Trước thềm Đại hội Phật giáo tỉnh NK VII: Tham luận Ban TTTT

Sự đồng hành và liên kết: Hiện nay, các thành viên trong Ban là những cá thể truyền thông độc lập, chưa có nhiều sự kết nối hoặc kết nối còn rời rạc. Trong khi hoạt động truyền thông là hoạt động theo những ekip và những nhóm truyền thông; Với thành viên là cư sỹ việc cộng tác, chia sẻ và giúp đỡ nhau khá thuận tiện thì đối với các thành viên đang là tu sỹ thì cộng tác với Cư sỹ đang có nhiều rào cản.
Truyền thông Phật giáo tỉnh – Một nhiệm kỳ nhìn lại
Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh BR-VT
Cư sỹ Quảng Chuyên
Phó Thư ký Ban Thông tin Truyền thông
Kể từ Đại hội đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ 2017 – 2022, Ban Thông tin Truyền thông(TTTT) tỉnh chính thức được thành lập. Trước đó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã có bước đầu thử nghiệm khi hình thành Ban Biên tập Kỷ yếu Đại Giới Đàn năm 2016 nhằm chọn ra một số nhân tố để xây dựng và hình thành Ban Thông tin Truyền thông. Qua một nhiệm kỳ hoạt động, chúng con trong vai trò Phó Thư ký Ban xin phép được thay lời các thành viên làm truyền thông trình bày qua 3 điểm chính:
– Khó khăn khi làm truyền thông tại tỉnh nhà.
– Mong ước từ thực tế
– Đề xuất giải pháp.
ban 4t copy
  1. Khó khăn khi làm Truyền thông tại tỉnh
Khó khăn đầu tiên mà chúng con cảm nhận  chính là “Tiếng nói chung”: trước hết là nằm ở các thành viên trong Ban với nhau, giữa Ban truyền thông với các Ban Trị sự huyện trực thuộc và các Ban ngành của Ban Trị sự tỉnh. Dẫu biết rằng, các thành viên Ban TTTT phục vụ tại tỉnh nhà, chưa có nhiều chuyên môn nghiệp vụ, tuy vậy, các thành viên trong Ban rất muốn Ban Trị sự và Trưởng các Ban ngành quan tâm, động viên khích lệ đến truyền thông để anh em có động lực phục vụ.
Về phương tiện truyền thông, đối với BTTTT tỉnh, anh em đã tự trang bị các thiết bị tạm đủ để có thể đáp ứng khối lượng công việc trong tỉnh. Tuy nhiên, công nghệ thì luôn luôn thay đổi vì vậy trang thiết bị cũng cần được liên tục sửa chữa, cập nhật để phù hợp với thời đại, điều này không phải là chạy theo công nghệ mà với mong muốn trang thiết bị sẽ phù hợp hơn với từng mảng nội dung phong phú. Mặt khác, qua một khảo sát của chúng con, thì có đến 80-90% truyền thông tại các bộ phận liên quan chưa có phương tiện để tác nghiệp, phần lớn thành viên sử dụng điện thoại để ghi hình theo phương châm có gì thì dùng đấy. Các sản phẩm khi sử dụng điện thoại ghi hình nếu quan sát trên điện thoại rất đẹp, nhưng khi in ấn hoặc đưa lên Website thì hình ảnh khá tệ và không đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn mà các website yêu cầu.
Về nhân sự, như chúng con đã đưa ra vấn đề chung ở trên, khối lượng công việc hiện nay của Ban TTTT là rất lớn, một nhân sự phải kiêm rất nhiều mảng chuyên môn, chẳng hạn, có nhân sự phải làm đồng thời cả công việc của một phóng viên ngoài hiện trường, vừa phải biên tập tin tức, dẫn hiện trường, đọc lời bình và còn phải dựng hình khi trong trường hợp cần tin nóng. Đối với TTTT tại các Ban ngành hoặc cơ sở huyện thị trực thuộc, nhân lực không cố định và không đồng đều về cả mặt chuyên môn lẫn thời gian tham gia.
Về đào tạo, tại Ban TTTT tỉnh và huyện thị chưa có được nhiều sự tin tưởng từ phía các Trưởng đầu ngành. Đã có nhiều buổi tập huấn do Trung ương tổ chức các Uỷ viên đều tìm cách thoái thác, vì bản thân họ không muốn gắn bó với công việc tốn khá nhiều thời gian, nhất là thành viên đang là tu sỹ. Mỗi kỳ tập huấn thời gian tổ chức có hạn, nhiều thành viên thì không sắp xếp được thời gian để tham dự, nhiều thành viên thì cảm thấy chưa kịp thấm kiến thức thì đã hết thời gian huấn luyện. Chính vì vậy, mà có những nơi chỉ chụp vài ảnh hay quay hình nhưng không viết được nội dung bài hoặc ngược lại.
img 8000 copy
2. Mong ước từ thực tế
Đứng trước những khó khăn tồn tại trong thực tế, chúng con xin phép đưa ra một số giải pháp sau:
  • Sự nhận thức và thấu hiểu: Có thể nói vấn đề thiếu tiếng nói chung xuất phát từ việc chưa có sự thấu hiểu lẫn nhau. Công việc truyền thông vốn là một công việc chuyên môn, không chỉ nhìn là sẽ hiểu, mà phải thực sự có kiến thức. Theo như tìm hiểu của chúng con, trong chương trình đào tạo chưa đề cập nhiều đến vấn đề về truyền thông trong việc giảng dạy tại các cơ sở. Việc có thêm kiến thức về truyền thông Phật giáo ngày hôm nay là rất cần thiết và quan trọng để truyền tải sự kiện trong bối cảnh xã hội hiện đại. Vì thế, sự nhận thức về truyền thông không chỉ dừng lại ở việc có thêm sự thông cảm đối với những người đang làm truyền thông mà còn là giúp đỡ Phật giáo dùng truyền thông như một công cụ hoằng pháp.
  • Sự nhìn nhận và động viên: 95% thành viên trong Ban TTTT còn rất trẻ, Phật tử thừa nhận những thiếu sót về chuyên môn; song Phật tử mong muốn tinh thần hăng hái phục vụ của Phật tử sẽ được đón nhận và động viên; bởi đó là động lực to lớn nhất để các Phật tử tiếp tục trau dồi và cải thiện từng ngày.
  • Sự đồng hành và liên kết: Hiện nay, các thành viên trong Ban là những cá thể truyền thông độc lập, chưa có nhiều sự kết nối hoặc kết nối còn rời rạc. Trong khi hoạt động truyền thông là hoạt động theo những ekip và những nhóm truyền thông; Với thành viên là cư sỹ việc cộng tác, chia sẻ và giúp đỡ nhau khá thuận tiện thì đối với các thành viên đang là tu sỹ thì cộng tác với Cư sỹ đang có nhiều rào cản.
  • Sự quan tâm và giúp đỡ: Trong thời đại xã hội ngày càng phát triển, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc làm lan toả các hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà, truyền thông còn là công cụ đắc lực cho việc hoằng pháp. Chính vì tầm quan trọng đó, mà sức lực của Ban TTTT chưa đáp ứng được. Ban mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm và giúp đỡ không chỉ là động viên tinh thần mà còn hỗ trợ về cơ sở vật chất, nguồn tài chính để Ban có thể hoạt động đáp ứng được phần nào yêu cầu đề ra.
3. Đề xuất giải pháp
– Hiện nay, tại các Ban Trị sự huyện và các Ban ngành chuyên môn, nhân lực về mảng truyền thông vẫn còn rất hạn hẹp, chính vì vậy, chúng con mạn phép được đề xuất: Ban Trị sự các huyện thị trực thuộc nên chú trọng đầu tư hơn nữa về con người để đáp ứng được nhu cầu công việc tại địa bàn mình phụ trách. Đồng thời việc kết nối từ Ủy viên Truyền thông các huyện thị và Ban ngành với Ban TTTT tỉnh cần nhanh chóng hơn nữa.
– Phân định rạch ròi công việc tránh tình trạng khi tác nghiệp xảy ra mâu thuẫn như tại Đại giới đàn 2020, hoặc đùn đẩy nhau khi cần thông tin.
– Ban Trị sự tỉnh nên dành một phần quỹ để động viên các Uỷ viên di chuyển đi tác nghiệp, và mua sắm thiết bị cần thiết.
KẾT LUẬN:
Trên đây là một vài nhận định qua một nhiệm kỳ hoạt động của Ban TTTT. Kính mong Quý Ngài quan tâm để nhiệm kỳ sau Ban hoạt động đúng phương châm “Công tác truyền thông là một kênh của Hoằng pháp”.
Kính chúc Quý Ngài vô lượng an lạc.

Bài viết liên quan