Thiền phái Trúc Lâm là một tông phái của Thiền tông Việt Nam được hình thành từ thời nhà Trần, do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Đây là một dòng phái đặc biệt ghi dấu ấn lịch sử bởi khác với các Thiền phái khác, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đại Việt mang đậm tinh thần nhập thế, muốn tìm con đường giác ngộ không phải từ bỏ thế gian này mới giác ngộ được.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam chúng ta có thể thấy một điều vô cùng ấn tượng đó là Trúc Lâm Yên Tử – một Thiền phái mang tên Việt Nam với ông Tổ người Việt Nam, một vị vua anh hùng của dân tộc: Trần Nhân Tông. Đây là một chấm son chói lọi trong lịch sử dân tộc nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Một môn phái ra đời mang đậm bản sắc dân tộc, giúp cho Đại Việt thoát khỏi sự lệ thuộc về ý thức hệ với nước ngoài, thống nhất quyền lực và duy trì trật tự xã hội. Từ đây, người Việt không chỉ còn tiếp xúc với Phật giáo Ấn Độ hay Phật giáo Trung Hoa, mà họ đã có Phật giáo riêng đó chính là dòng Thiền Trúc Lâm.
Đức vua Trần Nhân Tông – Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, con đầu của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu. Sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258), khi mới chào đời, Ngài đã có màu da sáng vàng ròng nên được vua cha gọi là “Kim Phật”.
Lên 16 tuổi, được lập làm Hoàng Thái Tử, Ngài đã từ chối đến ba phen, xin nhường để em mình là Đức Việp thay thế nhưng không được vua cha chấp thuận. Vua Trần Thánh Tông đã nhận thấy đức, tài gánh việc nước của Ngài được bộc lộ rất rõ. Thuở nhỏ, có lần đang nửa đêm, Ngài vượt thành ra đi lên núi Yên Tử với ý định xuất gia tu hành. Vua Trần Thánh Tông sai quần thần đi khắp nơi tìm kiếm nên bất đắc dĩ Ngài phải quay trở về. Năm 16 tuổi, Trần Khâm được lập làm Hoàng thái tử (năm 1274). Cùng năm đó, Ngài thành thân với công chúa Quyên Thanh – trưởng nữ của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, và hạ sinh ba người con là Trần Thuyên, Trần Quốc Chẩn và Trần Huyền Trân.
Năm 1278, Trần Khâm lên ngôi Hoàng Đế đổi niên hiệu là Thiệu Bảo. Trong 14 năm Ngự ngai vàng, vua Trần Nhân Tông đã lãnh đạo nhân dân xây dựng Quốc gia Đại Việt hùng mạnh, hai lần kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông thắng lợi vào năm 1285 và 1287 đem lại bình an, hòa bình cho muôn dân và nền độc lập vững bền của Quốc gia Đại Việt. Sau khi thắng lợi kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 3, trong buổi lễ trang nghiêm mừng chiến thắng, trước anh linh các vua Trần ở Phủ Long Hưng (Thái Bình), Trần Nhân Tông đã cảm khái đọc lại hai câu thơ đầu khí phách:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
Dịch nghĩa:
Đất nước hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng
Từ kinh nghiệm 2 lần lãnh đạo quân dân thắng giặc Nguyên – Mông thắng lợi, vua Trần Nhân Tông rút ra bài học muốn bảo vệ và xây dựng đất nước, giữ nền độc lập dân tộc, vấn đề cốt lõi là phải thống nhất đoàn kết dân tộc thành một khối, điều hòa quyền lợi các giai cấp trong xã hội, quan lại liêm chính, trong sạch và làm gương cho thiên hạ.
Năm 1293, Ngài truyền ngôi báu cho con trưởng Trần Thuyên (Hiệu là Trần Anh Tông) còn Ngài lên làm Thượng hoàng về phủ Thiên Trường (Nam Đinh) chuyên tâm nghiên cứu kinh Phật, thực tập xuất gia ở Hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) trong vòng 6 năm để chuẩn bị cho bước xuất gia tu hành, tìm ra con đường xây dựng nền đạo đức và xã hội hướng thiện.
Sự hình thành của Thiền phái Trúc Lâm
Đất nước giữ vững nền độc lập nên Phật giáo càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Phật giáo lúc này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, đời sống văn hóa của dân tộc mà còn chi phối đến chính trị, xã hội,…. Tại thời điểm này, các vương triều phong kiến cần tìm chỗ dựa vững chắc về ý thức hệ một công cụ tinh thần để quản lý và xây dựng đất nước mà Phật giáo lúc này có một thế lực mạnh và một lực lượng quần chúng đáng kể, nhiều nhà sư am hiểu ngôn ngữ, thông suốt Tam tạng kinh điển, nhiều Tăng Ni, Phật tử tham gia vào các cuộc giải phóng dân tộc nên việc vương triều Việt Nam bất ngờ chọn đạo Phật làm quốc giáo cũng là lẽ đương nhiên.
Phật giáo thời này không chỉ bó hẹp trong chùa, chú tâm truyền đạo, chăm sóc đời sống tâm linh của con người mà còn đóng góp công sức vào công cuộc giữ nước và xây dựng đất nước. Như các thiền sư nhà Lý được trực tiếp tham gia chính sự, tiếp sứ thần ngoại bang như Thiền sư Pháp Thuận, Bạn Hạnh thuộc thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Thiền sư Ngô Chân Lưu thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, v.v….
Đầu thế kỷ XIII, 3 thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường dần sáp nhập thành một. Thiền sư Thường Chiếu có thể được gọi là người khởi đầu cho sự tổng hợp giữa ba Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường và cũng là gạch nối giữa Phật giáo thời Lý với Phật giáo thời Trần.
Phái Thiền Trúc Lâm được thành lập vào đời nhà Trần. Điều Ngự Giác Hoàng (Trần Nhân Tông) thành lập phái Thiền Trúc Lâm với ý định thống nhất Phật giáo Đại Việt. Thiền phái Trúc Lâm với ba vị Tổ đầu tiên là: Trúc Lâm Đầu Đà, Tôn giả Pháp Loa và Tôn giả Huyền Quang nhưng thực tế phái Thiền Trúc Lâm bắt nguồn từ truyền thống ở núi Yên Tử nên người ta thường gọi là Trúc Lâm Yên Tử. Thiền phái chịu ảnh hưởng của truyền thống Yên Tử nhất là ảnh hưởng của Thượng sĩ Tuệ Trung. Thiền sư Hiện Quang khai sơn núi Yên Tử mở đầu cho Phật giáo Trúc Lâm nền Phật giáo thống nhất đời Trần.
Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm có ý nghĩa rất lớn, đáp ứng nhu cầu lịch sử của dân tộc là xây dựng đất nước Đại Việt độc lập tự chủ, không chỉ xác định trên cương thổ biên giới mà còn độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo.
Nét đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm
Theo phương diện tôn giáo, nhà Trần lựa chọn Thiền tông làm ý thực hệ tiêu biểu nhưng thay đổi nội dung của các Thiền phái trước đây nằm đáp ứng nhu cầu đất nước. Khác với các Thiền phái khác, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đại Việt mang đậm tinh thần nhập thế, muốn tìm con đường giác ngộ không phải từ bỏ thế gian này mới giác ngộ được. Với tinh thần đạo pháp thì người con Phật càng phải dấn thân vào cuộc sống, vui với niềm vui của đất nước, đau với nỗi đau của dân tộc, nhưng khi thanh bình thì vẫn trở về với cuộc sống tu hành thoát tục.
Với sự kết hợp khéo léo giữa lý tưởng quốc gia và Phật đạo, vốn là khía cạnh của ký tưởng tôn giáo đại đồng, vua Trần Nhân Tông đã chủ trương đưa thiền phái tích cực dấn thân vào xã hội, xây dựng đất nước hưng vượng bằng trí tuệ, từ bi và đạo đức của Phật giáo. Luôn lấy lợi ích của dân tộc, quốc gia và chung sinh là yếu tố cơ bản trong quá trình tu tập của mỗi người.
Thiền phái Trúc Lâm ra đời đã kết thúc sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các tông phái Phật giáo ở Việt Nam do người ngoài sáng lập. Những gì Phật Hoàng Trần Nhân Tông làm được cho thấy Phật giáo thực sự đã bén rễ và được người dân Đại Việt thời Trần tiếp thu và phát triển. Từ đây, người Việt không chỉ còn tiếp xúc với Phật giáo Ấn Độ hay Phật giáo Trung Hoa, mà họ đã có Phật giáo riêng.
Có thể nói, Ngài Trần Nhân Tông từ ngôi vị Hoàng đến đến ngôi vị Phật hoàng, từ vương quyền đến thần quyền trên phương diện nào thì con người Ngài vẫn thể hiện với tư tưởng, tình cảm của con người Việt, lấy vận mệnh đạo pháp và dân tộc hòa trong một bản trường ca là Phật giáo Nhập thế. Phật giáo là những giác ngộ chân thật đó chính là lẽ thật bình đẳng không phân chia ranh giới. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Tuy nhiên, Thiền phái Trúc Lâm chúng ta thấy điểm nổi bật và đặc trưng của tôn giáo mang đậm bản sắc dân tộc, nền văn hóa Việt Nam không bị phụ thuộc, lai căng từ bên ngoài.
Nguôn tin: https://bchannel.vn/thien-phai-truc-lam-mo-ra-chuong-moi-trong-lich-su-phat-giao-viet-nam/