Giới đàn nhất lãm

Mỗi khi suy định dòng lịch sử Phật giáo, chúng ta đều có cảm nhận sâu sắc về sự tĩnh lặng của nó. Sự tĩnh lặng ấy không phải cô đọng hoặc quy định thời gian theo một khuôn mẫu nào má nó là mạch sống sinh động, luôn luôn trào trong thực tại tuyệt đối. Bởi vì ở đó, giáo lý được hình thành và biểu hiện sự hội chứng thánh thể của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chư vị Bồ Tát, A La Hán và chư vị Tổ sư. Trong khi đó, căn trí con người lại thấp kém so với các Ngài, nên con đường giáo dục Phật giáo mỗi lúc từ nội chúng vô ngôn đã bắt đầu mở bày vô số phương tiện tu tập, để giúp họ đạt được giác ngộ, giải thoát. Tuy nhiên, phương tiện căn bản là Giới luật. Nơi nào còn tổ chức Giới đàn, có Tăng truyền, có người thọ và hộ trì giới, thì trú xứ ấy chắc chắn Phật giáo đang thịnh hành. Do đó, nội dung bài viết này, chỉ nhắm vào sự trình bày “Lịch sử thành lập Giới đàn”, để chúng ta tưởng niệm ân đức của các bậc tiền bối đã từng đóng góp cho Phật giáo.

  1. GIỚI ĐÀN THỜI KỲ ĐẦU CỦA PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ:

Song, Giới đàn là gì? Nói một cách đơn giản, đó là nơi tổ chức để truyền giới và thọ giới. Về hình thức, có thể vị trí cao hơn mặt bằng của đạo tràng và nơi kiến lập ấy phải được trang nghiêm, thanh tịnh. Nếu như tổ chức nhiều ngày, thì cần xây dựng phòng xá để tránh thời tiết mưa nắng bất thường xảy ra. Từ xưa, vấn đề truyền giới và thọ giới được coi là điểm tối trọng trong đời sống phạm hạnh của hàng Tăng sĩ. Vì vậy thời Phật đã có 10 cách thọ giới:

  1. Tự nhiên đắc giới: Sự đắc giới này đặc biệt chỉ có đức Phật, bậc chánh giác và độc giác, do tự mình chứng ngộ mà không cần sự truyền thọ.
  2. Kiến Đế thọ giới: Chỉ những vị thọ bốn thánh đế, đã nhập vào thánh đạo. Đây là việc xảy ra từ sơ khởi, khi đức Phật thành lập Tăng Bảo tại vườn Lộc Uyển, như Ngài nói pháp cho năm anh em Thầy Kiều Trần Như chứng thánh quả.
  3. Thiện lai Tỷ kheo: Trường hợp đắc giới Cụ túc ở đây là do đức Phật trực tiếp truyền thọ. Nghĩa là khi Đức Như Lai gọi: “Đến đây, này các Tỳ Kheo” (thiện lai Tỷ kheo), thì vị ấy liền đắc giới. Người đầu tiên được đức Phật truyền thọ bằng cách này là Tôn Giả Da- Xá hay còng gọi là Gia Giu Già và hơn 1000 vị cầu Tăng thân.
  4. Do xác nhận Phật là đạo sư: Đây chỉ có trường hợp đặc biệt như Tôn Giả Đại Ca Diếp. Khi gặp đức Phật, Ngài tuyên bố rằng “Đây là bậc đạo sư của tôi”, liền tự nhiên trở thành Tỳ-kheo, mà không qua cách thức truyền thọ nào cả.
  5. Do khéo trả lời: Trường hợp này xảy ra một lần cho Tô Đà Di, mới 7 tuổi nhưng đã trả lời câu hỏi của đức Phật một cách khéo léo. Phật hỏi: “Nhà con ở đâu”? Tô Đà Di đáp: “Ba cõi không đâu là nhà”. Do đó, Phật khiến Tăng bạch Yết-ma cho thọ giới Cụ túc.
  6. Do thọ tám kỉnh Pháp: Ma Ha Ba Xà Ba Đề dì mẫu của Đức Thích Tôn, chấp thuận tám pháp tôn kính đối với Tăng mà được xuất gia làm Tỳ-kheo-ni.
  7. Do gởi đại diện: Trường hợp đặc biệt chỉ có Ni Pháp Thọ (hoặc Pháp lữ). Nàng đẹp nổi tiếng trong xứ. Khi tin nàng sẽ xuất gia thọ giới Tỳ-kheo-ni, nhiều thanh niên tổ chức đóm đường bắt cóc. Do đó Phật cho phép nàng gởi người đại diện đến giữa Tăng thọ, sau đó về truyền lại.
  8. Do người thứ năm là người trì luật: Đây dành cho những vùng biên địa thiếu Tăng không đủ túc số (10 vị). Nghĩa là trong năm người, nếu có một người thông thạo các nghi thức Yết-ma, thì có thể truyền thọ Giới pháp.
  9. Thọ giới Tăng gồm 10 Tỳ-kheo: Trường hợp này có giới trường, có túc số tác pháp Yết-ma truyền thọ.
  10. Tam Ngữ Đắc Giới: Thọ Cụ túc bằng cách chỉ đọc 3 lần “Quy y Phật, Pháp và Tăng”. Trường hợp này xảy ra trong thời kì Tăng đoàn phát triển rộng, cũng như trước khi đức Phật quy định về thọ giới Cụ túc với pháp bạch tứ Yết-ma (Yết-ma Chỉ Nam tập 1- HT. Bình Minh dịch và Yết-ma Yếu Chỉ tập 1- HT. Trí Thủ soạn).

Những cách thọ giới trên đây, được tồn tại ở thời kỳ đức Phật còn tại thế. Và sau khi đức Như Lai nhập Niết Bàn, thì việc thọ giới chỉ thực hiện theo phương thức cần túc số Tăng để tác pháp Yết-ma truyền thọ (cách thọ giới thứ 9). Theo như sự tổ chức Giới đàn tại Ấn Độ, bộ “Thích Thị Yếu Lãm” có nói: “Khi đức Phật ở Kỳ Viên Tịnh Xá, Tỳ-kheo Lâu Chí thỉnh Ngài lập Giới đàn để truyền thọ giới Tỳ-kheo. đức Phật đã cho phép các Tỳ-kheo trần thiết giới trường ở góc đông nam Tinh Xá. Đây được xem là Giới Đường đầu tiên kiến lập tại Tây Vức (Ấn Độ). Hơn nữa, trong sách “Đại đường Cầu Pháp Cao Tăng Truyện (quyển thượng) của Ngài Nghĩa Tịnh (635- 713) cũng cho biết về phạm vi Giới đàn tại Học Viện Na Lan Đà vào thế kỷ thứ 7 là 1 trượng 1 thước tàu (3, 5m), nền cao 5 thước (1, 6m).

  1. KIẾN LẬP GIỚI ĐÀN TẠI TRUNG HOA:

Ở Đông Độ (Trung Hoa) kể từ khi Ngài Đàm Ma Ca La (Dharmakàla), người Trung Ấn Độ đến Lạc Dương vào niên hiệu Gia Bình năm thứ 2 (250 TL) đời nhà Ngụy, dịch ra bộ “Tăng Kỳ Giới Bổn”, (Cao Tăng Truyện), cho đến bốn năm sau (254 TL) lại có Ngài Đàm Đế (Dharmatràta) sang và phiên dịch bộ “Đàm Vô Đức Yết-ma”, (những cách thức tác pháp thọ giới). Từ đó, Trung Hoa mới nương nơi đây khai mở Giới đàn, truyền thọ Giới pháp. Thời Tào Ngụy, niên hiệu Gia Bình (249) và Chánh Nguyên (256). Ngài Đàm Kha Ma La (Đàm Ma Ca La) lập giới đàn tại Lạc Dương. Chu Sĩ Hành người Hoa ở Tỉnh Hà Nam (một tỉnh của Trung Hoa), đã xuất gia và thọ giới đầu tiên trong hàng Tăng sĩ bản xứ, có thể Giới đàn này. Đời Đông Tấn, Ngài Trúc Pháp Hộ (thường tôn xưng là Tôn Hoàng Bồ Tát) cũng lập Giới đàn ở Chùa Ngõa Quan (Dương Đồ-Nam Kinh). Ngài Chi Đạo Lâm lập Giới đàn ở Chùa Thanh Thành, (Lê Thành-Sơn Tây). Đời Nam Tống. Ngài Trí Nghiêm lập Giới đàn ở Chùa Định Lâm (Nam Kinh). Vào niên hiệu Nguyên Gia (424), Ngài cầu Na Bạt Ma (Gunavarman) – (337-431) lập Giới đàn ở Chùa Nam Lâm. Đời Lương (Nam Bắc) Ngài Pháp Khởi lập Giới đàn ở Nam Giản (Nam Kinh). Ngài Tăng Hựu lập Giới đàn ở Chùa Vân Cư, Thê Hà, Quy Thiện, Ái Kinh (Nam Kinh). Đây là những Giới đàn thuộc Tăng Pháp Viên Cụ của Thanh Văn giới. Đến đời nhà Lương, niên hiệu Bảo Lịch năm đầu (825) và đại trung năm thứ hai (848) đã kiến lập Giới đàn phương đẳng (thuộc Đại Thừa giới) truyền giới Bồ Tát. Đời Tống, niên hiệu Tường Phù năm thứ hai (1009), kiến lập Giới Đàn Cam Lộ (Giới đàn Đại Thừa) tại 72 nơi. Đặc biệt đối với Giới Đàn Thanh Văn, lấy Tăng pháp Yết-ma làm trọng, người thọ không phạm các giá nạn và được truyền giới riêng, còn Giới đàn Bồ Tát, thì pháp thọ bình đẳng, nghĩa là chỉ cần hiểu được lời pháp sư, phát đại tâm, có tánh giác, không phạm 7 điều ngăn cấm, và có thể truyền chung. Theo sách “Tăng sử lược”, lúc đầu 2 bộ tăng (Tăng, Ni) thọ giới chung trong một Giới đàn. Nhưng đến đời Bắc Tống (Tống Thái Tổ) niên hiệu Khai Bảo thứ 5 (972), vua xuống chiếu cho Ni chúng lập Giới đàn riêng.

  1. GIỚI ĐÀN ĐƯỢC TỔ CHỨC Ở VIỆT NAM:

Ở Việt Nam ta, sự thành lập Giới đàn tại Giao Châu có sớm hơn Hoa Nam. Khi viết bài tựa Kinh An Ban Thủ Ý. Khương Tăng Hội có than thở: “Tôi sinh ra như dấu tích cuối cùng, vừa mới đủ sức vóc, thì cha mẹ đều mất, bậc Tam sư cũng viên tịch, nhìn lên mây trời, buồn thấy mình thiếu người chỉ dạy…”. “bậc Tam sư”ở dây có thể là “Tam sư Thất Chứng” (theo pháp thập nhân thọ), trong khi tác pháp Yết-ma, truyền giới Cụ túc. Điều này có thể xác nhận Khương Tăng Hội thọ giới Tỳ-kheo trước khi sang Hoa Nam (247 AC). Nếu như vậy, thì sự tổ chức Giới đàn ở nước ta có thể trước Hoa Nam gần nửa thế kỷ. Vào giai đoạn thế kỷ thứ sáu, phương thức lập Giới đàn ở nước ta đã có phần hoàn bị. Sự kiện “Thiền Sư Pháp Hiền thọ giới Tỳ-kheo với Đại sư Quán Duyên tại Chùa Pháp Vân”, là điều để chúng ta chứng minh cho vấn đề này. Đến thời Lý Thái Tổ, sau khi lên ngôi khoảng 4 năm (1016) nhà vua đã hỗ trợ Tăng Thống Thẩm Văn Uyển tổ chức Giới đàn ở Chùa Vạn Tuế và hơn 1000 người ở Kinh Đô Thăng Long được tuyển chọn xuất gia, thọ giới. Đời Lý Thần Tông (1128-1138), cũng lập Giới đàn độ Tăng. Cho đến cuối triều đại nhà Lý, Thiền sư Hiện Quang-Vị Tổ khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã thọ giới Tỳ-kheo với Thiền sư Pháp Giới tại núi Uyên Trừng. Đời Trần, vua Trần Anh Tông (1293-1314) thỉnh Thiền Sư Trúc Lâm đại đầu đà (Trần Nhân Tông) vào nội điện truyền giới Bồ Tát. Năm 1305, Thiền Sư Pháp Loa thọ Đại giới (Tỳ-kheo, Bồ Tát) và đời Trần cứ mỗi năm mở Giới đàn một lần. Sau đó, triều đại Chúa Nguyễn, vẫn kiến lập nhiều đàn giới: Năm 1695 Chúa Nguyễn Phước Châu (1691 – 1725) nhờ Thiền sư Nguyên Thiều qua Trung Hoa thỉnh Tăng và Hòa thượng Thạch Liêm (1633 – 1704) từ Trung Hoa sang Việt Nam làm Đường đầu Hòa thượng tại Đại Giới Đàn Chùa Thiền Lâm, do Quốc sư Quả Hoằng – Hưng Liên tổ chức. Trong đó, có hơn hai ngàn Tăng sĩ khắp nơi về dự, được 1400 Giới tử thọ giới. Thiền sư Liễu Quán (1667- 1742) đã thọ giới Sa-di trong Giới đàn này. Cùng năm ấy, Hòa thượng Thạch Liêm vào Hội An (Quảng Nam) để chuẩn bị trở về Trung Hoa, ngài có mở Đại Giới Đàn tại Chùa Di Đà vào ngày 7-7 Ất Hợi (1695), hơn 300 Giới tử thọ giới. 1697 Hòa thượng Từ Lâm (người Hoa) mở Giới đàn và Ngài Liễu Quán được thọ giới Cụ túc. Trên đại thể, theo truyền thừa và truyền bá Phật giáo từ đất ngoài vào Nam Bộ, kéo dài gần 300 năm thì hằng năm ở các Tổ đình An Cư Kiết Hạ, đều có mở Giới đàn hoặc Đại Giới đàn. Việc ấy trở thành nếp sống tự nhiên của Phật Giáo, cứ nối tiếp lưu truyền đến khi Tây Xăm, dù hoàn cảnh bên ngoài có nhiều biến cố thay đổi, nhưng truyền thống An Cư kiết hạ, mở Đại Giới đàn vẫn nối tiếp phát triển không dừng, nhất là các chùa Tổ Miền Trung và vùng Gia Định. Từ sau năm 1945 đến 1975, trong 30 năm ấy, Miền Trung và Nam đều có nhiều Đại Giới Đàn được tổ chức quy mô, rộng lớn, như Đại Giới đàn Hải Đức Nha Trang, tổ chức tháng 1 năm 1957, để lại nhiều tiếng vang, hình ảnh không phải về tính chất hoành tráng tổ chức theo nghi lễ mà thọ giới, giữ giới như một sức thúc đẩy mãnh liệt. Sau năm 1963 cũng có nhiều Giới đàn được tổ chức vừa phải khắp Trung Nam. Và sau năm 1975, tình hình xã hội thay đổi mạnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt Phật Giáo, trong vòng 5 năm, 1975 – 1980 phần nhiều Thọ giới phương trượng, chỉ 3 vị truyền giới lặng lẽ, thường gọi là thọ giới chui, vì chưa được phép tập trung đông đảo. Đến giai đoạn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ổn định và thành lập năm 1981 tại Hà Nội. Từ đó trở đi, theo Hiến Chương của Giáo Hội Trung Ương, mỗi Tỉnh 3 năm đều được tổ chức Đại Giới Đàn một lần, đồng thời được phép quy tụ đông đảo Tăng Ni. Các Tỉnh có thuận duyên thì tổ chức đều. Nếu không, có thể giới thiệu Tăng Ni của Tỉnh mình đến đó thọ giới. Đại Tòng Lâm với diện tích rộng, thuận tiện cho việc mở Đại Giới đàn. Năm 1993 Đại Giới Đàn Thiện Hòa được tổ chức với gần 2000 Tăng Ni thọ giới, Hòa thượng Đường đầu là đức Phó Pháp chủ Thích Trí Tịnh. Vào năm 1996 Đại Giới đàn Thiện Hòa được tổ chức lần 2 với hơn 2000 Tăng Ni, Phật tử thọ Giới và cung thỉnh Hòa thượng Thích Trí Nghiêm thành viên hội đồng Chứng minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam làm Đường Đầu truyền giới. Có thể nói từ sau năm 1975, thì Đại Giới Đàn Thiện Hòa lần 1 và 2 là hai Đại Giới Đàn quy tụ Tăng Ni thọ giới đông nhất. Đó là nhờ Hồng ân Chư Phật, Thánh đức Trụ Lâu trong lục tạng của Ngài Thiện Hòa thượng nhân và đất Đại Tòng Lâm có lịch sử hơn 40 năm qua đã tạo nên sự thành tựu vĩ đại ấy. Thêm vào đó nhờ vào các thắng duyên từ mọi phía như sự hỗ trợ, giúp đỡ, tổ chức, ủng hộ của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh, Ban Tôn Giáo Tỉnh, Ban Trị sự Phật Giáo Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Phật tử 4 phương. Tìm hiểu về cuội nguồn, về quá trình lịch sử thành lập giới đàn là để chúng ta ý thức rằng: Dòng suối Luật tạng sẽ truyền lưu bất tận trong lòng vũ trụ, để nuôi dưỡng sự sống vĩnh cửu cho Phật Pháp, cho cây đời được mãi xanh tươi. Sự thọ giới, trì giới và truyền giới là trách nhiệm hàng đầu của hàng đệ tử xuất gia và sự gặp nhau giữa đoàn thể Tăng già quá khứ cùng hiện tại là ở đó. Chúng ta hãy đặt niềm tin vào vai trò tồn tại của Lục Tạng, hãy khẳng định tính vĩnh cửu của Chánh pháp. Để từ đó, dù người xuất gia hay tại gia, là đệ tử Phật đều phải luôn coi giới luật là nấc thang căn bản cho con đường hướng về thấu thị tâm linh, giải thoát toàn diện, hầu đem lại sự hạnh phúc, an lạc cho mình và chúng sanh.

Thích Đồng Tâm

Bài viết liên quan