Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, và in dấu trong trái tim người khác.[1] Quả thật, ở đời có những kẻ còn sống mà như đã chết, mất phương hướng, không mục tiêu, nhạt nhòa lý tưởng, rời rã niềm tin: “chết lúc 25 tuổi, chôn lúc 75 tuổi.”[2] Ngược lại, có những người chết là bắt đầu đi vào cõi sống, bất diệt uy nghi: “người nằm xuống nhưng không bao giờ mất, người ra đi muôn thưở vẫn còn ghi.” Đó là những cái chết nuôi lớn sự sống và giúp sự sống đơm hoa, nên mặc nhiên đã trở thành vĩnh hằng bất tử.
Đại Tòng Lâm ngã bóng dài theo thế kỷ đi qua, từ một mảnh đất bạt ngàn tràm xanh mây trắng tiêu sơ ngày nào, nay đã trở thành trung tâm Phật giáo huy hoàng tráng lệ. Bao lớp người đã qua, hàng ngàn Tăng Ni Sinh được đào tạo từ chiếc nôi Phật giáo này, tuy không thể sánh với các bậc hiền thánh Tăng già từ rừng thiền của Bách Trượng hay đạo tràng của Quy Sơn Linh Hựu nhưng khả dĩ cũng phản ảnh được sức sống tươi xanh của một thế hệ Tăng Ni trẻ nhiệt thành cầu đạo, đồng thời cũng ôm vào lòng cả quá khứ công lao của các bậc thạc đức tiền nhân.
Có dòng sông mênh mông nào mà không bắt nguồn từ cao nguyên heo hút? Có hoa thơm trái ngọt nào lại chẳng bắt đầu bằng những giọt mồ hôi? Đồng khô nắng cháy, sỏi đá nhấp nhô, cỏ tranh và phi lao cao quá tầm nhìn, bóng người guộc gầy thưa thớt chính là ấn tượng Đại Tòng Lâm trong tôi của 30 năm về trước. Thế nhưng, trong cái khí vị mặn mòi, khô khốc của nắng núi gió biển ấy, Đại Tòng Lâm thân thiện hiền hòa luôn làm ấm lòng bao kẻ ở người đi.
Bỏ lại những lo toan tất tả đời thường bên này cầu Ly Trần, thả muộn phiền tan theo dòng nước bạc của hồ Tịnh Liên, khách thập phương sẽ thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng thư thái; trải hết con dốc dài sẽ thấy ngay pho tượng Phật trắng tĩnh tọa an nhiên dưới cội bồ đề, sau lưng ngài là hai hàng tràm thẳng tắp uy nghiêm khiến kẻ dừng chân luôn được cộng hưởng nguồn từ trường tươi mát, bình an và vững chải.
Tôi đến với vùng đất thiêng từ những năm tháng điêu linh, lạc loài của đời tu sĩ buổi giao thời. Đại Tòng Lâm đã mở rộng vòng tay đón chào những bước chân bơ vơ lạc lõng, những hình hài hao gầy, những ánh mắt se sắt, cô liêu. Lần đầu đặt chân đến nơi này, ngồi dưới thềm pho tượng Phật trắng, nghe làn gió thổi mát rượi chạy dài trên những đồng lúa xanh tươi mơn mởn và trăng sáng vằng vặc ở đầu non nhuộm ướt cả núi rừng bao la lộng gió trong thứ ánh sáng sóng sánh nhiệm mầu, tôi nghe lòng tràn ngập niềm hân hoan sung sướng: “ôi! ở đây thật thích quá! mình sẽ không đi đâu nữa!” tôi đâu hay lời reo vui trẻ con năm nào đã kết thành mối duyên tình sâu đậm giữa mình với vùng đất thánh.
Tôi lớn lên như cây cỏ giữa đại ngàn, đời tu sĩ khi ấy lấy hai món sắn, rau làm “thập toàn đại bổ”! Nhưng nghĩa đất tình người đã nuôi chúng tôi khôn lớn, đã trả lại chúng tôi tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo sớm đã rã rời rúm ró từ những năm tháng hoang phế hắt hiu nơi miền phố thị.
Thưở ấy, đất mênh mông và lòng người thênh thang. Thưở ấy, gió núi lộng bạt ngàn thông thống tự do, không e dè, ngăn trở. Cảnh vật hoang sơ mà hùng vĩ, người tuy thưa thớt mà ấm chật nghĩa tình và tràn đầy hùng tâm tráng khí. Mưa gió tơi bời nhưng vẫn giữ được mái am tranh, bao loài động vật ngổn ngang trên lối mà cực kỳ hiền lành, vô hại.
Chính từ một Đại Tòng Lâm như thế tôi đã lớn lên, chính từ một Đại Tòng Lâm như thế tôi đã trưởng thành, và cũng chính tại nơi đây tôi đã trở về! Bao lần ra đi, bao lần trở lại, trọn một vòng tròn, đến hôm nay, tròn trịa 30 năm (1984 -2014), tôi lại ngồi bên góc thềm xưa, viết về mảnh đất thấm đậm nghĩa tình đã nuôi mình khôn lớn.
Năm tháng đi qua, Đại Tòng Lâm với cây cao bóng cả, thoáng mát rộng rãi đã trở thành nơi lý tưởng cho mỗi kỳ “tuyển người làm Phật”. Đại Tòng Lâm qua bảy lần Đại Giới Đàn, đồng hành cùng bảy khóa Trung Cấp, năm lớp Cao Đẳng Phật học đã khẳng định những bước đi vững vàng, đúng hướng. Ý thức về sự tồn vong của Phật pháp luôn được thắp sáng trong cộng đồng Tăng lữ nơi đây. Kết quả hôm nay lấp lánh niềm vinh quang của chánh pháp và thấm mặn những giọt mồ hôi nước mắt của bao người.
Từ tổ khai sơn thượng Thiện hạ Hòa đến Hòa Thượng Thích Quảng Hiển kiến lập đạo tràng, khẩn hoang phá thạch, công đức bất khả tư nghì, không sao kể xiết. Đặc biệt, Ni Trưởng viện chủ Ni Viện Thiện Hòa lòng như đại hải, bảo bọc, giáo dưỡng hàng ngàn Ni sinh đến từ khắp mọi miền đất nước. Dõi mắt trông vời núi đồi Thị Vải, tôi như thấy lại cả khung trời hội cũ, trong mây bay, gió thoảng, hình bóng các bậc ân sư, các Hòa Thượng Giới sư, Tuyên Luật Sư đã lưu dấu một thời hiển hiện rõ ràng, từ Hòa Thượng Thích Trí Tịnh đức độ cao vời, đạo lực phi phàm, HT. Thích Thiện Siêu với kho tàng Phật pháp trác việt thâm u, HT. Thích Trí Nghiêm, HT. Thích Đổng Minh trang nghiêm tịnh giới, HT. Thích Đồng Huy với tâm bi mẫn và hạnh khiêm hạ sáng ngời, HT. Thích Minh Hạnh, HT. Thích Minh Thành chân chất nghĩa tình, khiêm cung bình dị, TT. Thích Minh Phát từ ái bao dung như mẹ hiền chăm con dại, dấm dúi cho chúng tôi từng trái bí, trái bầu, từng món ăn, cái bánh; Ni trưởng Thích Nữ Như Chí, NT. Thích Nữ Thanh Lương, NT. Thích Nữ Giác Ngọc… cùng các bậc Giới Sư Ni đạo cao đức trọng, hiền hòa khả kính, lòng từ mẫu bao la như đại địa, chắt chiu, nuôi lớn con thơ bằng cơm thiền sữa pháp ngọt ngào… Bao tấm lòng vì đạo rộng lớn, hết lòng trong sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, truyền đăng tục diệm. Quả thật, nếu không có các bậc tiền nhân, thạc đức, thì làm sao có được khuôn mặt tươi hồng của Đại Tòng Lâm Phật giáo hôm nay?
Khai sơn tạo tự, kiến lập đạo tràng, tiếp tăng độ chúng, truyền trao giới pháp là tất cả những gì mà các bậc ân sư đã hy sinh trọn đời để thực hiện. Hàng hậu học chúng ta hôm nay, với lòng kiên thệ quyết tâm, phải giữ gìn, phát huy hoài bão của tiền nhân, và thiết thực hơn, là kiến tạo già lam Phật địa trong tự thân, có như thế mới tiếp nối được di chí của người xưa và không cô phụ chí nguyện xuất trần của chính mình.
Bao năm tha phương cầu học, gió cát võ vàng hằn lên dấu vết thời gian, hôm nay, tôi về với Đại Tòng Lâm không phải với ánh mắt ngây ngô thời trẻ dại, cũng không phải giữa giọt mưa sợi nắng vô chừng của tuổi trẻ thờ ơ, mà với bước chân trầm tĩnh an nhiên và nguyên vẹn trái tim ban sơ đầy ắp lòng biết ơn vùng đất thiêng đã cho tôi một khoảng trời, để từ đó, tôi có cả một cuộc đời!
Sông chảy đò trôi, “thương hải tang điền”, Đại Tòng Lâm đã theo quy luật vô thường biến thiên qua từng sát na sanh diệt.
“Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.”[3]
Dòng nước dưới chân cầu Ly Trần vẫn chảy như tự ngàn xưa, dù không còn trong xanh mà xám trắng hoài niệm một thời. Từ lâu đã vắng tiếng xao xác của rừng tràm xanh ngát, hơi gió mát chật đầy thổi qua những mái am tranh, còn chăng chỉ có ánh trăng nguyên sơ của vô tận rằm xưa vẫn sáng lung linh, trải dài bàng bạc trên núi đồi Thị Vải.
Ba mươi năm với cuộc tồn sinh hữu hạn thật chẳng phải là ngắn, nhưng với số kiếp a-tăng-kỳ điêu linh nơi ba cõi sáu đường thì đâu thể gọi là dài! Phù sinh một thoáng! Bao lớp người đến và đi, nhiều trong số đó nay đã thành người thiên cổ!
Ai người trước đã qua
Ai người sau sẽ tới….[4]
Thế hệ hôm nay luôn biết trân trọng công lao của người trước và ý thức rất rõ từng chiếc lá, hạt bụi nơi này đều thấm mặn mồ hôi nước mắt hy sinh của các bậc ân sư tiền bối. Năm tháng đi qua, trang sử hành trạng của các ngài vẫn sáng ngời vẹn nguyên trên từng cội cây, sắc nắng.
Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm hôm nay đủ sức dung chứa trọn mấy mươi ngàn người trong những kỳ lễ hội, mái trường xưa giờ đã thành huyết mạch đem Phật pháp đến bao thế hệ Tăng Ni trẻ khắp nơi. Đường xá hôm nay tráng nhựa thênh thang, cảnh trí phong quang, các Thiền Viện, Tự Viện trang nghiêm, huy hoàng điện vũ.
“Tuổi trẻ chân chính nào lại không là tuổi trẻ của ước mơ và hành động? Phải móc đời mình lên những vì sao sáng nhất, đừng để thì giờ úa nhàu, tan tác, điêu linh … Sức mạnh tuyệt vời của ý chí hướng thượng là tinh tấn, là siêng năng vô hạn và khát khao lên đường. Hãy lấy tinh tấn làm lời kiên thệ cho tuổi trẻ … hãy tự thu xếp để sự tu học của đời mình ăn khớp với khuôn thước chói sáng bao đời của Đại Tòng Lâm quá khứ và hôm nay…”[5] Lời người Thầy năm xưa vẫn còn hào hùng vang vọng bên tai! Rất nhiều những người học trò từng theo học và những giới tử từng thọ pháp nơi này giờ đã trở thành bậc pháp khí chốn tòng lâm, là những cánh chim đầu đàn ở khắp năm châu bốn biển. Tất cả đều nhờ từ lực của vùng đất thiêng và công lao giáo dưỡng của các bậc tổ đức, ân sư; Và mảnh đất Đại Tòng Lâm thân yêu, vì thế, chính là chiếc nôi nở ra ngàn cánh hoa trí tuệ.
“Tràng giang sóng sau dồn sóng trước,” dòng người sau có tiếp nối không ngừng, thì mạng mạch Phật pháp nhờ đó mới trường lưu bất diệt. Nếu giữ mãi một lối mòn hiu hắt, thì e rằng sự sống phải rong rêu! Chiếc lá có đủ xanh thì chim non mới vút cao tiếng hót! Cỏ cây cũng biết trao ra niềm khát vọng, ta lẽ nào mòn vẹt với tháng năm?!
Ngưỡng vọng các bậc Tổ đức, Thượng nhân!
Vẫn biết, “điều thiêng liêng không nằm trong ngôn ngữ, vượt lên trên mỗi khoảnh khắc ta bà” tất cả các pháp hữu vi như bèo bọt sương mai, ba mươi năm chỉ một giấc mộng dài, ngôn ngữ trầm phù không thể nào tái hiện đường nét tinh khôi của sự sống, lại chẳng thể thấu tận tâm can nỗi niềm tri ngộ, mà hành trạng của các tổ sư, tôn túc thì như “nhạn quá trường không”; Vả chăng, niệm ân đáp nghĩa là phần việc của trái tim, của hành động hơn là lời nói; nhưng ngẫm rằng, bụi thời gian tuy không xóa mờ ân thâm nghĩa trọng cùng giọt mồ hôi nước mắt hy sinh, nhưng lớp người hậu học lạ lẫm đến đây, nghe chuyện nơi này chỉ mới 30 năm qua mà đã ngơ ngác cười là cổ tích, thì liệu chuyện trăm năm trước hay xa hơn thế nữa chẳng phải đã trở thành hoang đường, huyền thoại hay sao? Huống chi, lòng người về sau lắm nỗi ơ thờ, nhạt nhẽo… Vậy nên, chẳng ngại một lần làm kẻ “thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”[6], nhắc lại cảnh cũ người xưa, gởi trọn tấm lòng cảm bội niệm ân sâu sắc và cũng để nung rèn ý chí người nay.
Mong sao các thế hệ mai sau luôn thắp sáng ý thức để thẩm thấu rằng: Trong thế giới Duyên khởi trùng trùng, dấu chân nào rồi cũng sẽ có ngày hội ngộ. Nơi biển Tánh Tỳ Lô sâu thẳm, hạt cát nào cũng thể hiện pháp thân! Sống chậm và sâu rồi sẽ biết:
Thấy Vũ trụ trong một Hạt cát,
Thấy Bầu trời trong một Cánh hoa.
Giữ Vô cùng trong lòng tay nhỏ,
Và Thiên thu trong khoảnh khắc Vô Thường.[7]
Tin rằng, ai đến với Đại Tòng Lâm một lần, sống với Đại Tòng Lâm một thời, thì có thể sẽ thay đổi cả một đời!
Thích Nữ Như Bảo – Ni Viện Thiện Hòa, Hạ 2014
[1] Xukhômlinski
[2] Benjamin Franklin
[3] Thơ Trần Tế Xương
[4] Thơ Trần Tử Ngang
[5] Trích “Diễn văn Khai mạc Lễ Tổng Kết, Phát Thưởng của Trường CBPH Đại Tòng Lâm (1991).”
[6] Thơ Tuệ Sỹ
[7] Thơ William Blake:
To see a World in a Grain of Sand
And a Heaven in a Wild Flower,
Hold Infinity in the palm of your hand
And Eternity in an hour.