Bà Rịa – Vũng Tàu đã vượt qua khó khăn khi là một trong ba đơn vị tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh thành nhiệm kỳ 2022-2027 sau cùng thành công. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Trị sự vừa ổn định nhân sự của các ban chuyên môn vừa triển khai nhiều hoạt động Phật sự. Trong đó, Đại giới đàn Minh Nguyệt PL.2567, từ ngày 9 đến 12-11-2023 (nhằm ngày 26 đến 29-9-Quý Mão) là một Phật sự truyền thống, quan trọng hàng đầu.
Trước thềm Đại giới đàn, Ban Thông tin – Truyền thông Phật giáo tỉnh có cuộc phỏng vấn HT.Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), Trưởng ban Tổ chức. Hòa thượng chia sẻ:
-Phật giáo tỉnh BR-VT hiện có 440 tự viện, 3.789 Tăng Ni, 409.000 tín đồ, theo số liệu thống kê tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần VII nhiệm kỳ 2022-2027. Việc chọn người xuất gia để kếtục và duy trì mạng mạch Phật pháp, đào tạo Tăng tài luôn luôn được chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo tỉnh các giai đoạn đặt lên hàng đầu trong chương trình hoạt động Phật sự. Trước đây, Ban Trịsự tỉnh tổ chức Đại giới đàn 3 năm một lần, gần đây cứ 2 năm tổ chức một lần, tạo thuận duyên cho giới tử được thọ giới pháp tu học.
Vào năm 2022, tôi được phân công của Trung ương Giáo hội về trợ giúp cho Phật sự tỉnh nhà. Với tôi, đây là việc Tăng sai nên tôi nhất tâm phụng hành. Chúng ta có thể nói thẳng, việc củng cố và duy trì mối đoàn kết trong nội bộ Tăng Ni nói chung và các thành viên trong Ban Trị sự tỉnh nói riêng là điều kiện tiên quyết để mọi Phật sự được hanh thông. Một thắng duyên là sự thông cảm và thấu hiểu đã được tạo dựng, kết nối làm nên sức mạnh của tập thể Tăng Ni ở tỉnh nhà. Đó là thành tựu quan trọng, và từ thành tựu này đưa đến nhiều kết quả hoạt động khả quan khác.
Dịp này, tôi xin nói thêm về việc tổ chức Đại giới đàn tôn hiệu Minh Nguyệt, cả thuận duyên và những điều khó khăn.
Trước tiên, chúng tôi nhận thấy có sự đồng lòng của các thành viên trong Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh, thể hiện qua rất nhiều phiên họp trước khi quyết định tổ chức Đại giới đàn. Thứ nữa, chúng tôi nhận được sự động viên, khuyến khích của chư vị tôn túc giáo phẩm từ Trung ương Giáo hội; đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt tình của Hòa thượng Thích Quảng Hiển, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự tỉnh, viện chủ tổ đình Đại Tòng Lâm. Ngài có nhiều kinh nghiệm trong công việc này và đã điều động toàn bộ nhân lực, vật lực của tổ đình cho sự kiện trọng đại này. Đặc biệt Đại giới đàn lần này cung thỉnh Thập sư đa phần chư vị tôn đức các tỉnh thành, vì lợi lạc cho giới tử.
Một khó khăn, lẽ ra không nên nói vì là khó khăn chung, đó là sau các năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế đất nước nói chung và đời sống Phật tử nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn nên nguồn tịnh tài tổ chức Đại giới đàn lần này có phần bị hạn chế. Tuy nhiên, Ban Tổ chức chia sẻ bằng cách giảm lược các khâu tổ chức không cần thiết, tập trung và các đàn giới, để sao Đại giới đàn được thực hiện như pháp của sự kiện đặc thù cua Tăng, đồng thời không là gánh nặng thêm cho Ban Trị sự.
Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về nhân duyên lấy tôn hiệu Minh Nguyệt làm tôn danh Đại giới đàn lần thứ 11 do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh BR-VT tổ chức?
-Nhìn lại quá khứ, với Đại Tòng Lâm, cố Hòa thượng Thích Thiện Hòa là vị khai sáng “thánh địa” này, nên sau khi BR-VT tách ra từ tỉnh Đồng Nai (1991), Đại giới đàn đầu tiên do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức lần đầu tiên (1993) đã lấy tôn hiệu “Thiện Hòa” nhằm tưởng nhớ đến ơn khai sơn tạo tự của Ngài và cũng để các giới tử được thừa hưởng ân đức của một bậc cao Tăng mà tấn tu đạo nghiệp. 6 kỳ Đại giới đàn tiếp theo đều mang ý nghĩa như vậy.
Đến kỳ Đại giới đàn thứ 8 (2016) đã lấy pháp hiệu của cố Trưởng lão HT.Thích Đồng Huy làm tôn hiệu Đại giới đàn. Sinh thời, cố Trưởng lão Hòa thượng là bậc cao Tăng có nhiều đóng góp to lớn cho Phật giáo tỉnh nhà trong giai đoạn còn khó khăn. Các Đại giới đàn năm 2018, 2020, Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh lấy tôn hiệu ngài Bảo Tạng và Huệ Đăng làm tôn danh Đại giới đàn. Bởi lẽ, các ngài là hai vị Tổ tuy xuất thân từ tỉnh Phú Yên, Bình Định nhưng lại vào đất BR-VT để hoằng hóa và khai sơn, kiến lập nhiều ngôi chùa.
Năm nay (2023), Ban Trị sự tỉnh đã cung thỉnh thỉnh tôn danh Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, một bậc cao Tăng có nhiều đóng góp quan trọng cho Đạo pháp và Dân tộc thời hiện đại,làm tôn hiệu Đại giới đàn. Qua đó, Tăng Ni, Phật tử tỉnh nêu cao tinh thần tri ân sự đóng góp to lớn của ngài cho Phật giáo BR-VT nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, tinh thần phụng sự của ngài đáng để cho hàng hậu học noi theo.
Trong Đại giới đàn lần này, là vị đứng đầu Ban Trị sự và Ban Tổ chức, Hòa thượng có thể chia sẻ trước về những điểm nổi bật?
– Điều đặc biệt của Đại giới đàn Minh Nguyệt PL.2567 có sự thân lâm chứng minh và khai thị của Đức Pháp chủ và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Đại giới đàn là một sự kiện đặc thù Tăng-già quan trọng, do vậy từ đầu, Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh chúng tôi đã xin thỉnh cầu huấn thị của Đức Pháp chủ và sự chỉ đạo của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự. Thật là một thắng duyên, Đức Pháp chủ đặc biệt quan tâm và có những lời huấn thị về hướng tổ chức, nhất là việc thỉnh cầu Giới sư, sự tách bạch giữa Ban Kiến đàn và các Hội đồng Thập sư… Ngài cũng hứa khả quang lâm và giáo giới tại lễ khai mạc Đại giới đàn.
Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương cũng hoan hỷ nhận lời cung thỉnh của Ban Tổ chức làm Hòa thượng Đường đường đầu đàn Tỳ- kheo; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự làm Hòa thượng đường đầu đàn Sa-di; chư tôn đức Thập sư là những vị có giới đức trang nghiêm, chư vị đều là giới phẩm Hòa thượng, như thế sẽ giúp giới tử nhận thấy được tầm quan trọng của việc thọ giới. Chư giới sư trang nghiêm sẽ giúp tâm giới tử sẽ khởi lên niềm tôn kính và sự thiết tha cầu giới pháp, có niềm tin sâu sắc vào việc thọ lãnh giới pháp.
Chúng tôi, toàn thể Ban Trị sự, Ban Kiến đàn một lòng hướng đến việc tổ chức đàn giới trang nghiêm, thanh tịnh để chư vị Giới sư truyền giới như pháp như luật, giới tử được thọ và đắc giới thanh tịnh, tinh tấn hành trì và thăng tiến trên con đường tâm linh.
Về việc tuyển chọn giới tử, nội dung khảo hạch cho giới tử như thế nào, bạch Hòa thượng?
– Nội dung khảo thí trong Giới đàn, Giáo hội cũng đã quy định cụ thể qua những văn bản hướng dẫn. Ngoài các yêu cầu về học vấn, tuổi đời hay thời gian tập sự… thì với giới tử cần nắm vững các nội dung về nhị thời khóa tụng, nghi thức thiền môn bên cạnh nội dung biệt truyền hệ phái, đó là yêu cầu tối thiểu. Ban Tổ chức đặc biệt tuân thủ theo quy định về “Tuyển người làm Phật” của Ban Tăng sự Trung ương đã hướng dẫn. Nội dung khảo hạch cũng được Ban Tổ chức thông tin rộng rãi cho các giới tử cũng như trên phương diện truyền thông.
Được biết, Đại giới đàn Minh Nguyệt có gần 700 giới tử đăng ký thọ giới, với vai trò là vị giáo phẩm đứng đầu Ban Trị sự tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Đại giới đàn, Hòa thượng có lời nhắn nhủ và lưu ý nào cho giới tử?
– Phần nhắn nhủ quan trọng nhất với các giới tử là năm nay tại lễ khai mạc, chúng tôi cung thỉnh Đức Pháp chủ GHPGVN quang lâm giáo giới cho tất cả giới tử; Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự sẽ ban đạo từ, Hòa thượng Thích Minh Thông – Tuyên Luật sư sẽ khai đạo giới tử.
Với vai trò Trưởng ban Tổ chức, tôi cũng muốn chia sẻ niềm hoan hỷ với tất cả các giới tử, chúng ta gặp một thiện duyên là được sự quan tâm lân mẫn của chư tôn Trưởng lão lãnh đạo tối cao của Giáo hội, sự hiện diện của các bậc Giới sư từ các tỉnh, thành phố trên cả nước trong các đàn giới, bên cạnh sự nhất tâm của toàn Ban Trị sự tỉnh trong việc tổ chức, một lòng hướng đến sự thanh tịnh và trang nghiêm. Đó là một thắng duyên rất lớn, nên tôi mong tất cả giới tử ý thức được việc thọ giới của mình rất hệ trọng trong cả một đời xuất trần thượng sĩ, chí thành chí thiết với việc cầu thọ giới pháp nhằm mục đích tu học giác ngộ giải thoát.
Kính tri ân Hòa thượng!
Thực hiện: Trí Định – Ảnh: Quảng Chuyên