1. DẪN NHẬP
Có thể nói, giáo dục chính là điểm sáng nhất của loài người. Nhờ có giáo dục, con người đã làm cho mình khác đi theo hướng Chân, Thiện, Mỹ.
Nói đến giáo dục là nói đến hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu.[1] Giáo dục cũng có thể là “con đường hai chiều của dạy và học của con người kể từ lúc sinh ra cho đến khi chết, và có mặt ở ba môi trường sinh hoạt: gia đình, học đường và xã hội.”[2] Nói tóm lại, bất cứ hoạt động nào mà có thể tạo ảnh hưởng lên người khác về ba phương diện suy nghĩ, cảm nhận và hành động thì cái đó được xem là có tính giáo dục.
Hiện nay, thế giới đang bước vào thời đại mới, thời đại của công nghệ và hội nhập thông tin. Ranh giới chia cắt giữa các quốc gia hầu như không còn, con người có thể tiếp cận mọi thông tin hầu như không bị hạn chế. Những tư tưởng đóng khuôn, thụ động, khép kíp phải nhường chỗ cho những cái sáng tạo, cởi mở, đổi mới. Phật giáo, một thực thể không nằm ngoài xã hội, cũng cần phải tích cực, năng động để vừa đáp ứng mục tiêu mà đức Phật chỉ dạy đồng thời không bị tụt lại phía sau. Do đó, việc xác định đường hướng và làm mới mình chính là điều mà giáo dục Phật giáo cần phải hướng đến.
2. Mục Đích của Giáo Dục Phật Giáo
Nói đến giáo dục Phật giáo chính là nói đến việc chuyển tải lời Phật dạy cho người khác để chuyển hóa khổ đau, hướng đến giải thoát, an vui ngay trong đời này. “Hiện pháp lạc trú” luôn luôn là yếu tố tiên quyết của bất kỳ pháp môn nào, cho bất kỳ ai. Giáo dục mà không đưa đến sự an lạc ngay trong hiện tại, ngược lại chỉ tích tụ kiến thức hoặc mong cầu danh lợi thì đã xa rời chân ý của đức Phật. Theo tinh thần của Kinh Hoa Nghiêm, giáo dục mà không hướng đến hạnh phúc, an vui, giải thoát thì chắc chắn đó không phải là nền giáo dục của Phật giáo.[3]
Tuy lấy giải thoát làm đích đến tối hậu, giáo dục Phật giáo lại là quá trình tiệm tiến, từ thấp đến cao. Con người lý tưởng (Bồ-tát) với đôi cánh Bi Trí luôn được đề cao và đã trở thành biểu tượng của giáo dục Phật giáo. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm mà mục tiêu hướng đến của giáo dục Phật giáo được đề xuất khác nhau. Trong bối cảnh ngày nay, mục đích của Giáo dục Phật giáo được đơn giản và cụ thể bằng cách đào tạo ra những Tăng Ni có tài đức, có khả năng tu tập hướng thượng để phục vụ Giáo hội và chúng sanh.
3. Nền Tảng Giáo Dục Phật Giáo
Để giúp khơi mở tuệ giác, thăng hoa trên con đường chuyển hóa tâm linh, nền giáo dục đó phải có nền tảng vững chắc, liên hệ mật thiết trên ba lĩnh vực Hạnh đức, Tâm đức và Tuệ đức.
Trong Kinh thường hay nói đến “84.000 pháp môn” để chỉ cho sự đa dạng giáo pháp. Tùy căn tánh mà có những phương pháp chuyển hóa riêng biệt, cốt làm sao giúp người được giáo dục đạt đến đích một cách trọn vẹn và nhanh nhất. Dù có đa dạng và phong phú đến đâu, giáo dục Phật giáo cũng phải y cứ trên ba nền tảng Giới, Định, Tuệ, gọi là Tam vô lậu học. Đức Phật dạy: “Có bốn pháp thâm diệu: một là Thánh giới, hai là Thánh định, ba là Thánh tuệ và bốn là Thánh giải thoát. Đó là pháp vi diệu khó hiểu, khó biết, mà ta với các ông xưa kia vì không hiểu rõ nên mãi trôi lăn không cùng trong vòng sống chết.”[4]
Giới học (Sīla) chính là giáo dục về đạo đức, lối sống, nhân cách ứng xử theo hướng tịnh hóa thân tâm, tránh xa các điều xấu ác, tăng trưởng điều thiện; Định học (Samādhi) là giáo dục tâm ý giúp người học chuyển hóa các trạng thái loạn động, bất an thành định tĩnh, điềm nhiên, an lạc giữa dòng đời biến động; Tuệ học (Paññā) chính là giáo dục về khả năng đánh thức những hạt giống thiện lành ở bên trong, nhận diện và chuyển hóa những tâm hành ở bên ngoài để có những ứng xử, lối sống phù hợp.
Ba pháp học Giới, Định, Tuệ này liên quan mật thiết, bổ túc cho nhau như chiếc kiềng ba chân, không thể thiếu một. Đức Phật đã từng dạy: “Này Bà la môn, Trí tuệ được Giới hạnh làm cho thanh tịnh, Giới hạnh được Trí tuệ làm cho thanh tịnh. Ở đâu có Giới hạnh ở đó có Trí tuệ. Ở đâu có Trí tuệ ở đó có Giới hạnh. Người có Giới hạnh nhất định có Trí tuệ; người có Trí tuệ nhất định có Giới hạnh. Giới hạnh và Trí tuệ được xem là tối thắng trên đời.”[5] Nói khác hơn thân có giữ giới thì tâm mới định tĩnh, và tâm có định tĩnh thì trí tuệ mới phát sanh. Do vậy, để bước lên Thánh đạo giải thoát, an lạc ngay trong hiện đời thì giáo dục Phật giáo ở bất cứ thời đại nào đều phải y cứ vào Giới, Định, Tuệ.
Kinh tạng Pāli cũng như Hán tạng đã dùng nhiều đặc tính khác biệt để ca ngợi giáo pháp của đức Thế Tôn. Giáo dục Phật giáo, do đó, cũng cần được thiết lập dựa trên những đặc tính đó, gồm có:
(i) Diễn bày khéo léo (svākkhāto): Giáo dục Phật giáo phải là công việc của những sự diễn bày khéo léo, giảng thuyết tài tình, ứng với căn cơ chủng tánh của mỗi đối tượng giúp họ đạt được kết quả an lạc, hạnh phúc viên mãn.
(ii) Thiết thực hiện tại (sandiṭṭhiko): Giáo dục phải luôn hướng đến sự thiết thực, an ổn trong hiện tại chứ không ru ngủ, hứa hẹn vào một kiếp sống xa xôi hay ở một thế giới khác.
(iii) Siêu việt thời gian (akāliko): Đặc tính của giáo dục Phật giáo cũng phải hướng đến sự giải thoát khỏi mọi thời đại, chủ nghĩa, kinh nghiệm, học thuyết, bởi đó là kết quả của sự tích tập tri thức, kiến giải trên vọng tưởng của “cái Ngã”.
(iv) Đến để mà thấy (ehipassiko). Tất cả các tôn giáo nhất thần đều lấy niềm tin làm căn bản, Phật giáo dạy con người hãy đến với đạo Phật bằng sự chiêm nghiệm, trực quán và liễu giải. Chính sự tuệ tri là ngọn đèn rực sáng soi tỏ vào mọi ngỏ ngách u tối của cuộc đời để diệt trừ vô minh, phiền não.
(v) Có khả năng hướng thượng (opanayiko): Giáo dục Phật giáo không nhằm làm tăng số lượng kiến thức tích lũy, mưu cầu bằng cấp, công danh sự nghiệp mà là cung ứng các năng lực phát triển tâm linh để người học chuyển phàm làm Thánh.
(vi) Được người trí chứng hiểu (paccataṁ veditabbo viññūhi): Giáo dục Phật giáo phải gắn liền với trí tuệ, giải thoát. Những hình thức ma mị, đồng bóng, mê tín dị đoan chắc chắn bị người trí cười chê. Giáo dục Phật giáo, do vậy, phải là nền giáo dục được người trí chứng nhận và đồng thời cũng giúp người có trí tin thuận và chứng ngộ.
5. Tình Hình Giáo Dục Phật Giáo Tại Tỉnh BR-VT
(i) Những Thành Tựu
Là một tỉnh thành lập muộn, nhưng với sự phấn đấu không ngừng, Phật giáo BR-VT nói chung, ngành Giáo dục Phật giáo tỉnh BR-VT nói riêng đã đạt được những kết quả vô cùng khích lệ. Dưới sự lãnh đạo và trực tiếp điều hành của Hòa thượng Hiệu trưởng thượng Quảng hạ Hiển, trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm đã vận dụng khéo léo sáu đặc tính giáo dục Phật giáo vào hai chương trình Cao đẳng và Trung cấp Phật học. Hơn ba mươi năm xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo 09 khóa Trung cấp, 08 khóa Cao đẳng với tổng số lượng Tăng Ni tốt nghiệp ra trường là 2.255 vị. Rất nhiều vị sau khi tốt nghiệp tại bản trường đã tiếp tục đi du học và tốt nghiệp các chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ; một số tham gia vào công tác giáo dục, hoằng pháp và nắm giữ các Phật sự trọng yếu trong Giáo hội tại tỉnh nhà và các địa phương khác.
Với chương trình giáo dục phong phú, linh hoạt và không ngừng đổi mới, số lượng giảng viên được đào tạo bài bản, cơ sở vật chất rộng rãi, đặc biệt là Tăng Ni sinh nội trú 100% nên trường Phật học Đại Tòng Lâm luôn thu hút đông đảo số lượng Tăng Ni trong và ngoài tỉnh về tu học. Hiện nay, Trường đang đào tạo năm cuối lớp Trung Cấp khóa 10 với hơn 110 Tăng Ni sinh. Có thể nói, bằng trí tuệ, tâm huyết của Chư vị lãnh đạo Giáo hội, Ban Giáo dục và Ban Giám hiệu, Trường Phật học Đại Tòng Lâm đã khẳng định được mình trong bản đồ giáo dục Phật giáo nước nhà.
(ii) Những Khó Khăn, Thách Thức Chung
Trong suốt chiều dài lịch sử, giáo dục Phật giáo luôn đóng góp vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong việc cung cấp nguồn nhân sự chất lượng cao cho Phật giáo mà còn giúp khẳng định được vai trò, vị thế của người tu sĩ Phật giáo với xã hội. Dù cố gắng rất nhiều, giáo dục Phật giáo tỉnh BR-VT hiện tại cũng đang gặp không ít những khó khăn, thách thức.
(i) Việc xác định mục tiêu, đường hướng giáo dục hiện nay ở các Trường Phật học nói chung dường như chưa được cụ thể hóa, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thời đại. Hầu hết chương trình giảng dạy chỉ y cứ trên khung sườn của Ban Giáo dục Phật giáo TW đưa ra từ nhiều nhiệm kỳ về trước. Giáo dục Phật giáo chắc chắn phải hướng đến sự giải thoát, thế nhưng đời sống luôn vận động, phát triển không ngừng, do đó ngoài việc đào tạo về giáo điển, thiết nghĩ giáo dục Phật giáo cần phải làm sao để đáp ứng nhu cầu của quần chúng Phật tử trong thời hiện tại. “Lợi sanh vi bản hoài” là phương châm sâu sắc và vô cùng thiết thực. Giáo dục Phật giáo cũng thế, phải chú trọng khía cạnh dấn thân phụng sự, bằng không giá trị mang lại sẽ không nhiều. Do đó, cần phải xác định mục tiêu dài hạn, ngắn hạn để đưa ra những đối sách phù hợp. Mục tiêu quá xa thì khó thực hiện; khó thực hiện thì dễ sanh nhàm chán, khô cứng. Nên chăng, ngoài chương trình khung của BGDPG TW, các trường cần xây dựng những mục tiêu cụ thể, bổ sung nhiều môn học về khoa học, xã hội, nghệ thuật, Phật pháp ứng dụng, luyện tập các kỹ năng, làm chủ tình huống… Điều đó, nếu được, vừa kích thích tính ham học, ham nghiên cứu của Tăng Ni sinh, vừa làm cho việc giáo dục Phật giáo trở nên thiết thực, đậm tính chất thời sự. Món ăn rất nhiều nhưng món ăn vừa ngon vừa nóng hổi chắc chắn sẽ làm cho nhiều người háo hức thưởng thức.
(ii) Hiện nay, chương trình đạo tạo các lớp Trung cấp Phật học cứ mỗi ba năm khai giảng một lần. Khóa này kết thúc thì khóa khác mới bắt đầu. Ngoài việc tiết giảm chi phí thì không làm tăng hiệu quả giáo dục. Nhiều người, vì lí do nào đó không kịp đăng ký khóa học năm này thì phải chờ đợi đến ba năm sau. Một khoảng thời gian khá lâu. Nếu khai khóa hằng năm sẽ giúp các Tăng Ni sinh đỡ mất thời gian chờ đợi, quan trọng hơn là tránh được việc rời khỏi địa phương để đi trường khác cầu học. Chưa nói đến việc, nhiều vị bổn sư, vì sợ nếu bỏ lỡ khóa học sẽ phải chờ đợi đến ba năm sau nên đã đánh liều cho đệ tử của mình vào trường Phật học dù thời gian ở chùa chỉ tính bằng tháng, thậm chí bằng ngày. Thời gian tập sự chưa lâu, tâm chưa có phần chuyển hóa nên dễ hiểu vì sao sau khi vào trường đa phần các Tăng Ni sinh đó dễ dàng sinh tâm buông lung, giải đãi, tạo thành gánh nặng trong việc việc quản lý đối với các vị trong Ban Giám hiệu, Ban Điều hành; đồng thời việc đi học quá sớm cũng làm nhạt nhòa tình thầy trò vốn dĩ đã mong manh.
(iii) Tuy là trường Phật học nhưng thực tế đa phần chỉ là lớp học mà thôi. Các trường chỉ có duy nhất một lớp. Nếu số lượng Tăng Ni sinh quá đông thì giảng viên không thể nào nắm bắt và quan tâm đến từng người học trò dẫn đến chất lượng giáo dục giảm sút. Vả lại, căn tánh của mỗi người không đồng, trong một khóa học chắc chắn sẽ có những người thông minh và chậm lụt. Dạy theo đối tượng này thì sẽ đánh mất đối tượng kia. Do đó, việc phân chia thành nhiều lớp học trong một khóa học vừa đảm bảo được chất lượng giáo dục, vừa giảm áp lực tinh thần của giảng viên, vừa khai phóng được ưu điểm, khả năng của từng người học trò.
(iv) Để giáo dục Phật giáo làm việc hiệu quả, đào tạo được những con người chất lượng cao, đáp ứng được các nhu cầu Phật sự thì cần phải có sự chung tay đóng góp của các ban ngành khác của Giáo hội. Có thể là đặt hàng giáo dục hoặc sử dụng những người được đào tạo bài bản vào các công việc, vị trí tương xứng. Bất cứ ngành nghề đào tạo nào, muốn thành công và phát triển lớn mạnh thì ngoài việc tuyển lựa đầu vào thì phải bảo đảm được đầu ra. Phải làm sao cho người học phải thấy giá trị và lợi ích của việc học và phụng sự đạo pháp. Chỉ cặm cụi học hành mà không biết đường hướng tương lai, học xong sẽ làm gì… đã và đang là một vấn đề cần sự chung tay giải quyết của các ban ngành Giáo hội.
(v) Đức Phật chỉ là người khai sáng, đưa đường chỉ lối, việc còn lại của mỗi người là phải tự thân hành.[6] Những ai biết khơi mở tiềm năng ở bên trong, tự nương tựa chính mình, đặt bàn chân lên lộ trình giác ngộ mới thật là đáng quý, và người ấy được đức Phật tán thán là những vị tối thắng trong hàng Tỳ-kheo.[7] Mỗi người hãy tự mình đi theo con đường của riêng mình, hãy làm theo cách riêng của mình, chớ dẫm theo lối mòn, lặp lại công việc của người xưa. Thiền sư Quảng Nghiêm đời Lý đã nói: “Nam nhi tự hữu xung thiên chí/ Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”.[8] Giáo dục Phật giáo, do vậy, chỉ nên là công việc dẫn dắt, gợi mở tri thức, cung cấp cho người học chiếc chìa khóa để mở cánh cổng đi vào cuộc đời. Hãy cho cái họ cần, đừng trao cái mình biết. Nhồi nhét kiến thức, áp đặt người khác không chỉ là việc làm lỗi thời mà còn gây ra nhiều nguy hại.
(vi) Tu sĩ Phật giáo không chỉ là người am tường kinh điển mà phải tinh thông tất cả các lĩnh vực. Một khi ra trụ trì, họ phải làm tất cả công việc từ điều hành, sắp xếp, tổ chức, cho đến giảng dạy, hoằng pháp, nghi lễ,… Nếu không được đào tạo đầy đủ chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, nhiều người sau khi tốt nghiệp Trung cấp hoặc Cao đẳng Phật học đã ra làm đạo, trụ trì một ngôi tự viện, thâu nhận đệ tử, hướng dẫn đồ chúng tu học, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tại các địa phương. Trong những trường hợp như vậy, đa phần đều do nỗ lực của bản thân hơn là được đào tạo bài bản; tất nhiên không ít người phải đương đầu với những khó khăn, lúng túng nhất định vì thiếu được đào tạo chuyên môn, đầy đủ.
Hiện nay, xu thế chung của các trường Đại học, Cao đẳng trên thế giới đó là đi theo con đường “giáo dục khai phóng” (Liberal Education/Liberal Arts Education). Ở đó, người học không bị đóng vào một chương trình khung cứng nhắc, một chiều mà được đào tạo một cách linh hoạt, tiếp cận đa phương diện, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Thực tế chứng minh những người hiểu sâu, biết rộng sẽ dễ dàng thành công hơn người chỉ biết duy nhất một lãnh vực. Giáo dục Phật giáo ngày nay, do vậy, cần phải khai thác tối đa tinh thần tự chủ, đa phương diện hóa để khai phóng tiềm năng của Tăng Ni sinh.
6. Kết Luận
Cần phải thấy rằng giáo dục Phật giáo chú trọng vào con người và phát triển con người. Việc thừa nhận khả năng thành Phật, đạt đến niềm hạnh phúc an vui cho tất cả mọi người như trong Kinh Pháp Hoa[9] chính là tuyên ngôn đanh thép, đập tan tất cả những gông cùm xiềng xích của vô minh, dục vọng, mê tín, giáo điều. Ở đó, ai cũng có khả năng để thay đổi chính mình, vươn lên thành một vị Thánh, cống hiến cho xã hội.
Với phương châm “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, ngành Giáo dục Phật giáo luôn là ngọn cờ đầu trong xây dựng đạo pháp, phổ độ chúng sanh. Từ những con số Tăng Ni sinh tốt nghiệp ra trường, dấn thân phụng sự đã nói lên công lao to lớn của các bậc tiền bối, chư vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội và các ban ngành qua các thời kỳ.
Dưới ánh sáng của lời Phật dạy và việc mục tiêu được xác định rõ ràng, nền tảng Giới Định Tuệ được thiết lập vững chãi, tinh thần khai phóng, khơi mở luôn được chú trọng thì chắc chắn giáo dục Phật giáo tỉnh nhà sẽ còn có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa trong việc đào tạo nên những con người sống có lý tưởng, có tài đức để góp phần vào sự nghiệp hưng long Phật giáo, lợi lạc quần sanh.
Với tinh thần “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (Sách Đại Học), vì muốn đóng góp đôi điều vào sự nghiệp giáo dục Phật giáo tỉnh nhà, người viết mạo muội có đôi dòng thiển cận, ngưỡng mong Chư tôn đức và Quý vị Đại biểu hoan hỷ.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.