Từ ngày 28-30/07/2023 Phân ban GĐPT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức Trại họp bạn truyền thống mang tên “THIỆN HOÀ X”, tên của vị Tổ khai sơn Đại Tòng Lâm thánh địa. Ban TTTT Hội trại xin trân trọng giới thiệu bài viết sơ lược về Tiểu sử của Ngài do Giáo sư Trí Không biên soạn.
Đại Tòng Lâm khai sơn Lão Tổ Thiện Hòa Đại Nhân 1907-1978
Lão Tổ khai sơn là bậc giới hạnh tinh nghiêm, thiền tâm trừng triệt, giáo lý viên minh, hạnh giải kiên định, hoằng pháp lợi sinh, trí đăng bất diệt. Bánh xe hạnh nguyện quay giáp vòng từ sơ tâm xuất gia cho đến ngày viên tịch với dũng mãnh, nhẫn nhục, nhu hòa.
Lão Tổ người làng Tân Nhựt – Chợ Lớn, gia thế trung lưu bậc cao, trau dồi trí thức tại Trường Trung học Petrus Ký nổi tiếng. Cảm ngộ chánh pháp chân thuyên, nung chí xuất trần, năm 1935 (28 tuổi) thế phát xuất gia với Hòa thượng Khánh Hòa (1876 – 1947) tại Lưỡng Xuyên Phật học hội tỉnh Trà Vinh.
Năm 1936 tham phương học đạo tại Trung kỳ. Từ Thập Tháp ra tới Huế với Tây Thiên, Báo Quốc. Năm 1945 ra Bắc học luật với các cụ Tổ ở Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình.
Năm 1950 trở về Nam, làm Giám đốc Phật học đường Nam Việt, kiến thiết Tổ đình Ấn Quang (2 lần), mở nhà in Sen Vàng, xưởng làm nhang, dựng Đại Tòng Lâm, trùng tu tôn tạo những Tuyền Lâm, Giác Ngộ, cất Phật học viện Huệ Nghiêm, xây lò thiêu, tháp Phổ Đồng, lập nghĩa trang An Dưỡng Địa, cô nhi viện Diệu Quang, trường Bồ Đề Chợ Lớn, Sài Gòn, xưởng vị trai lá Bồ Đề ở Giác Sanh, Phú Thọ, cất tu viện Ma Ha Ca Diếp ở Thủ Đức, cùng bao Phật sự khác, liên tục đan kín tháng ngày với Giáo huấn Ấn Quang, Từ Nghiêm, Dược Sư và Đại Giới Đàn khắp xứ, cũng như chiêm bái Phật tích Ấn Độ, dự lễ BUDDHA JAYANTI 2500 Phật Niết Bàn tại Đông Hồi (nay là Bangladesh) khảo sát Phật sự ở Thái Lan, Lào, Cao Miên.
Tòng Lâm hun đúc nhân tài, tục Phật huệ mạng từ năm 1955. Khẩn 100 mẫu đất rừng hoang vu nơi đây, đặt định cơ ngơi Đại Tòng Lâm này. Ngài thành Khai sơn lão tổ. Rồi Ngài nhờ đôi chân con cháu mà bước đi. Tức sáng giá Đại Tòng Lâm ngày nay, đã viên mãn. Cơ ngơi lộng lẫy huy hoàng, đâu đâu cũng hiển hiện chân diện mạo công hạnh vĩ đại của Ngài. Hạnh nguyện Ngài phát quang hải ấn uy nghi, tỉnh túc hằng hằng. Trên đời có những bậc anh hùng chết nhưng không đi tới mộ. Tổ Khai sơn là một trong số vĩ nhân đó, với khả kính vô dư tới bờ mé đời vị lai, sáng mãi trong thức tâm hậu thế
Đài tưởng niệm Tổ Khai sơn trong khuôn viên Đại Tòng Lâm
Kính mong Khai sơn Lão tổ tác đại chứng minh
Phật lịch 2549 – DL.2005
Trí Không học đồ hòa nam cẩn soạn