THÁNH ĐỊA TÒNG LÂM – LỊCH SỬ VÀ SỰ KIỆN

Chặng đường kế thừa: Giáo pháp của đức Phật đã được truyền thừa cụ thể, liên tục suốt dặm dài hơn 25 thế kỷ qua với tâm nguyện bao la và lý tưởng hoằng dương chánh pháp nhiệt thành của các thế hệ Thánh đệ tử của Ngài. Chặng đường dài đó được tô thắm bằng sự hộ trì các căn qua con đường pháp trì giới luật, chính giới luật là thước đo của mọi ý kiến, quan điểm và hành động để hành giả có khả năng thẩm thấu chân giả, hư ngụy trước sự biến chuyển của vạn pháp. Tinh thần tôn trọng giới pháp được xây dựng trên nền tảng của tuệ giác và ý thức “tự mình xây dựng hòn đảo cho chính mình, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình” (Tương V, 170).

Khi đặt chân đến vùng núi rừng Thị Vải khoảng năm 1953, khai khẩn 100 héc-ta đất rừng địa phận Phú Mỹ giữa lúc đất nước ngập chìm trong khói lửa chiến tranh, Hòa thượng Luật sư Thích Thiện Hòa (1907-1978) đã có tầm nhìn bao quát với một trung tâm tu học tầm cỡ dành cho Tăng Ni của khu vực với nhiều cơ sở riêng phù hợp với tâm nguyện và pháp hành của từng đối tượng Tăng Ni, Phật tử trong khu vực phức hợp dành cho cộng đồng Phật giáo tại Đại Tòng Lâm này như: Chuyên tu viện, Phật học viện, Giới luật viện, Phiên dịch viện, Dưỡng lão viện … Từ ý tưởng này, với danh nghĩa Trị sự trưởng Giáo hội Tăng-già Nam Việt và tư cách trụ trì chùa Ứng Quang (nay gọi là Ấn Quang), Hòa thượng Tổ sư đã dốc toàn tâm toàn lực cho việc vận động tài chánh của bà con bổn đạo tại Sài Gòn, Chợ Lớn lo việc khai hoang, xây dựng các cơ sở Phật giáo; đồng thời, đào tạo Tăng tài để dự nguồn nhân sự quản lý và điều hành Phật sự nơi này. Chỉ tiếc nhân duyên bất túc, tâm nguyện chưa thành thì Hòa thượng Tổ sư viên tịch trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước vào năm 1979, để lại cơ đồ lớn với trọng trách oằn vai cho các vị đệ tử lớn kế nghiệp.

Tiếp theo, thế hệ kế thừa qua các đời Giám đốc là cố HT. Thích Minh Hạnh (Huệ Thới), HT. Thích Minh Thành, TT. Thích Minh Phát, HT. Thích Nhật Quang cũng đem hết tâm lực ra thừa hành Phật sự nhưng vẫn còn đó nỗi đợi chờ “nhân duyên – thời tiết” cho đất nhuần mưa ngọt, người thấu thiền cơ. Ngược dòng lịch sử, phải để lòng suy ngẫm cho thế sự và thời cuộc diễn ra trên mảnh đất nhiều thăng trầm này mới thấy và hiểu được công đức của tiền nhân. Năm 1658, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đưa 2.000 quân vào thành Mô Xoài của Chân Lạp với lý do bảo vệ những cư dân người Việt đã vào đây làm ăn sinh sống. Sau trận này, Chân Lạp xin được làm chư hầu và triều cống hàng năm. Năm Giáp Tuất, Thái Tông thứ 27 (1674), Chúa Hiền lại sai Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Diên đem quân trấn lũy Bô Tâm của Chân Lạp mà về sau người Việt gọi là Lũy cũ Phước Tứ (vùng thị trấn Long Điền ngày nay). Thời Pháp thuộc, tỉnh Bà Rịa được thành lập vào tháng 12/1899 trên địa bàn phủ Phước Tuy của tỉnh Biên Hòa. Tháng 10/1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lập tỉnh Phước Tuy gồm địa bàn tỉnh Bà Rịa và quần đảo Hoàng Sa. Từ tháng 3/1963 đến tháng 12/1963 và từ tháng 11/1966 đến tháng 10/1967, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sáp nhập tỉnh Bà Rịa với tỉnh Biên Hòa và tỉnh Long Khánh thành tỉnh Bà Biên. Rồi đến tháng 02/1976, vùng đất này lại sáp nhập vào tỉnh Đồng Nai. Từ ngày 30/5/1979, lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Từ ngày 12/8/1991, chính thức thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gồm các phần đất Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo và 3 huyện Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Riêng vùng đất Đại Tòng Lâm tọa lạc này thuộc thôn Quảng Phú, xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành lại một lần nữa chịu sự biến thiên của lịch sử, ngày 02/6/1994, huyện Châu Thành lại chia thành ba đơn vị hành chánh là thị xã Bà Rịa và 2 huyện: Châu Đức, Tân Thành. Vùng đất bé nhỏ này được hình thành và tồn tại từ máu xương, tâm huyết của bao thế hệ người đi trước.

Năm 1995, Ban Quản trị Đại Tòng Lâm được thành lập do cố HT. Thích Đồng Huy làm Trưởng Ban thì thật sự mới có kế hoạch lâu dài cho dự án kiến thiết và giáo dục tại khu Thánh địa nổi tiếng này. Nhưng thật sự khởi động cho mọi hoạt động xây dựng cơ sở Đại Tòng Lâm trở thành quy mô như ngày nay là do HT. Thích Quảng Hiển một tay quán xuyến, tạo dựng và đảm đương từ năm 1993, và tổng khởi công các dự án lớn vào năm 2002. Đã 25 năm đi qua trong dòng biến dịch của thời cuộc, HT. Thích Quảng Hiển chính là người kế thừa rạng rỡ di nguyện thiêng liêng của Tổ sư khai sơn, phát dương quang đại vùng này thành Trung tâm tu học và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của Phật giáo mang nhiều ưu việt về giáo dục, hoằng pháp thời hội nhập trong khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, thế mạnh giáo dục Phật giáo đã làm thành một Đại Tòng Lâm của lịch sử. Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm được thành lập vào năm 1991, có tiền thân là Lớp Bổ túc Giáo lý tại chùa Huê Lâm 2 của cố Sư trưởng Như Thanh và chùa Niết Bàn cạnh chân núi Thị Vải của cố HT. Thích Thiện Phụng, rồi hình thành Trường Cơ bản Phật học tỉnh Đồng Nai. Đây là ngôi trường Trung cấp Phật học thứ hai trên toàn quốc được thành lập sau biến cố lịch sử 1975. Sau 25 năm hình thành và phát triển, Trường đã đạo tạo được 7 khóa Trung cấp và 5 khóa Cao đẳng với hơn 3.000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, số lượng này hiện đã và đang phục vụ cho Giáo hội trên nhiều lĩnh vực nhằm mục đích phụng sự nhân sinh và xã hội khắp trong nước và hải ngoại. Nếu nói thành công, thì một tỉnh lẻ như Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh thành công về mặt giáo dục và tổ chức Giáo hội, hiện nay với hơn 400 cơ sở tự viện và gần 5.000 Tăng Ni tu học trong tỉnh đã khẳng định được vị thế của mình về sức mạnh đoàn kết khi thừa hành các hoạt động Phật sự trọng đại, mang đến nhiều thành quả khả quan, lợi ích cộng đồng trong nước và quốc tế. Thánh địa Đại Tòng Lâm, vùng đất hội tụ của tâm linh và văn hóa Phật giáo quả là một nơi đáng đến trong đời, dù chỉ một lần!

Bài viết: Thích Thiện Thuận

Ảnh: Quảng Chuyên

Bài viết liên quan