Một danh số vô cùng quan trọng đó là: “Tuyển Phật Trường”. Đức Phật đã khẳng định “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Ngôi vị Phật đà, Phật tâm, Phật tánh, nghe qua rất là thánh thiện và phổ cập. Song, chiều sâu và giá trị của pháp từ Phật đà không phải đơn thuần mà là để thực hiện, để liễu triệt chân giá trị của “Đấng Chúng Trung Tôn”. Chúng ta nên “phản quan tự kỷ” rốt ráo trên lộ trình tu chứng đến bậc “Vô Thượng Biến Chánh Giác” như thế nào!
Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta trên lộ trình tu chứng để tiến đến bậc “Thiên nhân chi đạo sư, tứ sanh chi từ phụ” đã trải qua biết bao sự đổi thay của kiếp sống (vô thỉ kiếp) để tìm đến ba giai đọạn “tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”. Nếu không nhẫn nại thực hiện bền bỉ về “Phát bồ đề tâm” và “hành Bồ Tát hạnh” của vô lượng kiếp thì không thể thành “vô thượng năng nhơn, trường từ bảo vị kim luân” mà cần phải “Đại phá ma quân” mới đạt được “nhất đổ minh tinh, đạo thành chánh giác”.
Là “đàn tràng thanh tịnh, tăng bảo trang nghiêm, giới thể chu viên, hàm triêm lợi lạc”, không gì bằng tổ chức đại lễ đăng đàn truyền giới: Sa-di, Tỳ-kheo và Bồ Tát. Trọng yếu của việc truyền giới là “Thập sư mẫu mực, thanh tịnh” giới tử mới có thể “Đượm nhuần pháp lạc” và “Giới châu minh tịnh, đạo quả viên thành, hiện tiền tu chứng vô sanh, một hậu đắc sanh Phật Quốc”, phá bỏ “Kiến, Văn, Nghi” được như vậy thì “Giới tử đắc giới”.
Là người lãnh thọ giới pháp của đấng đại giác Thế tôn, giới tử cần trang bị hai yếu lí về tánh tướng thực hiện qua câu “Nội cần khắc niêm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức” (nội tâm khắc niệm tu nhân của quả vị bồ đề, bên ngoài hình tướng chúng ta cần biểu hiện đức lục hòa) để “hàng phục ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. Muốn thế, ngay từ ngày “phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng” lãnh thọ tam đàn, miệt mài thực hiện Tánh giới, Tướng giới cần phải chu viên, hạ thủ công phu. Dĩ công bồi đức, truyền trì chánh pháp, đại phá ma quân (nội ngoại ma-sát tặc phiền não) hầu đem lại lợi lạc tự thân và tha nhân của “thiên nhân chi đạo sư, tứ sanh chi từ phụ”.
Qua quá trình lịch sử từ sự truyền thừa cho hàng Chúng trung tôn của thời đức Phật khai ngộ cho 5 anh em Kiều Trần Như, thập đại đệ tử bằng hình thức “Tâm Ấn Tâm”, “trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật”, mãi về sau như hôm nay “pháp nhược ma cường” lý tánh không rốt ráo, tu tập chưa tỏ ngộ nên áp dụng phương thức “Tác bạch Yết-ma” gọi là “Bạch tứ yết ma” nhờ đức chúng như hải, nhờ hàng Thập sư đồng kiết giới yết ma thống nhất qua câu “Yết-ma có thành không? – “Thành” bằng hình thức của thời “Thế gian trụ trì Tam Bảo”. Như vậy, “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” (ba cõi do tâm biến, các pháp trong ba cõi đều do thức mà thành”.
Như vậy, “thành Phật do ta, thành lục đạo của chúng sanh cũng đều do tâm thức ta quyết định”! Giờ phút thiêng liêng của Đàn tràng “tuyển Phật trường” chư giới tử phải nổ lực cần tu, phát đại bi tâm, Bồ đề tâm, Phát thú tâm, Trưởng dưỡng tâm… để một hậu đắc sanh Cực Lạc, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh… sẽ tiến thành Phật quả.
Cố HT. Thích Nguyên Trực