HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ: “NHỮNG GÓC KHUẤT CÒN BỎ NGỎ…”

Sau Đại hội Phật giáo năm 1981, Ban Hướng dẫn Nam nữ Cư sĩ ra đời, đến nay có danh xưng Ban Hướng dẫn Phật tử (BHDPT) với đầy đủ năm Phân ban và năm Tiểu ban chuyên trách trực thuộc, được xây dựng nhân sự cơ cấu tổ chức từ cấp trung ương, tỉnh thành, huyện thị. Tất cả sự nổ lực đó nhằm đưa đạo vào đời cũng như đưa người vào đạo, nhưng chúng sanh căn tánh dị biệt, xã hội đầy biến động, kinh tế-văn hóa phát triển vượt bậc, đặc biệt sự bùng bổ của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 đã mở ra một kỷ nguyên xã hội mới, mà ở đó Nghành Hướng dẫn Phật tử (NHDPT) vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu tâm linh mà quần chúng đang khát khao chờ đợi.

HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ: “NHỮNG GÓC KHUẤT CÒN BỎ NGỎ…”

 

Tham luận của Ban hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Tác giả: Đại đức Thích Hạnh Danh,
Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban HDPT tỉnh

img 2973 copy
Dẫn nhập
Trong xuyên suốt hơn 40 năm truyền giáo, Đức Phật luôn mang thông điệp “Hạnh phúc và An lạc” đến mọi giai tầng của xã hội không phân biệt màu da, sắc tộc, xuất thân cũng như giai cấp. Không những chúng sanh trong cõi người mà ngay cả chư Thiên ở các cõi trời cũng luôn được Ngài quan tâm và thương tưởng, thông qua lời giáo huấn trong kinh Tương Ương Bộ: “Này các Tỷ-kheo, các Ông cũng được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh.”[1]
Từ khi hai thương buôn Tapussa và Bhallika cúng dường lên Đức Phật bánh gạo và mật ong sau khi ngài thành đạo và đang ngự tại cội cây Rājāyatana. Đây là bữa ăn đầu tiên được Đức Phật thọ nhận sau khi giác ngộ. Sau đó hai thương buôn xin quy y nhị bảo (Phật bảo, Pháp bảo) và trở thành Phật tử đầu tiên trong chúng Ưu Bà Tắc (Upāsaka). Phật tử được hình thành từ sự kiện này và đóng vai trò hộ pháp trong xuyên suốt hơn 2500 lịch sử thăng trầm, thịnh suy của Phật giáo.
Chư tiền bối Tổ sư vì kế thừa sứ mệnh Đức Phật đã giao phó, được ghi lại trong kinh Tương Ưng Bộ, cũng như nhận thức tầm quan trọng vai trò người Phật tử trong vận mệnh thịnh suy của Phật giáo, vì thế quý Ngài phương tiện thiện xảo để Phật tử đến chùa và đưa Giáo pháp đến gần hơn với quần chúng Phật tử thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Kỳ siêu, Kỳ an, Bát Quan trai, Lễ vía, Lễ hội Phật giáo… gần nhất khoảng vào thập niên 1960 Thiền sư Thích Nhất Hạnh chủ trương Phật giáo nhập thế hay còn gọi Phật giáo dấn thân (Engaged Buddhism) trong tác phẩm “Hoa sen trong biển lửa”. Sau Đại hội Phật giáo năm 1981, Ban Hướng dẫn Nam nữ Cư sĩ ra đời, đến nay có danh xưng Ban Hướng dẫn Phật tử (BHDPT) với đầy đủ năm Phân ban và năm Tiểu ban chuyên trách trực thuộc, được xây dựng nhân sự cơ cấu tổ chức từ cấp trung ương, tỉnh thành, huyện thị. Tất cả sự nổ lực đó nhằm đưa đạo vào đời cũng như đưa người vào đạo, nhưng chúng sanh căn tánh dị biệt, xã hội đầy biến động, kinh tế-văn hóa phát triển vượt bậc, đặc biệt sự bùng bổ của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 đã mở ra một kỷ nguyên xã hội mới, mà ở đó Nghành Hướng dẫn Phật tử (NHDPT) vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu tâm linh mà quần chúng đang khát khao chờ đợi.
Trong phạm vi của bài tham luận người viết xin mạo muội nêu lên thực trạng và giải pháp cho NHDPT trong kỷ nguyên xã hội mới đầy biến động, nhằm hoàn thiện hơn hoạt động của NHDPT. Tất cả những quan điểm đều mang tính cá nhân và chủ quan của người viết kính chư Tôn đức Trưởng thượng thẩm tường, quý thức giả liễu tri.
img 4680 copy

II.Nội dung
II.1.Vấn nạn của các hình thái Tín đồ Phật giáo hiện nay
          Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên theo đường hải và đường bộ[2]. Đến nay, đã hơn 2000 năm lịch sử giữ đạo và truyền đạo giáo pháp của Đức Như Lai được truyền bá phổ biến và rộng khắp trong cả nước. Hiện nay tín đồ Phật giáo bao gồm nhiều thành phần xã hội và phát triển khá nhanh về số lượng. Tuy nhiên, bởi vì điều kiện khách quan cũng như chủ quan trong vấn đề học Pháp và hành Pháp mà Tín đồ Phật giáo cũng được phân hóa nhiều hình thái khác nhau.
II.1.1.Tín đồ thiên về triết học
Đây là những Tín đồ yêu thích học Phật, nghiên cứu chuyên sâu họ thích thú với những triết lý cao siêu trong Tam Tạng giáo điển, dẫn đến phê phán và phản bác những hình thức tâm linh truyền thống như Lễ lạy, Kỳ an, Kỳ siêu…. Mặc dù những hình thức này vào thời Phật giáo Sơ kỳ[3] chưa được thực hành, mà được chư Tổ sư tiền bối phương tiện thiện xảo ứng dụng trong quá trình hành đạo. Cho rằng Phật giáo hoàn toàn tự lực, không bao giờ nương tựa vào cái gì bên ngoài.
Thành phần Tín đồ thiên về triết học chủ yếu là giới Trí thức, Văn sĩ, Thi sĩ bởi vì nghiên cứu Phật học chưa toàn diện, chưa nhận thức về khế lý, khế cơ, khế thời trong ứng dụng và truyền bá lời Phật dạy nên có những nhận định mang tính chủ quan và sai lầm.
II.1.2.Tín đồ thiên về Tu tập 
          Hiện nay, tín đồ Phật tử được nhân duyên tiếp cận nhiều pháp môn tu nên sự tu tập rất sôi nổi đang diễn ra phổ biến khắp nơi. Tựu chung là pháp môn Thiền, Niệm Phật, Trì Chú (Mật Tông), Trì Kinh, nhưng do người hướng dẫn chưa am tường Pháp học (pariyatti), chưa chuyên sâu về Pháp hành (paṭipatti) dẫn đến hướng dẫn sai lệch, cực đoan và biến tướng trong pháp môn tu, hệ quả là Phật tử thực hành theo các pháp môn tranh cãi, phê phán, thậm chí là xung đột lẫn nhau vì bị xúc phạm đến pháp môn mà bản thân đang thực hành.
Thành phần tín đồ chủ yếu là Phật tử đi chùa lâu năm nhưng ít học Giáo lý, chỉ tu tập theo sự hướng dẫn của vị Thầy nơi mình sinh hoạt tâm linh, hoặc vị Thầy mà bản thân mến mộ.
img 5056 copy
          II.1.3.Tín đồ thiên về tín ngưỡng
Đây là số lượng tín đồ chiếm đại đa số hiện nay bao gồm Sĩ, Nông, Công, Thương bởi vì truyền thống gia đình là tín đồ nên họ đến chùa, do tất bật mưu sinh cuộc sống, thiếu cơ hội được tiếp cận Giáo pháp chân chánh. Dẫn đến mục đích đến chùa là để Cầu nguyện, van xin cho bản thân và gia đình trong cuộc sống, sự nghiệp. Khi gia đình hữu sự mới đến chùa để tìm sự bảo hộ và che chở.
“Hữu tật thì bái tứ phương,
Vô tật đồng hương chẳng mất”
Đức Phật lúc này không còn là bậc Đạo Sư (Guru) của trời người mà chỉ là vị Thần để ban phúc giáng họa.Vì vậy, mang danh Phật tử người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lạy, gặp ma quỉ thì cầu xin. Không phân biệt đâu chánh đâu tà, nghe ở đâu linh thiêng là đến để cầu nguyện van xin nên chùa cũng đến, miễu cũng thăm, nhà thờ cũng viếng.
          II.1.4.Quần chúng có cảm tình với Đạo
Hình thái quần chúng có cảm tình với Đạo được phân bố rộng khắp trong cả nước và các giai tầng của xã hội. Họ quý kính, mến mộ bởi vì sự cao quý, thanh cao, thoát tục của ba ngôi Tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Nhưng Tín đồ ở phương diện này hầu như không hội đủ nhân duyên để đến chùa, tiếp cận chánh pháp, thân cận Tăng để được giáo dục và khích lệ để phát triển niềm tịnh tín đối với ba Ngôi báu. Vì thế Tín đồ thì không được sự quan tâm, khai sáng, hướng dẫn đúng chánh pháp bởi Tăng bảo, ngược lại Tăng bảo cũng không thể tiếp cận để thực hiện sứ mệnh “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”.
II.2.Đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề
          Từ những vấn nạn đã được trình bày ở trên, người viết xin được mạo muội đề xuất một vài kiến nghị nhằm cung cấp thêm giải pháp trong công tác HDPT ngày càng hoàn thiện và vững mạnh, để có thể đáp ứng những thách thức của thời đại và thách thức này cũng chính là cơ hội truyền bá chánh pháp của Đức Như Lai rộng khắp ở thế gian.
II.2.1.Phương diện Giáo hội
          Trong thế giới phẳng (The World is Flat)[4] ngày nay cũng như sự tiếp biến văn hóa, Phật giáo Việt Nam đang tiếp nhận các trường phái Phật giáo khác nhau từ các nước lân cận, kết hợp với văn hóa và Phật giáo bản địa tạo nên sinh hoạt tâm linh mang sắc thái độc đáo và phong phú. Nhưng mặt trái lại tạo nên sự khó khăn và hoang mang trong Tín đồ khi phải lựa chọn pháp tu phù hợp. Vì thế, Giáo hội cần định hướng cụ thể, chuẩn mực về Giảng dạy Giáo lý, Pháp tu và Biên soạn thành sách như một giáo trình đưa vào trong các trường Phật học đào tạo Tăng Ni trẻ để sau khi tốt nghiệp trở thành người Hướng dẫn Phật tử am tường cả Pháp học và Pháp hành (các nước Phật giáo như Thái Lan, Miến Điện, Butan, Tích Lan… vv đang làm rất tốt lĩnh vực này).
Ngoài ra, cần triển khai đến các tỉnh, thành trong cả nước, phổ biến rộng rãi đến toàn thể Tín đồ như là một công thức làm hệ quy chiếu trong vấn đề thẩm định một 1 bài giảng, 1 pháp tu.
Mở chuyên khoa đào tạo Tăng Ni về “Phật giáo dấn thân”, hướng dẫn, khích lệ Tăng Ni trẻ về vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng núi…vv nhằm mang giáo pháp đến với đồng bào tín đồ đang có cảm tình với Phật giáo (hiện nay tôn giáo bạn đang thực hiện rất tốt cụ thể là Tin Lành, Miến Điện thành lập Học viện chuyên đào tào Tăng trẻ hướng về Hoằng pháp ở biên giới và đồng bào thiểu số).
II.2.2.Phương diện Ban Hướng dẫn Phật tử
Hiện nay, sự phối hợp trong công tác Phật sự của chuyên nghành HDPT từ Trung ương tới địa phương là mờ nhạt nếu không muốn nói là lỏng lẽo. Điều này do vị đứng đầu của chuyên nghành tại địa phương chưa nhận thức tầm quan trọng trong Phật sự chung, bên cạnh đó còn là sự hạn chế và trình độ và nghiệp vụ trong điều hành Phật sự. Vì thế, BHDPT cần mở các khóa đào tạo ngắn hạn cho chư Tôn đức lãnh đạo chuyên nghành HDPT về lý tưởng, kiến thức, nghiệp vụ, trách nhiệm trong lĩnh vực đang đảm trách.
Cần kết hợp chặt chẽ với chư Tôn đức trụ trì mở các lớp Giáo lý, đạo tràng tu học, Câu Lạc bộ Thanh niên, Khóa tu mùa hè, Trại hè, các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, giảng kinh, luật, luận. Hướng dẫn chư Tôn đức trụ trì ứng dụng nhuần nhuyễn và hiệu quả giữa Phật giáo Tu học và Tín ngưỡng dựa trên căn cơ của tín đồ địa phương phù hợp với khế lý, khế cơ, khế thời. Được như vậy tín đồ mới có nền tảng xây dựng niềm tin chơn chánh, sâu sắc với Tam bảo.
II.2.3.Phương diện chư Tôn đức trụ trì
Chư Tôn đức trụ trì thay mặt Giáo hội quản lý Phật sự tại địa phương, vị trụ trì nắm vận mệnh hưng suy của Phật pháp tại địa phương, HDPT tu học, phát triển tiến đồ nơi mình quản lý. Vì thế, vị trụ trì là một đạo sư, nhà hoạch định chiến lược, nhà điều hành…, vị đó phải trao dồi, tu học cần hội đủ các phẩm chất của Ngũ minh ngoài ra cần nắm vững công nghệ thông tin, kỹ năng sống, tâm lý. Tất cả những kiến thức, năng lực, phẩm chất đó chỉ để đáp ứng HDPT trong xã hội mới. Cần đa dạng hóa hình thức hoằng pháp, tu học cho phù hợp với mọi lứa tuổi như Khóa tu cho người già, Khóa tu cho tuổi trung niên, Khóa tu cho người bận rộn, Khóa tu cho Học sinh, Sinh viên, chương trình đào tạo kỹ năng sống, tư vấn hôn nhân gia đình, trà đạo, hướng nghiệp. Mục đích hướng dẫn Tín đồ hiểu đạo và tu tập đúng chánh pháp theo con đường hướng thiện và hướng thượng.

III.Kết luận
Bài viết trên đây đã điểm qua một vài vấn nạn của Tín đồ Phật giáo hiện nay, thông qua đó mạo muội đề xuất một vài giải pháp mang tính thiết thực, người viết mong rằng sẽ đóng góp để phát triển hơn nữa nghành HDPT xứng tầm với vị thế chuyên nghành quan trọng nhất nhì trong các chuyên nghành của Giáo hội trong tương lai gần, quan trọng hơn hết xây dựng đời sống tâm linh an lạc hạnh phúc cho Tín đồ, giữ gìn chánh pháp tại thế gian, nhận thức Giáo pháp của Đức Phật đơn giản, thiết thực, dễ học, dễ tu, xây dựng cõi thế gian trở thành thế giới Tịnh độ, kho tàng Pháp bảo đồ sộ được tóm lại trong câu Pháp Cú số 183. Kính chư Tôn đức và quý liệt vị thức giả liễu tri.

“Không làm các điều ác.
Thực hành các hạnh lành,
Giữ Tâm ý trong sạch,
là lời chư Phật dạy.”

(Pháp cứu 183)

 

 

[1] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ương, tập 1, (Hà Nội: NXB Tôn Giáo 1993), tr128.
[2] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, (HCM: Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh 2001).

[3] Thời kỳ Phật giáo Sơ kỳ được xác định từ thời Phật tại thế cho đến khoảng một trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn và Tăng đoàn bắt đầu phân chia bộ phái (It may also refer to early Buddhism as existing until about one hundred years after the Parinirvana of the Buddha, until the first documented split in the Sangha).  https://www.dhammawiki.com/index.php/Original_Buddhism
[4] Thomas L. Friendman, The World is Flat, 1st edition (USA: Farrar, Straus and Giroux Publisher 2005).

Bài viết liên quan