Tầm quan trọng của Đại Giới đàn

Ai trong chúng ta điều biết, đức Thế Tôn ra đời do nhân duyên “Khai thị chúng sinh, ngộ nhập tri kiến Phật”. Nhờ chứng Tuệ giác, Phật thấy rõ nguyên nhân khiến con người khổ đau là do “Tham, sân và chấp ngã”. Do vô minh che khuất, chúng ta xem năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là bản ngã. Vì thế, suốt 49 năm thuyết pháp, Phật hướng dẫn chúng sinh nhận biết nguyên nhân của khổ đau và con đường giải thoát. Như vậy, muốn thoát khỏi khổ đau, ta phải phát tâm cầu thọ giới.

Tại sao phải cầu thọ giới? Như chúng ta biết, suốt 12 năm đầu, đại chúng Tỳ kheo có đời sống thanh tịnh, có nhiều vị đắc Thánh quả. Về sau, Tăng đoàn lớn mạnh, xảy ra nhiều việc ảnh hưởng đến sự tu tập. Và để ổn định Tăng đoàn, Đức Phật chế định Giới luật mục đích để nhiếp tăng, được gọi là Luật tạng. Như vậy, để Phật giáo mãi trường tồn, phải lấy giới luật làm thầy và có người kế thừa. Chính vì thế hôm nay, chư Tôn đức trong Ban Trị sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu long trọng tổ chức “ĐẠI GIỚI ĐÀN THIỆN HÒA VII” tại Giảng đường Phật Quang Đại Tòng Lâm dành cho chư Tăng và tại Ni viện Thiện Hòa dành cho chư Ni, nhằm “tuyển người học Phật” để thực hiện sứ mệnh: “Tác Như Lai sứ Hành Như Lai sự”. Từ đó ta thấy “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp”. Do đó, giới tử phải có kiến thức cơ bản về giáo lí Phật đà, có tướng mạo đoan nghiêm và phẩm chất ưu việt. Có như vậy, giới tử sau khi được truyền giới, đứng vào hàng ngũ Tăng già mới đủ uy đức cảm hóa tha nhân, giúp họ phát tín tâm, biết giác ngộ và tu hạnh giải thoát. Và để đứng vào hàng ngũ Tăng già, giới tử sẽ trải qua các vòng khảo hạch như thi viết. tụng Trường hàng, khảo hạch giới tử và cuối cùng là truyền giới cho giới tử.

Vậy Giới là gì? Phật dạy, Giới luật là hàng rào ngăn chặn, để mình không rơi vào tội lỗi. (Phòng phi chỉ ác). Giới gồm:

— Giới thế gian: là đưa hành giả đến quả báo hữu lậu và hưởng phước báu nhân thiên.

— Giới xuất thế gian: là đưa hành giả đến quả báo vô lậu và giải thoát khỏi tam giới.

Dựa vào căn cơ và nghiệp lực, Giới được chia làm ba loại:

— Giới bậc hạ: giữ giới vì cầu danh.

— Giới bậc trung: giữ giới vì cầu phước.

— Giới bậc thượng: giữ giới vì kính giới và tin giới.

Về bản chất, Đức Phật chế định giới luật để phòng hộ các môn, điều phục những sai trái của ba nghiệp: Thân, khẩu và ý. Ngoài ra, khi tiếp xúc với đời, Giới sẽ bảo vệ Tỳ kheo không đánh mất phẩm hạnh. Đối với Tăng đoàn, Giới điều phục và tạo ra sự hòa hợp, đoàn kết, thanh tịnh.

Sở dĩ Phật chế Giới luật là do chúng sanh gây tạo nhiều nghiệp và mỗi giới ứng với mỗi nghiệp. Để hiểu và thực hành đúng giới luật, ta cần hiểu, Giới luật là một trong ba pháp học: Giới, Định và Tuệ (Tam vô lậu học). Do đó, giữ Giới thì tâm an định (Giới sanh Định). Tâm vọng tưởng là nguồn gốc của luân hồi. Tâm dừng, luân hồi cũng dứt. Khi tâm vọng tưởng là ý nghiệp và cũng là nguồn gốc tạo nghiệp. Tâm lặng-nghiệp không. Do đó, muốn thoát khỏi tam giới, trước hết, phải dừng ngay ý nghiệp. Mà ý dừng, không vọng động thì khẩu và thân nghiệp cũng không có “đất sống”. Như vậy, nhờ thực hành Giới hạnh mà Định và Tuệ được thuần khiết. Giữ Giới là phương tiện để cầu tiến giải thoát. Do đó, trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật đã di huấn: “…Này các Tỳ kheo, sau khi ta diệt độ, các Thầy phải trân trọng, tôn kính tịnh giới. Giữ giới như người mù được mắt sáng, nghèo nàn được của báu. Phải biết tịnh giới này là đức thầy cao cả của các ông. Nếu ta còn ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy. Thế nên, các Tỳ kheo, ai giữ gìn tịnh giới thì người đó có thiện pháp, không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sinh. Do đó, biết tịnh giới là an ổn, là nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức”…

Bên cạnh đó, người biết giữ Giới luật, (tùy theo giới phẩm mà mỗi giới tử thọ nhận giới pháp khác nhau) nhằm giúp hành giả tịnh hóa thân khẩu ý (tam nghiệp), đạt được cuộc sống cao thượng của thánh giả A-la-hán mà còn “tốt đời đẹp đạo”. Chẳng hạn:

— Giới không sát sanh: Vì có tâm từ, yêu thương chúng sanh, không nỡ giết hại.

— Giới không trộm cắp: Cảm thông với nỗi đau của người khác mà ta không tham lam.

— Giới không tà dâm: Đặt mình vào hoàn cảnh người, thấu hiểu sự đau đớn khi bị phản bội, mất hạnh phúc, …sẽ chế ngự dục vọng.

— Giới không nói dối: Thấu hiểu cảm giác bị lừa dối, hoặc tai hại hơn “gậy ông đập lưng ông”.

— Giới không uống rượu (và các chất gây nghiện): Căn nguyên tội lỗi đều do rượu, khiến con người vô minh, không kiểm soát được hành vi và tạo nghiệp mà ta từ bỏ.

Và như vậy, người xuất gia cần phải nghiêm trì giới luật. Vì giới là cội gốc hết thảy các điều lành. Giữ giới trong sạch mới có thể duy trì các thiện pháp. Qua đó ta thấy, Giới luật là thọ mạng của Tăng già và cũng là mạng mạch của Phật pháp. Để tránh sự xáo trộn, tạo điều kiện sinh hoạt cho Tăng già, Đức Thế Tôn nêu ra sáu pháp, còn gọi là Lục hòa:

  1. Thân hòa đồng trụ: Một tập thể cần phải sống hài hòa, cởi mở, thuận thảo.
  2. Khẩu hòa vô tránh: Phải nói lời hòa ái, độ lượng và vị tha.
  3. Ý hòa đồng duyệt: Mọi vấn đề có sự đồng thuận, vui vẻ.
  4. Giới hòa đồng tu: Giữ giới luật thanh tịnh, trang nghiêm và biết khuyên bảo lẫn nhau cùng tinh tấn.
  5. Kiến hòa đồng giải: Khai mở tâm trí cho nhau, ôn tồn chỉ bảo, cương quyết chỉ ra lỗi lầm, từ bỏ tà kiến quay về chánh pháp.
  6. Lợi hòa đồng quân: Có tài lợi phải phân chia đồng đều, kiến tạo cuộc sống bình đẳng, an vui.

Cổ đức từng nói: “Tăng già lấy lục hòa làm gốc. Giải thoát lấy giới luật làm đầu”. Như vậy, để có đời sống thanh tịnh, sự tương kính và hòa hợp giữa các Tỳ kheo cần có Lục hòa.

Như vậy, Giới luật là yếu tố cần thiết tạo sự thanh tịnh của đời sống phạm hạnh và sinh hoạt Tăng già. Do đó, bất kì vị Tỳ kheo nào giữ gìn tịnh giới đều thành tựu mười điều sau:

(1) Nhiếp thủ chư tăng: Khi đăng đàn thọ cụ túc, là chính thức gia nhập Tăng đoàn, trở thành một trong ba ngôi báu (Tam bảo).

(2) Linh tăng hoan hỉ: Người giữ giới thanh tịnh như hương thơm, người người kính trọng, ngưỡng mộ, tôn vinh.

(3) Linh tăng an lạc: Tăng đoàn sống theo giới pháp thanh tịnh, lấy giới luật làm kỉ cương.

(4) Linh vị tín giả tín: Vị Tỳ kheo sống đời phạm hạnh, là hình ảnh mẫu mực để mọi người nương theo, không lầm đường lạc lối.

(5) Dĩ tín giả linh tăng trưởng: Giới luật là hàng rào ngăn chặn phiền não. Tuệ nhờ Giới mà Định và nhờ Định mới có Tuệ.

(6) Nan điều phục giả linh điều phục: Tăng đoàn chỉ chấp nhận những người sống thực hành đúng giới luật. Tuyệt đối không chấp nhận người ngoan cố.

(7) Linh tâm quý giả đắc an lạc: Nếu ba nghiệp manh nha khuấy động, kịp nhận ra, sẽ lấy Giới luật ngăn chặn lại, không cho nó khởi phát.

(8) Đoạn lậu hoặc hiện tại: Khi 6 căn gặp cảnh, Giới luật ngăn chặn đúng lúc, tâm không phiền não, không tạo nghiệp.

(9) Đoạn vị lai hữu lậu: Nếu “hạt giống phiền não” đã “nảy mầm”, năng lực tịnh giới ngăn không “tưới tẩm” vậy là nó “không có đất” để tồn tại.

(10) Linh chánh pháp cửu trụ: Đức Phật di giáo “phải tôn trọng và giữ gìn giới luật”.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Giới là mẹ sinh ra các công đức”. Và đồng thời, Giới cũng đoạn trừ phiền não. Vậy, Giới là gốc để bước lên bậc thang của giải thoát và Giới mang lại cho hành giả năm điều lợi ích:

— Có giới đức- tinh thần không phóng dật.

— Tiếng tốt đồn xa, lưu danh muôn thuở.

— Tự tin, không sợ hãi, rụt rè trước hội chúng.

— Khi lâm chung tinh thần không bấn loạn.

— Mạng chung được sanh vào thiên giới.

Qua đó ta thấy, Giới hạnh của xuất gia liên quan đến sự thịnh suy của Phật pháp. Nếu giới tử không giữ gìn giới luật thì không thể phân biệt ai là người xuất gia, đâu là kẻ thế tục. Như vậy, Giới luật vun bồi phẩm hạnh và nhân cách giới tử. Một khi đã nhận thức rõ vai trò của Giới luật, giới tử phải có nhiệm vụ bảo tồn chánh pháp. Tự mình thực hành nghiêm trang giới luật. Vì mỗi giới tử là một nhân tố tạo lập ngôi Tam bảo, quyết định sự tồn tại giáo lí của Đức Thế Tôn.

Song, trong bối cảnh hiện nay, muốn chánh pháp trường tồn, các sứ giả của Như Lai phải tùy duyên mà đưa Giới luật một cách uyển chuyển, linh động. Vì Giới luật là để uốn nắn người xấu thành tốt, khiếm khuyết thành hoàn hảo chứ không phải để trừng trị hay lên án. Giới nghiêm để khắc phục những tập tính, những thiếu sót, nhưng luôn mở lòng tha thứ và cho họ cơ hội phục thiện. Luật dùng để nâng đỡ những tâm hồn yếu đuối, không phải để giẫm đạp hoặc xô đẩy cho đọa lạc. Do đó, với người có tinh thần yếu đuối, nếu căng đúng Giới, họ thấy bất kham, buông xuôi, chán nản và dễ đọa lạc. Riêng với người có ý chí kiên cường, xử lí nặng, đôi khi đó lại là động lực giúp họ tôi luyện ý chí, nghị lực để vươn lên.

Như vậy, Giới luật là điều cần thiết cho người xuất gia. Giới tử giữ gìn Giới hạnh trang nghiêm, tài đức song toàn chẳng khác nào như cây thông bên sườn núi, như cây quế giữa rừng già. Chính những vị ấy xứng đáng là con của Như Lai. Và một lần nữa, ta có thể khẳng định: “Giới luật chính là thọ mạng của Phật pháp”. Đó chính là tầm quan trọng của Đại giới đàn.

Thích nữ Mẫn Liên

Bài viết liên quan