Từ thuở tiền nhân xuôi vào phương nam mở cõi Đàng Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh của thế kỷ thứ XVII, nơi đất Gia Định – Biên Hòa xưa có các Tổ đình Giác Lâm, Khải Tường, Huê Nghiêm, Long Thiền, Đại Giác… với bước chân giáo hóa các bậc long tượng như Tổ sư Phật Ý – Linh Nhạc, Tổ Tông – Viên Quang, Tiên Giác – Hải Tịnh…; trải dài đến vùng đất Miền Đông – Bà Rịa thì có các chốn già-lam danh thắng như Sắc tứ Vạn An, Sắc tứ Linh Sơn Bửu Thiền, Tổ đình Long Hòa, chùa Thiên Thai cho đến Đại Tòng Lâm xứ non thiêng Thị Vải này. Những dấu tích vân du hóa độ mở khai đạo tràng tiếp tăng độ chúng của Chư vị tiền bối mang đậm nét cống hiến trọn đời cho đạo pháp và hy sinh mạng sống cho dân tộc như các vị Tổ sư Hải Bình – Bảo Tạng, Hải Hội – Chánh Niệm, Thanh Kế – Huệ Đăng…, trong đó có Hòa thượng đạo hiệu Thích Minh Nguyệt xuất thân từ chốn tổ Thiên Thai. Từ đó, Hòa thượng đã mở ra một chân lý hành đạo mới cho trong thời kỳ đất nước ngập chìm khói lửa chiến tranh, đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp tu đạo, hành đạo của Tăng Ni vùng đất Bà Rịa từ tiền bán thế kỷ XX cho đến ngày hôm nay với hạnh nguyện phụng sự đạo pháp, và tinh thần bảo vệ giang sơn.
PHÁT BIỂU KHAI MẠC
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật;
Nam-mô Tòng Lâm đường thượng, khai sơn Tổ sư, Phó Tăng thống GHPGVN Thống nhất, thượng Thiện hạ Hòa hòa thượng Đại sư, tác đại chứng minh;
Nam-mô Thiên Thai đường thượng, Phó Pháp chủ GHPGVN thượng Minh hạ Nguyệt hòa thượng Đại sư, tác đại chứng minh.
- Kính bạch Đức Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ GHPGVN, đạo hiệu thượng Trí hạ Quảng;
- Kính bạch Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh, Phó Pháp chủ GHPGVN;
- Kính bạch Quý chư Tôn đức Trưởng lão UVTT, UV. HĐCM GHPGVN;
- Kính bạch Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN;
- Kính bạch Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực, Trưởng ban Kiểm soát HĐTS GHPGVN;
- Kính bạch Quý chư Tôn đức Phó Chủ tịch, UVTT, UV. HĐTS GHPGVN;
- Kính bạch chư Tôn đức Ban Chứng minh, UVTT và Thành viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh BR-VT;
- Kính bạch chư Tôn đức đại diện lãnh đạo Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành bạn;
- Kính bạch chư Tôn đức Giới sư Đại giới đàn “Minh Nguyệt”;
- Kính thưa chư Tôn đức Tăng Ni hiện diện;
- Kính thưa quý Giới tử và chư Phật tử thiện tín gần xa.
Hôm nay, Thánh địa Đại Tòng Lâm Phật giáo rựa rỡ cờ hoa giữa lòng đô thị mới Phú Mỹ, ngôi phạm vũ uy nghiêm thanh tịnh này được sự mật thùy gia hộ của mười phương chư Phật, chư Bồ-tát, chư vị Thiện thần hộ pháp hộ giới và Tổ khai sơn nên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung, chư Tăng Ni giới tử hiện diện nói riêng được cung đón chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN; chư Tôn đức Hội đồng Thập sư; chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo các tỉnh thành lân cận thân lâm chứng minh Lễ Khai mạc Đại giới đàn “Minh Nguyệt” PL.2567 – DL. 2023 qua sự thỉnh cầu tha thiết của chúng con, giúp tập thể Tăng Ni Ban Trị sự Phật giáo tỉnh BR-VT chúng con tổ chức Đàn truyền trao giới pháp cho các Giới tử cầu thọ, đắc giới tu học và hành đạo. Thay mặt Ban Tổ chức Đại Giới đàn, chúng con thành tâm đảnh lễ cung nghinh và chúc nguyện chư Tôn đức Giáo phẩm thân tâm thường lạc, đại nguyện viên thành.
Ngưỡng bạch chư Tôn đức,
Kính thưa Quý liệt vị.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh BR-VT nhiệm kỳ 2022 – 2027, triển khai Chương trình hoạt động Phật sự năm 2023 của Ban Trị sự tỉnh nhà, được sự cho phép của Trung ương Giáo hội và cơ quan chức năng tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức Đại Giới đàn năm nay đã phụng thỉnh di ảnh Cố Trưởng lão HT. Thích Minh Nguyệt từ Tổ đình Thiên Thai về tôn trí tại giới trường và định danh tôn hiệu cho Đại Giới đàn.
Từ thuở tiền nhân xuôi vào phương nam mở cõi Đàng Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh của thế kỷ thứ XVII, nơi đất Gia Định – Biên Hòa xưa có các Tổ đình Giác Lâm, Khải Tường, Huê Nghiêm, Long Thiền, Đại Giác… với bước chân giáo hóa các bậc long tượng như Tổ sư Phật Ý – Linh Nhạc, Tổ Tông – Viên Quang, Tiên Giác – Hải Tịnh…; trải dài đến vùng đất Miền Đông – Bà Rịa thì có các chốn già-lam danh thắng như Sắc tứ Vạn An, Sắc tứ Linh Sơn Bửu Thiền, Tổ đình Long Hòa, chùa Thiên Thai cho đến Đại Tòng Lâm xứ non thiêng Thị Vải này. Những dấu tích vân du hóa độ mở khai đạo tràng tiếp tăng độ chúng của Chư vị tiền bối mang đậm nét cống hiến trọn đời cho đạo pháp và hy sinh mạng sống cho dân tộc như các vị Tổ sư Hải Bình – Bảo Tạng, Hải Hội – Chánh Niệm, Thanh Kế – Huệ Đăng…, trong đó có Hòa thượng đạo hiệu Thích Minh Nguyệt xuất thân từ chốn tổ Thiên Thai. Từ đó, Hòa thượng đã mở ra một chân lý hành đạo mới cho trong thời kỳ đất nước ngập chìm khói lửa chiến tranh, đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp tu đạo, hành đạo của Tăng Ni vùng đất Bà Rịa từ tiền bán thế kỷ XX cho đến ngày hôm nay với hạnh nguyện phụng sự đạo pháp, và tinh thần bảo vệ giang sơn.
Cổ đức đã dạy: “Tỳ-ni Tạng trụ, Phật pháp thế thế trường tồn,
Giới luật tinh nghiêm, Tòng lâm thời thời nghiêm tịnh.”
Phật pháp hưng thịnh là nhờ ánh quang minh của giới luật, Giáo hội nghiêm tịnh chính là nhờ Tăng-già luôn gìn giữ Ba-la-đề-mộc-xoa. Hơn 25 thế kỷ đã trôi qua, đạo Phật tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức, đa dạng tông phái cũng đều bắt nguồn từ nền tảng giới luật. Dù Nam truyền hay Bắc truyền, dù Thiền tông hay Tịnh độ, dù Mật bộ hay Kim Cang thừa; dù Hiển giáo hay Mật giáo, dù Tiệm giáo hay Đốn giáo… thảy đều không xa lìa bản thể của giới luật mà hành trì, hành giả mở cửa vô lậu giải thoát thì vẫn không thể xa rời giới, định và tuệ mà được thể nhập chơn như diệu thể.
Trong Luật Nghi có câu: “Nhơn giới sanh định, nhơn định phát huệ, thứ cơ thành tựu Thánh đạo.” Hành giả tu Phật có thọ trì giới thì tâm mới định, tâm định rồi mới phát sanh trí tuệ mới phát sinh; nên biết, giới là căn bản thuận dòng giải thoát, muốn thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay kế thừa Tổ nghiệp của chư vị tiền bối đều bắt đầu từ thềm thang giới luật. Vâng theo di huấn của Đức Thế Tôn, kế thừa sự nghiệp của chư vị liệt Tổ, giữ gìn giềng mối đạo pháp, truyền trì mạng mạch Tăng-già để “tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức”, thì việc khai đàn truyền trao giới pháp cho Tăng Ni chính là phụng mệnh di huấn của đức Từ phụ, là sứ mạng thiêng liêng của Như Lai sứ giả đã và đang thừa hành Phật sự, kế thừa tâm tông.
Vấn đề hành trì và truyền thừa giới luật ở nước ta không được ghi chép đầy đủ như ở Trung Hoa, vị Luật sư gần nhất trong lịch sử là Tổ Pháp Chuyên – Luật Truyền, bổn sư của ngài Toàn Nhật thời Tây Sơn; và gần đây nhất là các vị tiền bối Trưởng lão, uy nghi đỉnh đạc như Hòa thượng Hành Trụ – Hòa thượng Thiện Hòa trong Nam, chư vị Hòa thượng Đôn Hậu – Hòa thượng Trí Thủ ngoài Trung và Hòa thượng Tuệ Tạng – Hòa thượng Bình Minh ngoài Bắc. Các Ngài xứng đáng là bậc long tượng chốn già-lam với đời sống phạm hạnh tinh nghiêm, giới đức ngời chiếu, thân tâm tịnh như băng tuyết, mô phạm trong hành cước hoằng truyền.
Kính bạch chư Tôn đức,
Để khơi nguồn cho sự thành tâm cần cầu giới pháp và phát nguyện thọ trì giới pháp của chư Giới tử gần xa, cúi xin Quý Ngài cho phép chúng con được có đôi lời nhắn nhũ đến toàn thể các Giới tử hiện diện trong Đại Giới đàn “Minh Nguyệt” này.
Kính thưa các huynh đệ!
Quý vị muốn thọ giới pháp trước phải phát Bồ-đề tâm, lập nguyện rộng lớn; có Bồ-đề tâm thì giới ấy mới thành tựu, mất Bồ-đề tâm giới không thể hành trì; và nếu người xuất gia không thành tựu trí tuệ và giải thoát coi như uổng phí một đời tu học. Hôm nay hội đủ duyên lành được gặp Phật pháp, chư Giới tử phải một lòng thành tâm cần cầu giới pháp cao quý của Phật; đã vào Tuyển Phật Trường thì Quý vị phải giữ gìn thân tâm cho thanh tịnh, lắng lòng chuyên nhất mới có thể lãnh thọ được giới pháp, lãnh thọ được giới pháp rồi phải nguyện suốt đời vâng giữ, noi theo đại hạnh đại nguyện của chư Phật, chư vị tiền bối, biến giới pháp thành Thánh thể; nhậm vận châu lưu, nhuần gội trời người, hàm triêm lợi lạc. Có thế mới phần nào đáp đền thâm ơn vô lượng của Đức Phật và chư Tổ, xứng đáng là bậc trượng phu bước chân trên con đường giải thoát.
Trong kinh Đại bát Niết-bàn thuộc Trường bộ kinh, Đức Phật dạy người giữ giới được năm điều lợi ích. Một trong năm điều đó là: “Người giữ giới, sống theo giới luật khi đi vào hội chúng nào, hoặc Sát-đế-lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi, không bối rối.”
Trong kinh Tăng chi, chương Mười một pháp, phẩm Y chỉ, Đức Phật bảo tôn giả A-nan rằng: “Này A-nan, các thiện giới có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc. Không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan. Hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ. Hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an. Khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc. An lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định. Ðịnh có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến. Như vậy, này Ananda, các thiện giới thứ lớp dẫn đến tối thượng”.
Sau khi đại ngộ, Lục tổ Huệ Năng đã nhận ra tất cả vạn pháp chẳng lìa tự tánh, nên đã thốt lên trước ân sư Ngũ tổ Hoằng Nhẫn tại đất Hoàng Mai rằng:
“Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt,
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng lay động,
Đâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp!”
Nếu không tu trì giới thì do đâu được tâm định, tâm không định thì làm sao có thể phát sinh tuệ giác mà thấy được tự tánh hằng thanh tịnh, tự tánh hay sanh vạn pháp.
Thiền sư Lai Quả đã từng giáo chúng rằng: “Một chữ ‘Giới’ phải hành trì mỗi ngày, không được tạm lìa dù một khắc, người xuất gia gìn giữ giới luật mới đảm bảo cho sự hưng thịnh của đạo pháp, khuôn phép nơi cửa thiền, ngược lại người xuất gia không khéo thọ học và hành trì giới luật thì không xứng đáng là Thích tử của Như Lai.”
Giới pháp của Phật vô cùng quý giá, nó được ví như là viên minh châu để thanh lọc thân tâm, như chuỗi báu anh lạc để trang nghiêm pháp thân, như đèn sáng lớn soi sáng đêm tối tăm, như là gương báu sáng chiếu rõ tất cả pháp. Ba đời chư Phật đều tôn kính giới. Giới là nấc thang đầu tiên trên lộ trình tu tập giải thoát giác ngộ, nhân giới sanh định, nhân định mới thành tựu trí tuệ vô lậu. Giới còn được xem là chiếc áo vô tướng thanh tịnh trang nghiêm của người xuất gia tu học chân chính, là thọ mạng của Phật pháp. Người xuất gia tu hành mà xa lìa giới luật thì không thể gọi là người tu hành chân chính và thanh tịnh.
Trong kinh Phạm Võng, đức Phật dạy: “Người trì giới như đi đêm tối được đèn sáng, như người nghèo được của báu, như người bệnh được lành, như người tù được thả, như kẻ đi xa được về nhà. Giới pháp chính là vị thầy sáng suốt không khác gì đức Phật còn ở đời”, chính vì tính chất quan trọng đó mà tất cả các giới tử phải hết lòng tôn kính giới cũng giống như tôn kính đức Phật. Nhờ khởi lòng tôn kính giới mà các giới tử mới đắc giới thanh tịnh. Người muốn thọ trì giới của Phật phải mang ý chí của một Đại trượng phu, một lòng phát nguyện tu tập giải thoát, dù phải trải qua muôn ngàn thử thách chông gai cũng không phai lòng.
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa quý Giới tử.
Giới thể thụy nghiêm, đông tây kim cổ đồng quy ngưỡng
Đàn tràng thanh tịnh, thập phương thiện tín cộng quy y.
Đại Giới đàn Minh Nguyệt được tổ chức ngay trên thánh địa Đại Tòng Lâm này, có thể cung thỉnh được Quý chư Tôn đức giáo phẩm đạo cao đức trọng trong Giáo hội quang lâm chứng minh, gia trì và đăng đàn truyền trao giới pháp cho các giới tử là một pháp hội thù thắng, và là phước duyên rất lớn của tất cả các giới tử đang hiện diện. Từ những ý nghĩa cao cả và quan trọng như đã bộc bạch, Ban Tổ chức chúng con rất mong được đón nhận sự gia tâm hộ niệm của chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội và chư Tôn đức Hội đồng Thập sư truyền giới, với tâm thành chí thiết, thuận chí đồng lòng, thanh tịnh vô tướng trên tinh thần khát vọng, cần cầu và hy vọng tuyệt đối vào năng lực mười phương chư Phật chứng minh, Tam bảo gia hộ và giới đức của Quý chư Tôn đức sẽ giúp cho Đại Giới đàn sẽ thành tựu viên mãn.
Trong giây phút thiêng liêng này, chúng con nghĩ rằng mười phương chư Phật, chư Bồ-tát đang ngự trong hư không để hộ niệm, chư thiên các cõi trời đang dùng thiên hoa để tán thán pháp hội thù thắng Tuyển người làm Phật. Cho phép chúng con thay mặt Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh BR-VT, Ban Kiến đàn xin tuyên bố khai mạc ĐẠI GIỚI ĐÀN MINH NGUYỆT.
Kính chúc chư tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành phước trí nhị nguyên, chánh y song vận, Phật sự viên thành. Cầu chúc cho tất cả giới tử thân tâm an ổn, giới thể châu viên, Bồ-đề tâm kiên cố. Kính nguyện Đại giới đàn “Minh Nguyệt” được thành tựu viên mãn.
Nam-mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma-ha-tát