, Quyền Trưởng Ban Trị sự PG tỉnh BR-VT.
  • Chứng minh Liên Tông Tịnh Độ Phật giáo Việt Nam.
  • Nguyên Đại biểu HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khóa I và II.
  • Ủy viên Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh BR-VT khóa I, II và III.
  • Trụ trì Quan Âm Tịnh Viện, Niết bàn Tịnh xá, thành phố Vũng Tàu.

I) Thân Thế:

Hoà Thượng Thích Huệ Thành, huý Trừng Chữ, thế danh Bùi Văn Chữ thuộc dòng Lâm tế Chánh tông, đời thứ 42. Hoà thượng xuất thế năm 1921 tại làng Đại An, tổng Phước Dinh Hạ, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà (Nay là Xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) trong một gia đình nhiều đời kính tin Tam bảo. Thân phụ là cụ ông Bùi Văn Danh, hiền mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Khởi. Ngài là con trai thứ ba trong gia đình có bốn anh em ba trai một gái. Thưở nhỏ, Hoà thượng học ở trường làng, trường tổng, nay là Tiểu học và Trung học. Thời kỳ Pháp thuộc, chiến tranh xảy ra khốc liệt liên miên. Năm 21 tuổi, cha mẹ buộc lập gia đình để nối nghiệp, bản tính hiếu thảo dầu không muốn cũng phải vâng lời cha mẹ. Nhưng khi vừa lập gia đình xong gặp phải trận ruồng bố càn quét của giặc Pháp nên Ngài vào mật khu tham gia Cách mạng.

Năm 1945 phong trào cách mạng lên cao, Ngài được tổ chức phân công làm Trưởng đoàn Thanh niên Cách mạng tiền phong.

Tháng 10 năm 1946 được tổ chức cử làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh xã Đại An.

Năm 1947 được bầu làm Bí thư Chi bộ xã hoạt động trong lòng địch.

Đến năm 1954 hiệp định Giơnevơ được ký kết, tạm đình chiến và đất nước bị chia đôi. Cán bộ cách mạng tập kết ra Miền Bắc Việt Nam, Ngài được tổ chức phân công ở lại hoạt động nội thành.

Cuộc chiến tranh tạm lắng, trong lòng Ngài canh cánh những nỗi đau nhân loại, tiếng kêu bi thảm của đồng loại bắn giết lẫn nhau, nỗi buồn vui của sự thắng bại nhân tình. Những người thân quen nói nói cười cười phút chốc hoá ra người thiên cổ. Nghĩ đến nhân tình được mất hơn thua, lòng Hòa thượng dấy lên niềm trắc ẩn, làm thế nào để đem tình thương cho quê hương đất nước. Hoà thượng đem tâm quyết thời trai trẻ và bầu nhiệt huyết đối với quê hương, thế là Ngài vận động dân làng và người hảo tâm để xây một dãy Trường Tiểu học, một miếu thờ những chiến sĩ đã hy sinh cho công cuộc kháng chiến bảo vệ nước nhà và một ngôi chùa hiệu là Phổ Phước Tự để Phật tử bái sám hàng ngày, cầu cho quốc thái dân an, hòa bình thịnh trị.

II) Quá Trình Tu Học:

Ngày tháng trôi qua trên quê hương đất nước, thấm thoát ý nguyện đã trọn thành. Và cũng từ đó, Ngài đã chứng kiến những cảnh tàn khốc của chiến tranh, nhận thấy cuộc đời tan thương như giấc mộng.

Năm 34 tuổi, chí nguyện xuất gia đã thôi thúc Ngài vào cửa Phật, đem đạo từ bi để cứu độ nhân sinh. Đến đầu năm 1955, Hoà thượng tìm đến Núi Dinh, xã Bà Rịa, huyện Long Thành, tỉnh Phước Tuy (nay là thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cầu Hoà thượng thượng Thiện hạ Phước, dòng thiền Lâm Tế đời thứ 41 làm thầy thế độ truyền trao giới pháp. Sau thời gian tu học nơi đây, Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư trở về chùa Phổ Phước nơi quê nhà lập nguyện tu hành khổ hạnh cầu đạo giải thoát. Thời gian tu học tại chùa Phổ Phước được ba năm, nơi đây lại xảy ra cuộc chiến xung đột giữa quân cách mạng và lính viễn chinh Pháp, Hòa thượng phải trở lại Núi Dinh thọ giới Sa di tại Tổ Đình Linh Sơn, do Hòa thượng Bổn sự làm Hòa thượng đàn đầu. Cảnh vật nơi đây lúc bây giờ vô cùng hoang vắng, Hòa thượng Bổn sư dạy phải tu xả thân bằng trực giác, lấy rau nấm rừng ăn thay cơm và uống nước thiên nhiên từ mạch suối trong 49 ngày để suy tìm chân lý Phật đà. Hòa thượng vâng lời thầy dạy, Ngài lập nguyện tu hành khổ hạnh tại đây hai năm, mặc dầu trên đỉnh núi cao nhưng Phật tử nghe danh của Ngài, rủ nhau về đây thăm viếng ngày một đông hơn. Thời gian tu tập ở đây và cũng tại nơi này, Hòa thượng rất có duyên với những chiến sĩ hoạt động cách mạng, trước khi rời khỏi hang sâu rừng thẳm Hòa thượng không quên ủng hộ những chiến sĩ cách mạng những phẩm vật mà Phật tử mang đến cúng dường.

Tháng 7 năm 1960, Hòa thượng về Sài Gòn thọ giới Cụ túc tại giới đàn Phổ Minh Bửu Tự do Hỏa thượng Bửu Long làm đàn đầu. Sau khi thọ giới Hòa thượng trở về Biên Hòa vận động thành lập ngôi chùa hiệu là Thiên Quốc Tự, Ngài tiếp Tăng độ chúng tại đây. Nơi đây, trước khi Hòa thượng về là vùng đất cỏ dại hoang sơ, có rất nhiều rau quả tự nhiên. Với chí nguyện tu hành khổ hạnh, Ngài không dùng cơm, mà chi ăn tạm rau ngổ qua ngày trong thời gian tám năm để lập chùa Thiên Quốc, nên dân làng nơi đây thường gọi là chùa nghèo, thầy nghèo. Phật Tử mến mộ công đức tu hành của Ngài nên đến quy ngưỡng làm đệ tử xuất gia và tại gia rất đông.

Năm 1968, Ngài nhận thấy nhân duyên và công hạnh tu hành chưa viên mãn, với chí nguyện tấn đạo nghiêm thân, tam thường bất túc chưa thỏa nguyện, nên Ngài giao chùa Thiên Quốc cho đệ tử trông coi, Ngài cùng với một thị giả lên đường vân du đến núi Tương Kỳ – Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (nay là thành phố Vũng Tàu). Lúc bấy giờ, Hòa thượng chẳng quen biết một ai ở nơi đây, lòng Ngài phát nguyện chư Phật hộ trì, cứ đi đến đâu đúng 12 giờ trưa thì nơi đó là nơi để tu hành đến trọn đời.

Sau khi bách bộ vòng quanh núi Vũng Tàu, đường Lê Văn Duyệt trước kia (nay là đường Trần Phú, khóm Sao Mai thuộc phường Thắng Nhì) thì đúng giờ lập nguyện, Ngài lên sườn núi thọ trai và định cư ở đây. Trong thời gian chưa có Phật tử ngoại hộ, Ngài ăn rong biển thay cơm, đêm ở hang đá, ngày khai hoang phục hóa núi Tương Kỳ, đến năm 1969 Ngài lập nên ngôi Quan Âm Tịnh Viện ngày nay.

III. Hoằng dương Phật pháp:

Năm 1980, Hòa thượng phát nguyện tu thiền định 10 năm, một hôm vào cuối mùa thu năm 1981, quí vị đại diện Mặt trận Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo tìm đến thăm một vị tu sĩ đã có nhiều công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc. Quí vị ấy mời Ngài đến nhận ngôi Niết Bàn Tịnh Xá đang bỏ hoang phế không người quản lý. Vì đang lập nguyện tu hành ở núi Tương Kỳ nên đôi lần Hòa thượng từ chối nhưng không được. Vì Phật pháp và dân tộc, không vì một mục đích cá nhân nào, nên Ngài chấp nhận trách nhiệm, thật khó khăn không dễ chút nào.

Hòa thượng dốc hết tâm lực và trí nguyện trùng tu tôn tạo ngôi Niết Bàn Tịnh Xá khang trang tốt đẹp, được Phật tử trong và ngoài nước khen ngợi. Đồng thời, Hòa thượng tham gia nhiều công tác khác tại địa phương với nhiều thành tích xuất sắc nên được Chính quyền, Mặt trận tặng nhiều băng khen và giấy khen.

Năm 1983, chính quyền Mặt trận Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo mời Hòa thượng tham gia thành viên của Mặt trận và đại biểu Hội đồng Nhân dân Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo. Trong suốt 20 năm (1983 – 2002), Hoà thượng luôn gắn bó đoàn kết tốt đạo đẹp đời, nên được mọi người thương mến và quý trọng.

Sau năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo bấy giờ chưa có Giáo hội. Năm 1986, Hòa thượng đề nghị chính quyền Đặc khu Vũng Tàu, Hội đồng Trị Sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập Hội Phật giáo Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo và được chấp thuận. Khởi đầu là Ban đại diện Phật giáo Đặc khu Hội (1987-1990) Hòa thượng được bầu làm Trưởng ban.

Đến năm 1990, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Nam cho phép thành lập Ban Trị sự lâm thời Phật giáo Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, Hòa thượng được bầu làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo.

Năm 1992, Nhà nước chia tỉnh Đồng Nai ra làm hai tỉnh, từ đó Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo trở thành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay.

Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng theo đó thành lập Ban Trị sự lâm thời Phật giáo tỉnh, Hòa thượng được bầu làm Phó ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiệm kỳ I (1992 – 1997), nhiệm kỳ II (1997 – 2002), nhiệm kỳ III (2002 – 2007), nhiệm kỳ IV (2007 – 2012). Cuối tháng 11 âm lịch năm Kỷ Sửu nhằm tháng 12 năm 2009, Hòa thượng Thích Đồng Huy trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu viên tịch. Do đó, Hòa thượng kiêm nhiệm Quyền Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến ngày về cõi Phật. Trong năm cuối nhiệm kỳ IV (2011 – 2012), Hòa thượng cùng Ban Thường trực Tỉnh hội Phật giáo tổ chức Đại hội Phật giáo các huyện, thị trong tỉnh nhà thành công tốt đẹp.

Từ khi trở thành tinh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 1992, Ban Thường trực Ban Trị sự phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặc trách Hòa thượng làm Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh liên tục hai khóa I và II, đến năm 2002 vì tuổi cao sức yếu nên Hòa thượng xin được nghỉ ngơi.

IV) Công đức viên mãn:

Về công đức Giáo hội, từ khi thành lập Ban Đại diện Phật giáo Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo năm 1981, Ban Trị sự Phật giáo Vũng Tàu Côn Đảo năm 1990, Hòa thượng là người khởi xướng đầu tiên về chương trình An cư Kiết hạ hằng năm cho Tăng Ni tu học theo Thông tư của Trung ương Giáo hội, đến nay Đặc khu Vũng Tàu phát triển liên tục thành truyền thống tu học của Tăng Ni hằng năm.

Năm 1988, Hòa thượng đứng ra xin phép tổ chức Đại Giới đàn đầu tiên, truyền trao giới pháp cho Tăng Ni và Phật tử tu học.

Năm 1992, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, Hòa thượng được tấn phong giáo phẩm Hoà thượng.

Năm 1993, Hòa thượng được Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tặng huy Chương Vì Sự Nghiệp Đại Đoàn Kết Toàn Dân.

Từ khi Tỉnh hội Phật giáo Bà Rịa Vũng Tàu được thành lập năm 1992, Hoà Thượng liên tục tham gia Ban Tổ chức các Đại Giới đàn Thiện Hòa I, II, III, IV, V, VI, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức.

Tháng 12 năm 2002, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V, Hòa thượng được suy tôn vào thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Suốt bốn nhiệm kỳ từ năm 1992 đến năm 2012, Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; và cuối năm 2009 Hòa thượng kiêm nhiệm Quyền Trưởng ban Trị sự cho đến ngày viên tịch.

Những tưởng, trên bước đường phụng sự đạo pháp và chúng sinh, Hòa thượng còn thác tích lâu hơn nữa, để làm bóng cây che mát cho Tăng Ni, Phật tử, làm bóng cây đại thụ trong chốn tòng lâm và cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nào ngờ đâu Hòa thượng đã theo định luật vô thường, xả báo an tưởng, thu thần viên tịch vào lúc 09giờ00, ngày 13 tháng 02 năm 2012, nhằm ngày 22 tháng Giêng năm Nhâm Thìn. Trụ thế 92 năm, Hạ lạp 52 năm.

Cuộc đời tu học và hành đạo của cố Đại lão Hoà thượng thượng Huệ hạ Thành, đã để lại cho Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Tăng Ni, Phật tử tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng và Môn đồ Pháp quyến cùng tín đồ Phật tử những buồn thương và kính tiếc,

Thế là Hòa thượng hóa duyên đã mãn. Ngài đã trở về thế giới Niết Bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm từ người con Phật, Pháp hữu đồng môn và trong trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Nam Mô Việt Nam Phật giáo Giáo hội, Chứng minh Hội đồng Thành viên, Bà Rịa Vũng Tàu Phật giáo Tỉnh hội Trị sự Phó Ban Thường trực; Quan Âm Tịnh Viện đường thượng, Tự Lâm Tế Chánh tông, tứ thập nhị thế, Pháp huý thượng Trừng hạ Chữ, hiệu Huệ Thành, Bùi công Hòa thượng Giác linh.

Bài viết liên quan