Khi đức Phật lập giáo, các Tỳ-kheo thanh tịnh chỉ cần thọ tam quy liền được thanh tịnh, như Ngài Xá Lợi Phất chỉ nhờ thấy Phật, nghe bài kệ mà đắc A La Hán. Về sau chúng Tăng theo Phật xuất gia ngày càng đông, bấy giờ hạng thượng căn thì ít, nhưng trung và hạ thì nhiều, vì hạng trung và hạ không nhận được Phật tâm, không thấy dược Phật tánh, nên bấy giờ đức Thế tôn mới đặt ra giới tướng cho các Tỳ-kheo.
Nếu một Tỳ-kheo tâm thanh tịnh, tướng thanh tịnh, tâm và tướng tương ứng với nhau, xứng đáng cho nhơn thiên cúng dường. Cho nên vua Tống Nhân Tông khi nghĩ đến các Tỳ-kheo có làm bài phú như sau:
“Phù thế gian tối quý giả, bất như xả tục xuất gia
Nhược đắc vị Tăng, tiện thọ nhân thiên cúng dường
Tác Như Lai chi đệ tử, dữ Hiền Thánh cho tôn nhân
Sanh tiền vi thiên nhơn chi Sư, một hậu định quy ư Thánh quả”.
Đó là ý nghĩa của một vị Tỳ- kheo thanh tịnh. Một Tỳ-kheo thanh tịnh trên đời này không có gì quý bằng nên gọi là tối quý giả, xả tục xuất gia, tâm hành dị tục… xứng đáng là đệ tử đức Thế tôn, là bạn Hiền Thánh, đệ tử các Bồ Tát là bậc đáng tôn dáng quý trên đời. Chúng ta hiện nay là hạng trung và hạ căn, nghiệp chướng và trần lao luôn luôn bao vây ta, bên ngoài mang hình tướng Tăng già nhưng thực chất bên trong không xứng đáng, nên Ngài Tuyên Luật Sư đặt thể lệ truyền giới nhằm mục tiêu tạo giới đàn thanh tịnh, để đúng như Pháp truyền trao và lãnh thọ giới pháp, xứng đáng làm đệ tử Phật.
Đúng như pháp truyền trao và lãnh thọ là như thế nào? Tức nói tư cách của người truyền trao và lãnh thọ. Trước hết là tư cách của người lãnh thọ. Người thọ giới Tỳ-kheo nhưng không được mọi người kính trọng là do ba nghiệp thân khẩu ý không được thanh tịnh, sống không được cung kính, chết bị đọa, không biết bao giờ mới ra được. Nay quý vị đầy đủ nhân duyên về giới đàn Thiện Hòa này lãnh thọ giới pháp, tôi được mời làm Tuyên Luật Sư nói những việc cần thiết cho người thọ giới và truyền giới.
Khi tôi thọ Cụ Túc giới, Hòa thượng Thiện Hòa có dạy trước khi thọ giới phải có ba tháng sám hối tội căn, ba tháng an cư chuyên lạy sám hối cho ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh mới lãnh thọ giới pháp đức Như Lai, nếu không ví như vật quý đem bỏ vào một bình ô uế, thì vật đó sẽ không đáng giá, sẽ không đáng quý. Giáo pháp Như Lai vô thượng, nếu trao cho vị Tỳ-kheo không thanh tịnh thì vô cùng đáng tiếc. Nên tôi siêng năng ngày đêm sáu thời lễ xám. Lễ sám đến khi thanh tịnh mới lãnh thọ giới pháp Như Lai. Nhưng làm sao để biết là thanh tịnh?
Ngài Thiên Thai Đại Sư dạy chúng ta lạy sám cho đến khi nào thấy được hảo tướng lúc đó mới thanh tịnh (tức ta nhiếp tâm niệm Phật, lạy Phật bất cứ đâu và bất cứ lúc nào kể cả trong chiêm bao cũng thấy Phật). Thấy được hảo tướng, tâm ta tương giao với Phật, Phật lực gia bị cho ta, tâm ta thanh tịnh trở thành Phật tâm. Khi tâm trở thành Phật tâm, tướng Tỳ-kheo hiện ra. Một vị Tỳ-kheo có tướng hảo kỳ diệu, khi đi từ xa đã thấy hảo rồi, nên Tống Nhân Tông nói “Tối quý giả” là bậc tôn quý trên đời này hơn cả vua chúa. Do vì trong lòng ta có Phật nên hiện tướng giải thoát, mọi người nhìn ta sanh tâm kính trọng, còn những Tỳ-kheo nào chưa thanh tịnh, chỉ có giới tướng, mọi người nhìn ta không kính trọng, ta khởi niệm ác vì sao kính Tỳ-kheo kia mà không kính ta, đó là niệm ác. Giới tử phải suy nghĩ tránh thành một ác Tỳ-kheo đầy những tham sân si, không thấy được chân lý, không thấy sự thật cuộc đời.
Kế đó người nào có được diễm phúc thấy Tỳ-kheo như thấy Phật nên họ cũng được thanh tịnh. Vị Tỳ-kheo thanh tịnh khi du hóa chỗ nào, chỗ đó cũng trở thành thanh tịnh. Ngược lại mọi người nhìn thấy ta mà họ không an lành là biết rằng mình chưa thanh tịnh, nên phải nổ lực lạy sám hối thêm. Lúc đó ta thọ giơi chắc chắn được đắc giới.
Sau đó là tư cách của vị giới sư. Trước khi mở đàn truyền giới Ngài Tuyên Luật Sư dạy phải tìm những vị Tỳ-kheo thanh tịnh mà thỉnh về làm giới sư vì thập sư vô cùng quan trọng. Đó là các thanh tịnh Tỳ-kheo đứng ra thay Phật, thay Hiền Thánh mà tác chứng cho các tân Tỳ-kheo thọ giới. Nên Ban Kiến Đàn phải chọn cho được các vị về làm giới sư. Và trong ba tháng các vị giới sư cũng chuyên tâm giới luật bằng cách chuyên đọc giới bổn, sống với giới bổn. Ta thấy giới sư như thấy Tỳ Ni Tạng vì nó là biểu tượng để các giới tử nhìn lên mà phát tâm theo vị giới sư.
Giới sư thanh tịnh, giới tử thanh tịnh thì giới pháp mới truyền trao được. Nếu giới tử thanh tịnh mà giới sư không thanh tịnh thì sao? Ngài Tuyên Luật Sư nói, nếu giới tử thanh tịnh mà giới sư không thanh tịnh mà giới tử không sanh tâm nghi ngờ thì cũng đắc giới. Cho nên giới tử thanh tịnh và không nghi ắt sẽ đắc giới, còn nếu giới tử không thanh tịnh, tâm nghi sanh ra, sẽ không lãnh thọ giới pháp được.
Cho nên tôi nhắc nhở giới tử tâm phải thanh tịnh, không nghi. Sau khi thọ giới rồi, cần phải trau dồi, giữ gìn giới pháp thì giới mới tròn sáng, tâm mới thanh tịnh, thân mới trang nghiêm. Đây là việc quan trọng của người lãnh thọ giới pháp.
Khi ta lãnh thọ giới pháp nó có công năng tẩy rửa tâm phàm thành thánh và từng bước chuyển qua thành đức, mà đức này do giới thành tựu, gọi là “giới tướng tương thừa”, giới này do giới sư truyền. Khi lãnh thọ giới pháp của Phật chúng ta thấy mình càng thanh tịnh, càng an lành hơn. Giới Phật dạy chúng ta gồm có: 4 pháp ba la di, 13 pháp tăng tàn, 2 pháp bất định, 30 pháp xả đọa, 90 pháp ba dật đề, 100 pháp chúng học và 7 pháp diệt tránh.
Lâu nay ta thường sống theo vọng duyên, bị trần cảnh chi phối làm ta buông lung những cái đó gọi là nghiệp và giới điều ràng buộc nghiệp ta lại. Thầy Tỳ-kheo không nên cho rằng giới ràng buộc mình, mà phải thấy rằng giới ràng buộc nghiệp của ta, giúp ta được giải thoát, (do nghiệp ta được giới khống chế) từ đó ta mới có thể trở thành vị thanh tịnh Tăng. Tùy vào hạng Tăng là thượng trung hạ mà thấy rằng giới là bảo vệ hay ràng buộc. Nếu thượng cho rằng giới là bảo vệ, trung cho rằng giới vừa bảo vệ vừa ràng buộc, hạ cho rằng giới là ràng buộc mình. Vị nào thấy giới là bảo vệ đó mới là thanh tịnh Tăng. Và mỗi người đều tự điều chỉnh khuôn phép giới luật đến một thời gian sau ta sẽ quen dần, cảm thấy nó là bình thường trong sinh hoạt. Ví dụ như bây giờ quý vị thọ Tỳ-kheo rồi, trong giới quy định vị Tỳ-kheo không được một mình đi riêng lẻ, muốn đi đâu phải tìm một vị nữa đi cùng. Có vị thấy như thế cho đó là hạn chế ràng buộc, nhưng có vị thấy có 2 vị Tỳ-kheo đi chung cùng giúp đỡ nhau, đồng hành với nhau thì trên con đường tu tập sẽ càng an ổn lợi lạc hơn nhiều. Đến một giai đoạn nào đó tâm thanh tịnh, giới tướng sẽ không ràng buộc ta, người giữ hay không giữ giới cũng không còn là vấn đề. Điều này phù hợp với lúc đầu tiên chỉ có ba pháp quy y là giới thể thanh tịnh.
Nay quý thầy cô có may mắn được làm người, đủ điều kiện đi xuất gia thọ giới, ta phỉa thấy rằng đó là nhân duyên lớn cho ta, không phải ai cũng lãnh thọ pháp Phật được, mà chỉ có loài người mới được, đó là giá nạn, đó là cái chướng trong con người chúng ta. Tâm không thanh tịnh, hảo tướng không hiện ra, không thọ được giới, hoặc hoàn cảnh không cho phép cũng không thọ dược giới. Nay quý vị được đầy đủ nhân duyên được giáo hội và chính quyền cho phép tổ chức giới đàn, quý vị phải trân trọng ngày thọ giới hôm nay để trỏe thành hiền thánh, trở thành trưởng tử đức Như Lai.
Tôi nhắc thêm những vị thọ Sa-di giới. Khi Phật còn tại thế vấn đề này không được đặt ra, nên mọi người đi xuất gia tuổi đủ 20 thì được công nhận là Tỳ-kheo. Đến hôm nay bên Nam truyền Phật giáo cũng không đặt ra vấn đề thọ Sa-di cho người lớn, có nơi đặt ra thọ Sa-di xong là thọ Cụ Túc liền. Nhưng giáo hội ta thì người xuất gia phải có quá trình thử thách xem ta có muốn tu không? Thời gian thử thách tối thiểu một năm mới cho thọ Sa-di. Kế đến là những người phát tâm xuát gia nhưng chưa đủ tuổi, nên cho thọ Sa-di để tập sự, thử thách đến 20 tuổi mới thọ cụ túc. Như vậy giới sa di là giới tập sự. Tôi lúc 12 tuổi đi xuất gia những cũng phải chờ đến 20 tuổi mới thọ cụ túc. Từ khi thọ sa di chúng ta chưa được tính tuổi đạo, nhưng chúng ta nương vào các thầy Tỳ-kheo, nhận sự bảo dưỡng của quý thầy để sau này ta được đi lên. Người thọ sa di trong đó có một điều quy định là “kính trọng các bậc Sa Môn”. Có kính trọng Sa Môn sau này mới làm Sa Môn được và mới thọ Tỳ-kheo được. Nếu không kính trọng, khi thọ cụ túc khó mà thanh tịnh. Nên các vị sa di cần nương tựa giới đức của các thầy Tỳ-kheo thì sau này mới phát triển lên được, mới gánh được trọng trách của giáo hội giao phó.
Vậy nhân ngày khai đạo giới tử hôm nay, tôi cầu mong chư Phật gia hộ quý vị giới tử thọ giới được đắc giới thanh tịnh sáng suốt, trở thành đệ tử chân chánh của đức Như Lai, phụng sự Tam Bảo, trang nghiêm giáo hội.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
(Khai đạo của Hòa thượng Thích Trí Quảng Tuyên Luật Sư)