Vào lúc 9h sáng ngày 21/08/2023, tại chùa Từ Quang số 102 đường Hạ Long – Phường 2 – Tp. Vũng Tàu, môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức Lễ huý kỵ lần thứ IX cố HT thượng TÂM hạ CHÂU khai sơn kiến tạo ngội Tự viện Từ Quang.
Quang lâm chứng minh và tham dự Lễ huý kỵ có HT Thích Giác Tùng, HT Thích Như Thị, Thành viên HĐCM Trung ương GHPGVN; HT Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Kiểm soát Trung ương; HT Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch HĐTS – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; TT. Thích Đức Tuấn, Phó Trưởng Ban Phật giáo Trung ương, cùng Chư tôn đức trong thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Tăng Ni các ngôi tự viện trong thành phố.
Đại diện môn đồ hệ phái Vĩnh Nghiêm tác lễ có TT Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch HĐTS – Trưởng Ban Kinh tế – Tài chánh Trung ương GHPGVN; TT. Thích Giác Dũng, Thư ký Ban Giám luật HĐCM; cùng môn đồ pháp quyến cố Hoà thượng thượng TÂM hạ CHÂU.
Cố Hoà thượng thượng TÂM hạ CHÂU (1921 – 2015) tên thật là Đoàn Văn Hoành, sinh ngày 02 tháng 11 năm 1921 (Tân Dậu) tại tỉnh Ninh Bình, là người con trai út trong gia đình có bốn anh em trai. Do có căn lành từ nhiều đời về trước nên năm 11 tuổi Ngài xuất gia, thờ Sư Tổ Thích Thanh Kính tự Linh Quang thuộc chốn Tổ Phượng Ban (tỉnh Ninh Bình) làm thầy tế độ. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng Ngài luôn tinh tấn tu học nên chẳng bao lâu được bổn sư cho thọ giới Sa Di tại chốn Tổ Đồng Đắc (Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Năm 20 tuổi, Ngài đăng đàn thụ giới Tỳ Khưu tại chùa Bát Long (tỉnh Ninh Bình), thụ giới Bồ Tát nơi Sư Tổ Thích Đức Nhuận tức đức đệ nhất Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam sau này. Sau khi thụ giới, với chí tiến tu, Ngài du phương tham học tại các chốn Tổ danh tiếng lúc bấy giờ như chùa Đồng Đắc, chùa Phúc Chỉnh, chùa Phù Lãng, chùa Quán Sứ.
Sau khi du phương học Đạo, Ngài trở về hành đạo tại chốn Tổ Đồng Đắc và Phượng Ban với các chức vụ như tri khách, duy na (tức tri sự). Ngoài những trách vụ được giao phó tại chốn Tổ, Ngài còn đi diễn giảng, hành lễ khắp các tỉnh thuộc miền Bắc lúc bấy giờ như Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh,v.v.. Theo sự chỉ dạy của Thầy Tổ, Ngài nhận trụ trì chùa Phúc Điền (Kim Sơn, Ninh Bình) và đặc biệt, khai sáng chùa Quang Nghiêm tại phường Hà Tu, thành phố Hạ Long.
Là một tăng sĩ trẻ, Ngài luôn dấn thân trong mọi Phật sự trong cũng như ngoài tỉnh, được Phật tử kính ngưỡng, đồng đạo yêu mến, nên năm 1951, Ngài được đề cử tham gia trong đoàn đại biểu Phật giáo Bắc Việt dự đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Từ Đàm-Huế. Đây là giáo hội thống nhất đầu tiên của Phật giáo Việt Nam sau bao nhiêu năm điêu linh cùng vận mệnh của đất nước. Khi Tổng hội được thành lập, Ngài đảm nhận chức vụ Ủy viên Nghi lễ của Hội đồng Trị sự Tổng hội Phật giáo Việt Nam.
Ngoài các trách vụ được Giáo hội giao phó, Ngài luôn tham gia tích cực các hoạt động của phong trào chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ nên năm 1952, Ngài được đề cử tham gia đại hội đại biểu thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam tại chùa Quán Sứ- Hà Nội. Sau bảy ngày làm việc, ngày 14 tháng 09 năm 1952, Giáo hội Tăng già Việt Nam được thành lập, Ngài đảm nhận trách vụ Trị sự phó kiêm Tri tạng. Trong đại hội này, Tổ Tuệ Tạng được suy tôn lên ngôi vị Thượng Thủ, Trị sự trưởng là Tổ Trí Hải.
Tổng hội Phật giáo được thành lập, Giáo hội Tăng già được hình thành, Ngài đã đem tất cả hùng tâm tráng trí của thanh niên tăng hiến dâng cho Đạo pháp, cho quê hương, những mong chấn hưng Phật giáo, quang huy dân tộc nhưng, nào ngờ, thời thế thay đổi, dòng Bến Hải chia đôi đất Mẹ, một đất nước mà hai thể chế, năm 1954 Ngài ngậm ngùi giã biệt Thầy Tổ, xa lìa quê cha, cùng hơn 100 vị tăng ni xuôi tàu vào Nam hành Đạo.
Khi vừa đặt chân đến miền Nam, Ngài liền xây dựng chùa Giác Minh để làm nơi cư trú, hành Đạo của chư tăng miền Bắc di cư vào Nam và Ngài là viện chủ đầu tiên của chùa. Tại chùa Giác Minh này, Ngài cùng chư tôn đức tăng ni miền Bắc di cư thành lập Giáo hội Tăng già Bắc việt tại miền Nam và Ngài đảm nhận chức vụ Chủ tịch đầu tiên của Giáo hội. Cũng trong năm này, Ngài cùng Hòa Thượng Thích Độ Lượng lên Buôn Mê Thuột xây dựng chùa Phổ Minh để cho Phật tử di cư có nơi hành lễ và tu tập.
Sau đó, do nhu cầu tu học của Phật tử ngày càng tăng, Ngài kiến tạo khá nhiều ngôi chùa trên cả nước với tên gọi bắt đầu bằng chữ TỪ. Tại Bà Rịa Vũng Tàu có 2 ngôi chùa được Ngài kiến tạo là chùa Từ Quang, Từ Thắng tại Vũng Tàu năm 1969.
Sau nghi thức niêm hương bạch Phật, Chư tôn đức đã dâng hương tưởng niệm Ngài trước án tiền.
Trong buổi lễ cúng dường Trai Tăng, cư sỹ Trần Khánh Toàn đã thay mặt môn đồ pháp quyến dâng lời cảm niệm lên Ân sư và Chư tôn đức dù Phật sự đa đoan trong mùa Vu Lan và lễ Tự Tứ vẫn dành thời gian quý báu đến thắp hương cho bôn sư.
Thay lời Chư tôn đức, HT Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch HĐTS – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã có lời pháp nhũ tán thán công đức của TT Thích Thanh Phong, và môn đồ đại diện hệ phái Vĩnh Nghiêm đã không quên công ơn Người khai sơn tạo tự mà trùng tu ngôi Già lam như hôm nay. Cũng như Tăng Ni và Phật tử chùa Từ Quang học theo hạnh nguyện hộ pháp của cố Hoà thượng luôn hỗ trợ cho Ban Trị sự tỉnh đặt Văn phòng trong khuôn viên chùa và mọi công việc Phật sự của Ban Trị sự tỉnh.
Quảng Chuyên – Tịnh Mạnh