Trước thềm Đại hội Phật giáo tỉnh NK VII: Nghi lễ Phật giáo đi vào lòng dân tộc.

“Nghi lễ thường được thể hiện qua sự ứng xử, giao tiếp trong xã hội, trong tín ngưỡng, trong sinh hoạt tôn giáo thông qua đời sống tâm linh, mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc. nghi lễ là một từ chung mang ý nghĩa qua sự tổ chức, thể hiện các khuôn mẫu giao tiếp đã được đặt ra của một hay nhiều người đối với một hay nhiều người khác, và đối với một hay nhiều thần linh, đấng cao cả siêu nhiên. Nghi lễ ( rite từ gốc la tinh ritualis ) gồm nhiều nghi thức ( rituals ) hành lễ hợp lại”.

NGHI LỄ PHẬT GIÁO ĐI VÀO LÒNG DÂN TỘC

Ban Nghi Lễ GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

 

1

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn đức Trưởng lão Hòa thượng, Chư Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni
Kính thưa Quý Đại biểu
Kính thưa Đại Hội.
Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc qua những chặn đường lịch sử thịnh suy, buồn vui nhân thế. Những vị tổ sư, chưTăng tiền bối đã hành Bồ tát đạo, đem đạo vào đời bằng những phương tiện, hình thức… trong đó Nghi lễ được chú trọng và vận dụng nhuần nhuyễn đem đến hiệu quả tốt đẹp. Nghi lễ Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong công cuộc truyền bá chánh pháp từ xưa đến ngày nay được mọi người ghi nhận, trân quý như chiếc thuyền từ cứu độ nhân sinh
Nhân dịp này cho phép chúng con thành kính đảnh lễ tri ân Ban tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027 với chủ đề chính của đại hội: “ Kỷ cương- Trách nhiệm- Đoàn kết- Phát triển”, đã cho chúng con cơ hội quý báu chia sẻ đề tài tham luận : “Nghi lễ Phật giáo đi vào lòng Dân tộc”.
Trong bài viết này, chúng con xin mạo muội đề cập ba khía cạnh chính đó là ảnh hưởng Nghi lễ trong Tinh thần hiếu hạnh, Tư tưởng yêu chuộng hòa bình và Cách ứng xử. Qua đó góp phần làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc thực hiện nghi lễ đời sống hằng ngày người Việt Nam, chuyển hóa thân tâm được an lạc, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

1. Nghi lễ với Tâm hiếu
Trước hết, nghi là nghi thức, khuôn khổ bề ngoài thuộc phần hình thức; lễ là cách bày tỏ cung kính của mình, lấy hình thức lễ cúng mà nói lên niềm cung kính bên trong.
Sinh hoạt quần chúng nhân dân không tách rời các hoạt động hiếu hỷ. Vã chăng nhân dân ta từ xưa đến nay luôn tôn vinh chữ hiếu, quý trọng người có hiếu, thích nghe gương hiếu, hoan hỷ việc làm báo hiếu. Đạo Phật là đạo hiếu. Từ vị Giáo Chủ Thích Ca Văn Phật trải qua ngàn muôn ức kiếp tu nhân thành chánh giác đều hiếu thảo. Khi thành Phật, vua Tịnh Phạn băng hà, chính Ngài đã kề vai khiêng quan tài vua cha hỏa táng. Cho đến các vị hàng thanh văn lậu tận như tôn giả Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất… cũng tu hạnh hiếu.
Do vậy, trong nhân gian, nhất là hàng Phật tử, khi tụng Tang lễ, sự có mặt của chư tăng phúng tụng kinh văn được xem là con có Hiếu, tăng phần long trọng. Lễ sư trở thành một điểm tựa tinh thần quý báu, kịp thời, kịp lúc cho tang chủ. Những nghi lễ, nghi thức được thiền đức Tăng Ni cử hành tạo niềm tin, sự linh thiên và xoa dịu sự đau thương mất mát người thân quá vãng. Chính những lúc ấy, những người con hiền dâu thảo, rể quý mới có dịp nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời, chiêm nghiệm những câu kinh, lời khai thị của chư Tăng mà tỉnh ngộ, trong lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ nhờ đó điều chỉnh lối sống của mình phù hợp đạo đức, tu thân, tề gia, làm cho gia đình trong ngoài êm ấm, hạnh phúc an lạc từ nơi hiểu và thực hành hạnh hiếu, thực hành giáo lý, lời Lễ sư dạy, ta thấy mở đầu một buổi lễ thường có nghi thức đảnh lễ Tam bảo, chính nơi ba nghiệp : Thân – khẩu – ý cúng dường, đoan nghiêm tề chỉnh từ nội hàm cho đến ngoại tướng trang nghiêm thanh tịnh, người thấy nghe đều kính tâm, không dám nói cười, trở về tâm yên tịnh, lắng lòng hướng về Tam Bảo. Những lời : xướng, dẫn, vịnh, tán trà, kệ, bạch, sám văn… hòa cùng chuông, mõ, khánh, tang và nhạc lễ đánh động vào tâm thức người nghe. Lễ sư như một gạch nối giữa người chết và kẻ sống.trong tâm thức những người sống quán tưởng như mình đang bày tỏ tấm lòng hiếu kính đối với người thân đã mất, sự tiếc thương vô cùng. Do vậy, một người con có hiếu, một gia đình có hiếu lúc nào cũng thỉnh sư hành lễ trong những ngày Tang chế.

12. Nghi lễ với Hòa bình
Nhân dân Việt Nam nói riêng, những người tiến bộ trên thế giới nói chung đều mến chuộng hòa bình,yêu hòa bình, khát khao hòa bình. Ai đã trải qua bom đạn mới hiểu hòa bình là quý báu. Ai trải qua đau thương mất mát mới hiểu giá trị của đoàn viên. Chiến tranh, bạo lực, khủng bố…gây bao tang thương chết chóc, máu đổ, lệ rơi, khổ đau vô cùng. Phật giáo là tôn giáo quý trọng hòa bình, truyền bá hòa bình, dạy người sống hòa bình.Trong kinh tạng ghi chép rất nhiều lời dạy của Phật đà về hòa bình. Do vậy, nhân những ngày lễ lớn Phật giáo hay lễ Phật đầu năm, các chùa hoặc quý Phật tử thường tổ chức những lễ cầu “Quốc thái dân an” hay “Thắp nến tri ân” những vị anh hùng liệt sĩ vì nước quên mình, tri ân các Thánh tử đạo… chính những phút giây linh thiên đó cùng với nghi thức, nhạc lễ trầm hùng đưa tâm thức con người đến bến bình yên, an tịnh, lắng đọng tâm tư, linh thiên mầu nhiệm, để thấu hiểu sự quý giá phút giây yên bình không hận thù, đua tranh, ghét bỏ. yêu quý, tôn trọng, mến thương lẫn nhau trong phút giây hiện hữu cầu nguyện cho mình và cho người.,
Chính lòng vị tha mong ước cho người bình yên, xã hội bình yên, đất nước bình yên, trái đất bình yên, con người xóa tan lòng hận thù, tham lam, ích kỉ đến với nhau bằng cặp mắt từ hòa… nhìn đoàn người trang nghiêm pháp phục, hai tay cầm cây nến cháy đỏ, trong tiếng niệm phật âm vang đi nhiễu quanh chùa tháp đó là thực hành nghi lễ, cũng là giáo dục con người trở về sự thánh thiện trong tâm hồn. hoặc ngồi yên tịnh nhìn ánh nến chiếu sáng trong đêm đen, lòng người như mở rộng, thoát khỏi mọi dây trói buột não phiền trở về với tâm thiện lành yêu thương.
Với giá trị thiết thực đó, Giáo hội nên chăng cần soạn bộ nghi thức “Cầu Nguyện Hòa Bình” tạo điều kiện cho mọi người, mọi giới hướng đến hòa bình, yêu quý hòa bình.

3. Nghi lễ với cách ứng xử
Theo tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, nguyên phó vụ trưởng vụ Văn hóa- Văn nghệ : “Văn hóa ứng xử là tập hợp những nét đẹp thể hiện qua các thái độ, hành động phân xử, đối ứng với một thái độ, hành vi khác thể hiện triết lý sống, các lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động của một cá nhân, một cộng đồng người trong việc ứng xử và giải quyết những mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội từ nhỏ đến lớn”.
Còn theo Hòa Thượng Thích Giác Liêm dạy:
“Nghi lễ thường được thể hiện qua sự ứng xử, giao tiếp trong xã hội, trong tín ngưỡng, trong sinh hoạt tôn giáo thông qua đời sống tâm linh, mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc. nghi lễ là một từ chung mang ý nghĩa qua sự tổ chức, thể hiện các khuôn mẫu giao tiếp đã được đặt ra của một hay nhiều người đối với một hay nhiều người khác, và đối với một hay nhiều thần linh, đấng cao cả siêu nhiên. Nghi lễ ( rite từ gốc la tinh ritualis ) gồm nhiều nghi thức ( rituals ) hành lễ hợp lại”.
Như vậy, nghi lễ là những nghi thức hành lễ được thể hiện qua giao tiếp, ứng xử trong xã hội, tín ngưỡng và sinh hoạt tôn giáo.Trong giao tiếp ứng xử sử dụng nghi lễ Phật giáo, mang sắc thái tâm linh, cung kính, tôn trọng, không dễ dui, khinh lờn, kinh suất, làm cho người ta yên tâm, tin tưởng, kính trọng. đây là tiền đề cho sự thành công trong công việc, như cố Hòa thượng Thích Tâm Hoàn, bậc Long Tượng của Tổ Đình Long Khánh-Bình Định, khi còn tại tiền thường dạy : “Lễ nhạc là điều quan trọng nhất cho đời sống con người, ngoài cơm ăn, áo mặc, nhà ở,v.v…
Vì rằng : Đời thiếu “ Lễ” đời sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn mất trật tự. Đời thiếu “Nhạc” đời sẽ khô khan ảm đạm. Nghi lễ có lịch sử lâu dài, đa dạng, phong phú có đặc trưng riêng từng dân tộc trên thế giới. Với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam có nền văn hóa lâu đời hình thành nên tính cách riêng biệt. Hiện nay với bối cảnh đất nước mở cửa, văn hóa các nước du nhập vào, không ít thanh niên, học sinh nói riêng xã hội nói chung bị ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, trong giao tiếp… rất nhiều hệ lụy, khổ đau trong cuộc sống : cha không ra cha, con không ra con, thầy không ra thầy, trò không ra trò… xã hội bất an, lao tù chờ đón. Đây không phải do thiếu “Lễ” xã hội bị loạn ư? đạo đức bị xuống cấp ư? người nào có lễ nghi, người đó có sức thuyết phục, có sự ảnh hưởng đến mọi người chung quanh, làm cho nhiều người kính ngưỡng,mến mộ, khen ngợi.
Từ đó dẫn đến sự thành công rất lớn trong mối quan hệ, giao tiếp, ứng xử. do vậy, cần chú trọng xây dựng nhân cách, đạo đức qua nghi lễ ứng xử,chúng ta có thể nhen nhúm ban đầu từ quý phật tử đi chùa, lan tỏa dần đến ngoài xã hội, những người quí mến, có cảm tình với đạo Phật, mỗi người khơi dậy, thực hiện, truyền bá, ứng dụng nghi lễ trong giao tiếp là chúng ta đang giúp cho con người, xã hội, nhân quần vãn hồi trật tự mà bấy lâu nay đã và đang làm cho chư tôn đức lãnh đạo Giáo Hội, những nhà tri thức Phật giáo, những người tiến bộ ưu tư, thật sự góp phần thiết thực trong việc hành bồ tát đạo, đem đạo vào đời, chuyển hóa nhân tâm, chuyển hóa con người và xã hội ngày càng tốt đẹp.

Tóm lại: Nghi lễ Phật giáo là bộ môn quan trọng cần thiết trong cuộc sống con người. Nghi lễ tác động rất lớn đến tâm thức con người nhất là việc giáo dục con người trở nên đạo đức, có phẩm hạnh cao quí và tấm lòng biết ơn đối với bậc bề trên, tổ tiên, ông bà cha mẹ. Nghi lễ giúp cho con người tĩnh tâm nhìn lại và thực hiện bày tỏ sự trân quí hòa bình, cầu nguyện cho nhân loại được sống trong yêu thương và hạnh phúc. Nghi lễ giúp cho con người có lối ứng xử tốt, nhân văn, hòa ái, kính trọng, phép tắc. Chính nhờ lối ứng xử có lễ nghi mà được thành công trên mọi mặt giao tiếp, chiếc chìa khóa mở rộng tâm hồn và bàn tay kết nối tin yêu.

 Kính bạch: Chư tôn Thiền đức, kính thưa quí Đại biểu, kính thưa Đại hội.
Trên đây là Tham luận của Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu,
Thay mặt Ban nghi lễ Phật giáo tỉnh BRVT chúng con kính chúc Chư tôn Thiền đức, Quí vị Đại biểu sức khỏe An Khang, vô lượng An lạc vô lượng Kiết tường
Kính chúc Đại hội Thành Công Tốt đẹp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hòa thượng Thích Hoàn Quan- Nghi lễ và Bách sự nhật dụng- Nhà xuất bản Đồng Nai
2.https://hlhpn.bacgiang.gov.vn/ban-can-biet/van-hoa-ung-xu-trong-gia-dinh-truyen-thong-va-hien-dai.htm
3.Tongiaovadantoc.com
4.Hành lễ nghi Thức Phật giáo của Thích Giác Lâm soạn

Bài viết liên quan