Khai đạo là mở con đường, dọn con đường, trang trí con đường, hướng dẫn con đường. Đây là con đường đi đến tòa nhà Bồ Tát, tòa nhà Tỳ Kheo, tòa nhà Tỳ Kheo ni, tòa nhà Thức Xoa-ma-na, tòa nhà Sa-di, tòa nhà Sa-di-ni và tòa nhà Thập thiện.
Sám hối Này các Giới tử! Đây là con đường thuộc thế giới tâm linh chứ không phải là con đường mà chúng ta đi hằng ngày. Trong kinh, Phật dạy: “Con đường tâm linh được ví dụ như mặt đất, như cái bình đựng nước”.
Trên mặt đất tâm linh của chúng ta, từ bao nhiêu đời, từ bao nhiêu kiếp, chúng ta đã để nó mặc tình mọc bao nhiêu thứ cây tạp, cây vô dụng, lắm khi lại còn có cây độc hại nữa, chứ ít khi có được cây hữu dụng.
Nay, ý thức sáng tỏ vấn đề này, chúng ta phải trồng toàn là thứ cây hữu dụng trên mảnh đất tâm linh của mình. Để thực hiện được công việc quan trọng này, điều trước hết, chúng ta phải dọn dẹp tất cả những thứ cây vô dụng, nhất là thứ cây độc hại. Kế đến, chúng ta sửa sang lại mặt đất cho bằng phẳng, rồi mới trồng những cây hữu dụng, theo ý muốn của mình.
Trong kinh ví dụ tâm linh chúng ta: “Như cái bình đựng một thứ nước gì đó đã trải qua bao năm tháng mà nó không được bảo vệ, không được đậy nút nên chiếc bình bị dơ nhớp vì bụi đất bay vào bên trong bình”.
Nay, muốn dùng chiếc bình ấy đựng nước trong sạch mát mẻ để uống thì dĩ nhiên chúng ta phải lau chùi và súc sạch nước nhơ nhớp trong bình, rồi mới đựng thứ nước sạch vào bình được.
Như vậy, phần đầu của vấn đề để khai đạo là chỉ cho quý vị phương pháp sám hối tội về quá khứ do thân khẩu và ý mà quý vị đã tạo nên. Quý vị đọc theo tôi từng câu một theo bài sám hối dưới đây:
“Ngã tích sở tạo chư ác nghiệp
Giai do vô thủy tham sân si.
Tùng thân khẩu ý chi sở sinh,
Nhất thiết ngã kim giai sám hối”
Nam mô cầu sám hối Bồ Tát Ma ha tát. (3 lần)
Yếu tố đắc giới Này các Giới tử! Bây giờ, nói đến phần thứ hai của vấn đề khai đạo. Phần hai của vấn đề khai đạo là nói đến bản chất của bảy ngôi nhà, từ ngôi nhà Bồ Tát đến Thập Thiện. Bảy ngôi nhà này, cao, thấp, rộng hẹp, lớn nhỏ khác nhau, không cái nào giống cái nào. Về hình thức thì không giống nhau, nhưng về bản chất thì vẫn là một.
Trong bảy ngôi nhà này thì không ngôi nhà nào không dùng đến ngói, gạch, xi măng, vôi, cát, gỗ, v.v… Ngôi nhà có được bền chắc hay không là do vật liệu và phần hành kiến trúc cùng thi công. Ở đây, những yếu tố này là chỉ cho lòng thành tha thiết cầu giới của chúng ta có đúng pháp đúng luật, đúng lời Phật dạy hay không.
Vấn đề như pháp, như luật, như lời Phật dạy là một vấn đề mênh mong đại hải, nay chúng ta chỉ dựa vào câu ở phần đầu của bài sám Hồng danh để vận dụng lòng mình cho đúng cách. Câu đó có nghĩa là: “Hôm nay chúng con phát tâm thọ giới, không vì mình mà cầu được quả báu cõi Trời hay cõi người, cho đến quả vị Thanh văn, duyên giác hay các bậc quyền thừa Bồ Tát mà chúng con chỉ cầu bậc Tối thượng thừa là phát tâm Bồ Đề, nguyện pháp giới chúng sinh cùng một lúc với chúng con được quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề (là quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác).
Để ghi nhớ lời phát nguyện sắc son này quý vị hãy đọc theo lời tôi phát nguyện trên bằng chữ hán ba lần: “Ngã kim phát tâm, bất vị tự cầu nhân thiên phước báu, Thanh văn Duyên giác, nãi chí quyền thừa chư vị Bồ Tát, duy y tối thượng thừa, phát Bồ Đề tâm, nguyện giữ pháp giới chúng sinh, nhất thời đồng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”.
Giá trị của giới Này các Giới tử! Phần thứ ba của khai đạo là nói về giá trị của việc thọ giới. Giới đàn được gọi là trường tuyển người làm Phật (Tuyển Phật trường). Sự hữu ích của một ngôi nhà là ngăn chặn mưa gió, ngăn chặn sức nóng của mặt trời, ngăn chặn mồng muỗi và ác thú v.v… Cũng thế, ngôi nhà của giới là “Phòng phi chỉ ác” nghĩa là đề phòng điều sai trái, ngăn chặn việc tội lỗi. Cho nên, trong kinh Phạm Võng có câu: “Chúng sinh thọ Phật giới tức nhập chư Phật vị” là ai nấy nhận giới của Phật là bước vào địa vị chư Phật. Trong kinh, Phật dạy: “Duy tuệ thị nghiệp”, nghĩa là chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp của chúng ta. Tuệ có là do Định. Định có là nhờ Giới. Giới là hàng rào ngăn gió để sóng lòng chúng ta khỏi nổi dậy. Sóng lòng ở đây chỉ cho vọng niệm, là chỉ cho ái nhiễm, là chỉ cho vô minh. Giới là phao nổi qua biển khổ. Giới là chuỗi ngọc anh lạc trang nghiêm pháp thân. Giới là đèn sáng phá mê mờ. Giới là mạng sống của Tăng già. Như vậy, nếu Tăng già mà không có giới thì Tăng già đó khác gì xác chết chưa chôn (mà thôi). Tăng già có giới là nhân tố chính làm cho đạo pháp tồn tại mãi trên thế gian, lợi lạc hữu tình.
Bảo vệ giới Này Giới tử! Phần thứ tư của khai đạo là nói cách bảo vệ giới. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng quý vị đến với Tam Bảo là bởi tất cả hảo tâm chứ không vì một lí do nào khác. Hảo tâm có nghĩa là tự nguyện cầu giải thoát, chứ không bị ai bắt buộc.
Thọ giới có nghĩa là trồng cây giới. Giới được dụ như cây. Cây giới là loại cây hữu ích cho mình, cho người, cho đời này và cho đời sau. Như phần đầu đã nói, trên khoảng đất lòng, đã được dẹp dọn xong loại cây vô ích và ban đất cho bằng rồi, chúng ta mới trồng cây hữu ích vào. Trồng cây có khó nhưng không khó bằng chăm sóc, bón phân tưới nước, bắt sâu, cho đến ngày nó đơm bông kết trái. Hoa trái đây là quả giải thoát, là cái đích mà chúng ta mong có ngày đạt đến. Như vậy, chúng ta thọ giới rồi, phải thọ trì giới, phải bảo vệ giới. Bảo vệ giới là chúng ta phải tránh xa ngũ dục lạc. Chúng ta mặc chiếc áo giải thoát, là chúng ta từ khước ngũ dục lạc. Ngũ dục là bóng tối triền miên, là nơi tạo ra nhiều tội lỗi, là chỗ trồng giống lưu hậu. Để phá tan bóng tối, để tránh xa tội lỗi, để khỏi trồng giống hữu lậu, hằng ngày chúng ta phải đối diện với ánh sáng, ánh sáng đó là Tam Bảo. Nghĩa là chúng ta phải lễ bái, thọ trì, đọc tụng, thiền quán, gần gũi chư Tăng chân chính. Chúng ta đừng có thái độ khi thái quá, khi bất cập. Chúng ta luôn luôn bảo vệ “Sơ tâm”. Sơ tâm là cái tâm ban đầu chúng ta đến với đạo. Trong kinh dạy: “Sơ phát tâm, tiện giữ Phật tề” nghĩa là cái tâm ban đầu mới phát của chúng ta là ngang bằng với tâm của các đức Phật. Chúng ta đừng tu theo kiểu: “Nhất niên Phật tại tiền nhị niên Phật thăng thiên, tam niêm bất kiến Phật”. Nghĩa là năm thứ nhất thấy việc thành Phật xảy ra trước mắt, năm thứ hai việc đó ở Tây thiên, năm thứ ba không còn thấy việc thành Phật nữa.
Niềm an ủi cao thượng Này Giới tử! Phần cuối của mục khai đạo là nói đến niềm an ủi cao thượng mà đức Thế tôn dành cho tất cả những ai là người thọ giới và giữ giới. Thưa quý vị, khi đức Thế tôn loan tin mình sắp Niết bàn thì hàng đệ tử lậu đã tận coi đây là một hiện tượng hết sức bình thường. Trái lại, hàng đệ tử chưa được lậu tận, nghĩa là chưa hết lậu hoặc thì buồn than khóc kể. Nhất là tôn giả A-nan như chúng ta biết. Trước trạng huống này, đức Phật dạy một câu độc đáo và cũng là một niềm khích lệ lớn lao đối với chúng ta. Câu đó như sau: “Ngã bất diệt độ, bán nguyệt nhất lai”. Câu này nghĩa là: Ngài không đi đâu cả, cứ mỗi nửa tháng, Ngài gặp lại chúng ta một lần. Vậy, Ngài gặp lại chúng ta vào ngày nào? đức Thế tôn gặp lại chúng ta vào ngày trưởng tịnh. Tức là ngày Bố Tát. Tại sao Ngài lại gặp chúng ta vào ngày đó? Ngày đó là ngày chúng ta thanh tịnh Bố Tát theo luật quy định, trước khi Bố Tát, phải kiểm điểm xem trong nữa tháng vừa qua thân khẩu ý chúng ta đã nghĩ điều gì, đã nói điều gì, đã làm điều gì sai trái thì chúng ta đã phải ăn năn sám hối như pháp. Do đó, trong khi Bố Tát là chúng ta đang thanh tịnh. Đức Phật thanh tịnh, chúng ta thanh tịnh, Đức Phật trong sáng, chúng ta trong sáng, hai bên đều thanh tịnh, đều trong sáng thì quán chiếu lẫn nhau, hòa hợp với nhau là điều dĩ nhiên, cho nên Đức Phật dạy: “Ngài không đi đâu cả mà nửa tháng Ngài gặp chúng tôi lại một lần” là nghĩa đó.
Vậy, chúng ta ứng dụng lời dạy trên của Đức Phật vào quán chiếu tu tỉnh của mình như thế nào cho đạt kết quả? Theo kinh nghiệm bản thân, chúng tôi xin nói nôm na như sau: Khi đang Bố Tát chúng tôi nghĩ: “Hạnh phúc thay, đời mạt pháp mà mình được gặp Đức Phật như thế này”. Cách một ngày nếu thân khẩu ý của chúng tôi có làm, có nói, và có suy nghĩ điều gì sai trái, chúng tôi liền nghĩ: “Mình mới gặp đức Phật hôm qua đây mà nay mình làm, mình nói, mình nghĩ như thế này, thật là sai trái. Đây là điều đáng xấu hổ”. Ngày thứ hai, ngày thứ ba cho đến ngày thứ tám, nếu chúng tôi có làm có nói và có suy nghĩ điều gì sai trái thì đều khởi ý nghĩ ý như thế. Nếu đến ngày thứ chín trở đi mà chúng tôi có làm, có nói, có nghĩ điều gì sai trái thì chúng tôi lại nghĩ: “Còn bảy ngày nữa mình gặp Phật mà nay mình làm, mình nói, mình nghĩ như thế này là không nên, và nếu không khéo thì mình sẽ không được gặp Phật. Đây là điều đáng xấu hổ”. Ngày thứ mười đến ngày thứ mười bốn, chúng tôi có làm, có nói, có suy nghĩ điều gì sai trái thì đều khởi lên ý nghĩ như thế. Tám ngày trước thì tăng theo thứ tự của thời gian để suy nghĩ, bảy ngày sau cũng giảm theo thứ tự thời gian để suy nghĩ. Hết nửa tháng này đến nửa tháng khác, chúng tôi tiếp tục áp dụng lời Đức Phật dạy đó vào đời sống thực tiễn như trên suốt 50 năm từ khi chúng tôi thọ Đại giới đến nay.
Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng những gì mình làm tốt hay xấu thì Đức Phật đều biết và mọi người cũng đều biết. Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, kinh Bồ Tát giới nói: “Bố tâm nan sinh, thiện tâm nan phát”.
Chiếc áo tàm quý là chiếc áo hai da, mùa lạnh mặc vào nó ấm, mùa nóng mặc vào nó mát, vậy chúng ta nên luôn luôn nhớ mặc chiếc áo tàm quý vào.
Đức Phật dạy: “Người nào mặc áo tàm quý, người ấy chắc chắn sẽ đến Niết-bàn”
Trong kinh Pháp cú, Phật dạy:
“Lành thay người biết tự phòng hộ thân
Lành thay người biết tự phòng hộ miệng
Và lành thay người biết tự phòng hộ ý”
Người Phật tử là người biết phòng hộ tất cả. Có như vậy mới xứng đáng như trong kinh Bồ-tát-giới nói: “Chúng sinh thọ Phật giới tức nhập chư Phật vị”.
Tôi tin chắc chắn rằng Đại Giới đàn này lấy pháp hiệu của một vị cao Tăng phạm hạnh thanh tịnh để đặt tên và mở tại linh địa Đại Tòng Lâm này thì giác linh của Hòa thượng sẽ gia hộ quý vị, nếu quý vị tha thiết cầu giới và tinh tấn tu hành.
Để kết thúc mục khai đạo, chúng ta hãy tụng “Tứ hoằng thệ nguyện” và lời thệ của tôn giả A-nan. Sau khi đọc lời thệ của tôn giả A-nan xong, quý vị ngồi yên tại chỗ, tôi sẽ hướng dẫn “Binh thơ đồ trận phòng ngừa” cho quý vị.
“Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
Lời thệ của tôn giả A-Nan, Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong, thướcca- ra tâm vô động chuyển. (Dù trời long đất lỡ đi nữa chứ lòng Bồ đề của chúng ta không bao giờ lây chuyển).
Các vị Giới tử! Đây là vấn đề phòng ngừa nên tôi đặt nó ra ngoài mục khai đạo. Như quý vị biết, Tăng sĩ là chiến sĩ ra trận 24/24 suốt cuộc đời của mình. Chúng ta đối đầu với quân ma phiền não, với thời gian dài như thế, khó có thể chiến thắng từ trận này đến trận khác, mà có thể một trường hợp nào đó, chúng ta bị bại trận. Trong trường hợp bị bại trận đó, chúng ta cần phải tương kế tựu kế, hay thay đổi chiến thuật chiến lượt như thế nào để rồi chúng ta có thể phản công lại quân phiền não.
Thưa quý vị! Vấn đề bại trận này, chính Đức Phật đã dự liệu trước, nên trong luật quy định, một vị Tỳ Kheo (chứ không phải Tỳ Kheo Ni) được vô ra ba lần.
Vậy, nếu quý vị nào rủi ro bị bại trận, cần tương kế tựu kế hay thay đổi chiến thuật chiến lượt như thế nào cho đúng pháp đúng luật đúng lời Phật dạy, thì xin quý vị hãy xem Luật Nhiếp đã được Ngài Luật sư Trí Húc rút ra, ghi trong bộ Trùng Trị, nơi phần cuối của quyển thứ 11. Tóm lại là quý vị phải xả giới trước khi hoàn tục. Nếu quý vị không xả giới thì sau này không thọ giới lại được.
Tôi hướng dẫn vấn đề phòng ngừa này là vì mấy năm gần đây có một số quý vị trước đây bị bại trận nay muốn xuất gia thọ giới lại mà vì khi di tản chiến thuật không đúng Pháp, đúng Luật, đúng lời Phật dạy, nên đành không thể xuất gia thọ giới lại được. Tôi đặc biệt lưu ý quý vị điều này và cầu chúc quý vị đừng bao giờ để mình bị chiến bại.
(Khai đạo của Hòa thượng Thích Đổng Minh, Tuyên Luật sư)