Điểm qua lịch sử hình thành chùa Hộ Pháp Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu, giới đàn truyền giới biệt truyền của Hệ phái Phật giáo Nam Tông Kinh (PGNTK), cho ta biết chùa được khởi công tạo dựng từ năm 1970, ban đầu có tên gọi là Tịnh thất Thiện Huệ, đến năm 1972 được đổi tên thành Thiền đường Hộ Pháp. Chùa nằm trên sườn phía bắc của Núi Lớn, trong khuôn viên quần thể kiến trúc Thích Ca Phật Đài , một thắng cảnh du lịch tâm linh nổi tiếng của BRVT, với tổng diện tích 28 hecta. Riêng diện tích của chùa Hộ Pháp là 1.885m2, trong đó diện tích xây dựng chùa là 220m2 (ngang 11m, dài 20m).
Kiến trúc chùa mang đậm phong cách của Hệ phái Nam tông. Trong khuôn viên, kiến trúc và bài trí của chùa đều tái hiện lại bức tranh Đức Phật thuyết pháp dát bằng nhiều miểng sành và miểng chén đủ màu sắc thật tinh xảo. Ngôi chánh điện được xây dựng hoàn thành năm 2004, có tôn trí tượng đức Phật du hóa và đức Phật ban phước ở hai bên cửa chính. Chánh điện tôn trí tượng đức Phật Thích Ca chuyển pháp luân cao 7m. Ở sân trước chùa có đặt một quả đại hồng chung.
Trong chánh điện chùa có 4 bia kinh được khắc trên gỗ sao khảm bằng vỏ ốc, đặt thành 2 cụm bên tả và hữu chánh điện (mỗi cụm 2 bia). Mỗi bia kinh có 2 mặt, 4 bia kinh bao gồm 4 ngôn ngữ (Anh, Trung; Pali, Tiếng Việt đã được Tổ chức Kỷ lục Guiness Việt Nam xác lập năm 2013: “Bia Kinh Chuyển Pháp Luân khảm xà cừ bằng bốn ngôn ngữ có kích thước lớn nhất Việt Nam”. Chùa Hộ Pháp còn là ngôi chùa cổ được UNESCO công nhận, “Linh Thiêng cổ tự” tọa lạc tại số 610/2A đường Trần Phú, phường 5, Tp.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trụ trì ngôi chùa cổ từ khi thành lập tới nay là TT. Giác Trí – UVHĐTS.GHPGVN, Phó ban Trị sự GHPGVN – BRVT, Giám đốc Khoa Pali HVPGVN – Tp HCM.
Trải qua hơn thập niên lấy mốc từ Đại giới đàn Thiện Hòa VII (10/12/2013) chùa Hộ Pháp (TCPĐ) Vũng Tàu, giới trường Phật giáo Nam Tông Kinh (PGNTK) đã chứng kiến không biết bao nhiêu giới tử PGNT khắp nơi về xin làm thủ tục tham gia thọ giới. TT. Giác Trí – Trụ trì chùa đã mở rộng vòng tay cưu mang và tạo đường tu cho nhiều giới tử đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, Giới đàn Minh Nguyệt (2023) lần này đón nhận gần 150 hồ sơ giới tử Nam Tông khắp cả nước. Nhà chùa lo nơi ăn chốn ở, điều kiện ôn tập giới luật.
Đối với người xuất gia, việc thọ giới là một yếu tố quan trọng trong cả quá trình tu tập. Việc này ảnh hưởng đến hành sự, tu tập của chính vị Tu sĩ đó. Bởi vì, có đắc giới thì giời tử mới có giới thể thanh tịnh, được các vị thần hộ giới bảo vệ; giới đức cũng từ nền tảng đó mà phát sanh trong quá trình tu tập, hành trì giới luật của Phật sau khi thọ giới. Giới luật là nấc thang căn bản nhất của đạo quả giác ngộ, giải thoát nền tảng vững chắc đề bước vào thiền định và trí tuệ, là phao nổi đứa người thoát khỏi sanh tử luân hồi, là cửa ngõ duy nhất để tiến tới thành trì Niết bàn
Nói như vậy để thấy việc thọ giới, đắc giới rất quan trọng đối với người xuất gia – bậc được Đức Phật gọi là Chúng trung tôn, thầy của trời và người.
TT. Giác Trí cho biết dựa theo truyền thống: là đào tạo thế hệ kế thừa, muốn đắc giới để tu hành phải có
- Hội đồng thập sư .
- Truyền giới theo pháp Phật
Để người cầu giới được đắc giới thể thanh tịnh thì ba yếu tố cốt tủy phải bảo đảm xuyên suốt trong quá trình tổ chức Đại giới đàn: Giới tử phát tâm dõng mãnh, Giới sư thanh tịnh và đàn tràng trang nghiêm. Ba yếu tố này gắn bó mật thiết với nhau. Bên cạnh đó, việc truyền giới phải như pháp, như luật (bạch tứ Yết-ma, bạch nhị Yết-ma phải đúng và đủ). Công sức này giới tử tuy ghi lòng tạc dạ ân triêm công đức thầm lặng, cùng hạnh từ bi của vị Trụ Trì. Sư hy sinh thẩm lặng cho việc phát triển Phật Giáo Việt Nam (PGVN) nói chung và PGNTK nói riêng.
Có không biết bao nhiêu việc không tên phải lo liệu cho giới đàn dù không nói ra nhưng giới tử nào có ý thức tất phải hiểu. Năm nay 2023 giới đàn Minh Nguyệt theo chu kỳ cứ 2 năm 1 lần lại đến với vùng thánh tích Thích Ca Phật Đài. Qua 5 giới đàn rồi, ta có thể thấy dưới tay Ngài có biết bao giới tử PGNT đắc giới và đang hoằng pháp PGNT ở nhiều nơi và TT Giác Trí lần này lại làm “Kiếp tầm phải nhả tơ”.
Từ bao lâu nay do nhiều nguyên do khách quan tu sĩ PGNTK đã một thời tưởng chừng như đứng ngoài Giáo Hội Phật Giáo và lạc lõng trong lòng PGVN, thế nhưng qua 5 giới đàn được tổ chức tại đây du khách hành hương lại có dịp chứng kiến nhiều cảnh giới trường Nam Tông tiến hành Lễ Tấn đàn thọ giới cho các giới tử đang ngồi ngay hàng thẳng lối chắp tay với phong cách nghiêm trang trước hàng Tam Sư, Thất chứng, (những bậc Tôn túc giáo giới PGNT)
Chư Tăng cũng như giới tử của PGNT rất hoan hỳ trước chủ trương đúng đắn của GHPGVN khi tổ chức giới đàn chung cho 2 hệ phái nhưng vẫn tôn trọng việc trao truyền giới luật theo giáo lý biệt truyền của từng hệ phái. Theo báo cáo của BTC giới đàn Nam Tông thì số giới tử đăng ký đến giới đàn rất đông đó là một dấu hiệu tốt cho việc phát triển PGNTK.
Đối với PGNT thì Giới,Định, Tuệ là con đường chính yếu vì vậy cho nên các giới tử đã thọ giới nếu hành đúng con đường Giới,Định,Tuệ theo truyền thống của PGNT sẽ có nhiều lợi lạc vì hiên nay chúng ta ngày càng phải chỉnh trang lại Tăng Đoàn cả Tăng lẫn tu nữ để cho mọi người tu tập đúng giới luật PGNT và xem đây cũng là một khía cạnh để phát triển PGNT thời hội nhập toàn cầu này nhất là việc quản lý tăng chúng thì PGVN có một ưu điểm là thống nhất được 9 Hệ phái dưới một mái nhà chung GHPGVN, có cùng chung một sinh hoạt tốt đẹp và các hệ phái được giữ các biệt truyền của mình. Hiện nay Tổ chức giới đàn cũng là một phương tiện để thể hiện biệt truyền đó. Chính vì vậy mà ta mới có thể giũ vững được tính cách riêng biệt của PGNT.
Ngưỡng cầu chư thiên trợ duyên cho Đại giới đàn Minh Nguyệt kỳ này thành công mỹ mãn. Bao thế hệ tu sĩ đi qua, sư phụ vẫn thế tuy trên gương mặt không tránh khỏi những nếp hằn của thời gian. Đệ tử như cánh chim xa bay khắp bốn phương trời mang ánh đạo tới nơi xa xôi nhất lấy niềm tin sống đạo làm cứu cánh. Sư phụ và đệ tử vẫn sống đạo cách thầm lặng. PGNTK ngày một xiển dương bây giờ và mãi mãi.
Chơn Minh – Quảng Chuyên