HOẰNG PHÁP VỚI THANH THIẾU NIÊN THỜI HIỆN ĐẠI

Tuổi trẻ thời hiện đại là một đối tượng người nghe không dễ dung nạp những gì họ chưa được nhìn rõ, hiểu rõ thậm chí thể nghiệm thực tế. Cho nên những mục tiêu đặt ra của ngành hoằng pháp Phật giáo hướng tới việc chuyển hóa cách nhìn, cách suy nghĩ và hành động từ vị kỷ đến vị tha, từ hẹp hòi đến bao dung, từ cái “tôi” ích kỷ thành cái “ta” đẹp đẽ… nơi đối tượng này, đòi hỏi một sự đổi mới phù hợp của công tác hoằng pháp.

HOẰNG PHÁP VỚI THANH THIẾU NIÊN THỜI HIỆN ĐẠI

Tham luận của Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Tác giả: Thượng tọa Thích Thiện Thuận

hp 5

  1. Dẫn nhập

Nếu cách đây vài năm, đối tượng đến chùa đa số là những bậc lão niên 50 – 70 tuổi, thì ngày hôm nay số người trẻ đến chùa đã tăng lên rõ rệt. Các khóa tu mùa hè dành cho đối tượng sinh viên học sinh luôn đạt ngưỡng vài chục ngàn trở lên. Những khóa xuất gia gieo duyên nơi các chùa cũng có ít nhất số lượng vài chục hoặc trên trăm bạn đăng ký mỗi lượt.
Một câu hỏi đặt ra, những người trẻ tìm thấy gì trong ngôi nhà Phật pháp? Ở đây phải đánh giá sự thành công nhất định của công tác hoằng pháp 10 năm trở lại đây. Chúng ta không chỉ đưa được nhiều người trẻ bước chân vào cổng chùa mà còn dẫn dắt họ tiếp cận gần nhất với giáo lý như thị. Thuyết phục những người trẻ, có tri thức tin rằng, thế giới vật lý của chúng ta không thay đổi được vì ý muốn của Đức Phật. Nhưng chắc chắn, giáo lý của Ngài sẽ chỉ ra được phương pháp khiến con người thoát được khổ đau. Và đó là bước mở đầu để những con người trẻ vốn hay hoài nghi, chất vấn, nhẹ nhàng bước chân vào cửa không, khoan thái ngồi im, lắng nghe lời nói của một vị thầy trong Phật giáo.
Tuy nhiên, ngày hôm nay, trước sự chuyển biến như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, 5.0, một cuộc cách mạng được đánh giá chưa từng có trong lịch sử nhân loại, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới; tạo ra một thời đại mới nghiêng về các công nghệ số, internet với mục đích biến thế giới thực, thành một thế giới số; trong thời đại đó, sự đứng im sẽ đồng nghĩa với sự thoái trào, vì thế công tác hoằng pháp Phật giáo đặt ra yêu cầu phải có những bước đi và sự chuẩn bị đổi mới với một định hướng chiến lược phù hợp để có thể tiếp tục gieo trồng hạt giống Phật pháp ở thế hệ trẻ đã có nhiều thay đổi về nhận thức, tư duy và cực kỳ nhạy cảm về đời sống tâm linh.

  1. Nội dung

II.1 Nhận thức thực trạng thanh thiếu niên Việt Nam ngày nay
     II.1.1 Mặt tích cực
     Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay khá nhạy bén và xông xáo làm chủ tri thức, khoa học kỹ thuật. Đất nước thời hội nhập tạo nhiều điều kiện cho các bạn trẻ cơ hội giao lưu, học hỏi khắp 5 châu 4 biển, không có gì thuộc về con người mà xa lạ với họ. Thời đại kỹ thuật số trang bị cho giới trẻ cả một kho tri thức ngay bên cạnh. Chỉ một cú ấn phím họ có thể mở ra cả thế giới tri thức từ cổ chí kim. Internet cho giới trẻ khả năng nắm bắt mọi nguồn thông tin ở tốc độ nhanh nhất, và cũng chính họ là người truyền tin nhạy bén nhất về tất cả những gì họ nghe thấy và ghi nhận thông qua mạng xã hội.
II.1.2 Mặt tiêu cực
Có một điều không thể phủ nhận, thời đại ngày càng tiến bộ, ranh giới giữa cái tốt, cái xấu lại càng mỏng manh, nhạy cảm. Bên cạnh một bộ phận thanh thiếu niên năng động, biết làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống với nhiều đóng góp cho xã hội, thì vẫn có đó một bộ phận tuổi trẻ chạy đua theo lối sống vật chất và tự do cá nhân, sống ích kỉ, thờ ơ, vô cảm, thiếu tình thương, yêu trước cuộc sống, không quan tâm đến trách nhiệm của mình đối với gia đình, xã hội và đất nước. Họ có thể là nạn nhân của lối sống thụ động, nhưng đồng thời cũng có thể là những tội phạm trẻ mà xã hội kêu gọi loại bỏ.

II.2 Công tác hoằng pháp cần một sự đổi mới
Tuổi trẻ thời hiện đại là một đối tượng người nghe không dễ dung nạp những gì họ chưa được nhìn rõ, hiểu rõ thậm chí thể nghiệm thực tế. Cho nên những mục tiêu đặt ra của ngành hoằng pháp Phật giáo hướng tới việc chuyển hóa cách nhìn, cách suy nghĩ và hành động từ vị kỷ đến vị tha, từ hẹp hòi đến bao dung, từ cái “tôi” ích kỷ thành cái “ta” đẹp đẽ… nơi đối tượng này, đòi hỏi một sự đổi mới phù hợp của công tác hoằng pháp.
II.2.1 Củng cố công tác nhân sự
Thông qua đời sống tâm linh, đạo Phật hướng con người tới một cuộc sống mà ở nơi đó các giá trị tốt đẹp, hướng thiện của  con người được trân trọng. Lòng khoan dung, nhân ái, vị tha, tinh thần từ bi, nhân đạo, bình đẳng, công bằng và an vui  cho tất cả chúng sinh; nói chung, tất cả những gì tốt đẹp nhất đều được nâng lên thành mục đích sống cho nhân loại.
Để chuyển tải những giá trị tốt đẹp đó đến với giới trẻ thời đại kỹ thuật số, đến với những con người luôn cảm thấy mình không có nhiều thời gian, không có niềm tin vững chắc vào những gì không thuộc thế giới mà họ có thể cầm, sờ, nắm và đi đến những lời giải đáp tận cùng, đòi hỏi một chương trình đào tạo, bồi dưỡng những người làm công tác Hoằng pháp có nội lực tu học và khả năng sinh hoạt linh động trong môi trường mới.
II.2.2 Kiến thức của nhà Hoằng pháp
Thời đại mới đòi hỏi một vị giảng sư không chỉ phải có kiến thức căn bản về nội ngoại điển và chuyên môn, mà cần phải cập nhật kiến thức xã hội, công nghệ mới liên tục để tự trang bị cho mình một khả năng linh hoạt, đầy sức thuyết phục về tri thức Phật học, khoa học và đời sống; tự tin trở thành người dẫn đường thông thái, được tôn kính và tin cậy, chiêu cảm được mọi thành phần xã hội, lứa tuổi; giúp mọi người tin rằng từ bi – trí tuệ có thể làm thay đổi cuộc sống ngày càng tốt hơn lên và chính con người sẽ là người giải phóng cho chính mình thoát khỏi mọi sự khổ đau, ràng buộc.
 II.2.3 Kiến thức Phật học
Người làm công tác Hoằng pháp phải có kiến thức Phật học thật vững chắc gồm hai hệ thống Nam – Bắc truyền. Một nền tảng kiến thức tự thân được mở ra và trải nghiệm từ nỗ lực tu học, nghiên cứu kinh điển Phật học. Giảng sư không đơn thuần là diễn giả mà chính là “người thầy dẫn đường” hóa thân vào thời đại dưới hình thức một tu sĩ được xây dựng trên nền tảng niềm tin của thính chúng đối với giáo lý thể nghiệm của đạo Phật. Sự thông thạo kinh điển giúp cho người giảng sư không né tránh và không tạo ra sự hoài nghi trong thính chúng trẻ, một đối tượng người nghe có tri thức khoa học và rất ham muốn hiểu biết, luôn có xu hướng chất vấn, phản biện để tìm ra chân lý. Một điều không thể chối cãi là bao lâu còn có hoài nghi, hoang mang, do dự, thì không thể nào các em có thể tinh tấn trong tu học. Muốn xa lìa hoài nghi, những người trẻ rất cần được hiểu rõ, thấy rõ. Và muốn được như vậy, đòi hỏi người dẫn đường là các Tăng Ni giảng sư phải có một “túi càn khôn” là sự tinh thông giáo điển Phật-đà.
Không chỉ như thế, sức thuyết phục nơi vị giảng sư ngồi trên pháp tòa còn là sự thẩm thấu chân lý qua đời sống thực nghiệm bản thân. Phải dùng kiến thức chắc thật này mới có thể diễn bày chân lý với giới trẻ. Chỉ nói lý thuyết suông sẽ vô tình biến giáo lý kinh điển của đạo Phật trở nên giáo điều, xa lạ thực tế. Và sự diễn giải không khéo còn có thể biến giáo lý giác ngộ trở nên thô thiển, cản trở sự tiến bộ, cản trở con người tự giải phóng cho chính mình. Phải luôn nhớ rằng, mục tiêu cuối cùng của đạo Phật là đưa con người đến sự giác ngộ, giải thoát, nhận chân Phật tánh trong bản thân mình chứ không phải dẫn dắt con người vào thế giới tâm linh đầy hình thức phô diễn.
 II.2.4 Kiến thức xã hội
Giới trẻ luôn tìm hiểu và hướng về tương lai với yếu tố khám phá hay chinh phục để thoả mãn tính học hỏi lẫn hiếu kỳ; cho nên, sống giữa kỷ nguyên 4.0, 5.0,  tối thiểu người làm công tác hoằng pháp cũng phải có kiến thức căn bản về công nghệ thông tin, kỹ thuật số… bên cạnh các kiến thức chung mãng xã hội, để ứng dụng vào sự nghiệp hoằng pháp, giáo hóa chúng sanh. Và trước hết là tìm được điểm chung với thế hệ trẻ hiện đại, năng động này.
Một vị giảng sư hoàn toàn không biết gì về các loại hình dịch vụ hay sân chơi giải trí của du lịch, giáo dục, thể thao; biến đổi khí hậu, tội phạm vị thành niên… thì dường như mọi nguồn cảm hứng giao thoa giữa giảng sư và thính chúng trẻ đã tê liệt. Những kiến thức xã hội được cập nhật sẽ là chiếc cầu nối để giảng sư chuyển tải đạo lý đến với giới trẻ một cách hiệu quả và nhanh nhất. Một vị giảng sư không xa lạ quá với những ngôn ngữ của tuổi trẻ thời công nghệ số cũng là yếu tố giúp đối tượng người nghe trẻ cảm thấy có một sự gần gủi, tin tưởng vị thầy là người đương thời với mình; có thể hiểu và lắng nghe nỗi khổ, niềm đau của mình.
 II.2.5 Kiến thức chuyên môn
Không bàn đến người làm công tác hành chánh hay nghiệp vụ văn phòng của ngành Hoằng pháp, nhưng nếu một vị giảng sư mà hạn chế về khả năng biện tài thì xem như không thể thành công viên mãn trên bục giảng với vai trò nhà truyền giáo.
Thực tế, không thể phủ nhận sự đóng góp của một số vị giảng sư có tầm ảnh hưởng lớn đối với đông đảo quần chúng trong và ngoài nước, sự nghiệp hoằng pháp của các vị này hoàn toàn do thực tài và nhân duyên sâu rộng với thính chúng. Điều chúng ta cần suy nghĩ về nguyên do sự thành công của các vị giảng sư này là khả năng chuyên môn, nhất là kỹ năng thuyết giảng. Kỹ năng này thể hiện tính sư phạm linh động để có thể đứng vững trên mọi hình thức diễn đàn, mọi lứa tuổi thính chúng. Thông thường, kỹ năng diễn giảng giỏi đòi hỏi phải đáp ứng được 3 yếu tố: nguồn thông tin cung cấp phong phú, chắc thật; tính thuyết phục của tư duy biện luận logic; ngôn ngữ thể hiện rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết thu hút sự tập trung chú ý. Với một nhà diễn giảng là tu sĩ, sức thuyết phục còn tạo ra từ phong thái nghiêm trang, đỉnh đạc, dung diện hoan hỷ, lời nói nhu hòa, câu từ chọn lọc …Và trên tất cả là sự chiêu cảm từ quá trình tu tập, hạnh nguyện độ sinh.
hp 2
II.3 Đổi mới phương pháp chuyển tải
Công tác hoằng pháp đang rất cần một phương pháp truyền trao mới, một nội dung chuyển tải mới để đáp ứng được nhu cầu rất hiện đại của người nghe trẻ và trí thức. Cần có một tiếng nói chung để người nói và người nghe bắt gặp nhau trong quá trình trao truyền tuệ giác, nơi đó hiểu và thương sẽ kết nối hành trình học Phật. Chuyển tải những nguyên lý Phật học vốn đã có mặt sẵn trong đời sống theo một cách nhìn mới, một lối diễn giảng mới phù hợp với nhận thức mới của lớp người trẻ tuổi, có tri thức.
Điều này cần đến một sự thay đổi, cách tân mới trong cách trình bày, diễn giảng. Đổi mới nhưng không làm mất đi cái tinh hoa của Phật học .
II.3.1 Xây dựng chủ đề diễn giảng gần gủi đời sống giới trẻ
Có một thực tế, người trẻ luôn quan tâm tới những vấn đề thuộc về mình như tình yêu, lý tưởng và sự nghiệp…; công tác hoằng pháp không thể đi vào lòng người nếu rời xa những đề tài thiết thực này. Sự gia công kết gắn đạo vào đời ở đây, để lựa chọn những đề tài phù hợp cho tuổi trẻ chiêm nghiệm chính mình và chung quanh mình dưới góc nhìn Phật giáo sẽ giúp những buổi thuyết giảng có sức thu hút bạn trẻ tập hợp và lắng nghe.
Như thế, những vấn đề được học, được nghe nơi ngôi già-lam cổ kính sẽ không chỉ khuôn lại trong kinh điển, giáo lý mênh mông, thậm thâm vi diệu mà nên tùy đối tượng để mở ra những đề tài gần gủi đời sống tuổi trẻ, đi vào những điều sâu tận bên trong đời sống, trong từng ngôi nhà, trong nỗi khổ đau của ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè, quyến thuộc… để con cái nhìn cha mẹ; vợ nhìn chồng, anh nhìn em, bạn bè nhìn nhau… quán chiếu nhân duyên tương hợp nhiều đời, nhiều kiếp mà thêm yêu thương, thông cảm cho nhau. Hóa giải hận thù, xung đột, đem yêu thương, hạnh phúc gieo rắc trong từng trái tim con người. Chính trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt, không vọng động, chấm dứt mọi khổ đau, phiền não, đó chính là cảnh giới Niết-bàn của đạo Phật mà chúng ta muốn giới thiệu cùng tuổi trẻ ngày nay.
II.3.2 Lấy thực tiễn cuộc sống làm môi trường hoằng pháp
Tạo cơ hội huân tập tuổi trẻ những cách nhìn đúng đắn về thế giới chung quanh thông qua các chương trình thiết thực trong việc phục vụ nhân sinh và xã hội như các chương trình thiện nguyện, chăm sóc, giúp đỡ những người bệnh tật, người già neo đơn, trẻ cơ nhỡ, trẻ mồ côi, góp sức làm giảm đi bất công xã hội, giảm bớt ô nhiễm môi sinh v.v… Từ thực tiễn cuộc sống và hành động, các bạn trẻ sẽ nhận thức được giác hạnh viên mãn chính là hành trình tự lợi – lợi tha, tự giác – giác tha của mỗi chúng ta. Nhận thức được rằng, cơ hội lớn nhất để làm thay đổi cuộc sống này thuộc về tuổi trẻ.
      II.3.3 Xây dựng đức tin từ sự nhận chân giá trị cuộc sống
Có nhiều đánh giá cho rằng, thời đại ngày nay đã có nhiều  dấu hiệu báo động về việc giá trị đạo đức của một bộ phận trẻ vị thành niên bị xuống cấp nghiêm trọng. Vậy thì đạo Phật sẽ giúp gì cho việc kéo lại những người trẻ đang đứng trên bờ vực thẳm? Công tác hoằng pháp sẽ làm gì để thức tỉnh những người trẻ đang sống trong thế giới vô minh của dục vọng, tham ái và ngã chấp?
Đạo Phật luôn đề cao vai trò trí tuệ, xem niềm tin như là phương tiện đưa chúng sanh đến giác ngộ và giải thoát. Cũng vậy, nơi những con người còn đang hoang mang, niềm tin, cao hơn là đức tin chỉ có được từ sự hiểu biết, nhận chân giá trị của những lời Phật dạy. Từ sự chiêm nghiệm bản thân, cuộc sống thông qua những nguyên lý của đạo Phật, người trẻ được dẫn dắt khám phá, thực nghiệm để tự mình đi đến sự chấp nhận đức tin: Đạo Phật là con đường của sự hiểu biết sẽ dẫn dắt mình ra khỏi khổ đau, chặt đứt tất cả phiền não. Đây là nơi nương tựa tâm linh được tin cậy. Điều này đòi hỏi người giảng sư, sự gần gủi, chân tình, lòng yêu thương và khả năng ngôn ngữ diễn đạt thấu tình đạt lý để khai mở, thức tỉnh dẫn dắt những con người trẻ đầy hoang mang vào con đường của sự giác ngộ sáng tỏ với những phương pháp phù hợp trình độ, nhận thức của họ.
Nếu cần và có yêu cầu, người hoằng pháp nhiệt tâm cũng sẽ không ngần ngại đến với những trường trại cải tạo thanh thiếu niên hư hỏng, phạm pháp, nghiện ngập, thậm chí đến với môi trường nhà tù để nói chuyện, thuyết giảng những đề tài phù hợp chạm được đến những trái tim đơn độc bị bỏ rơi đó, mở rộng nhận thức và sự hiểu biết đời sống giác ngộ và giải thoát nơi những con người đang ở hố thẳm, tiếp cho họ ngọn lửa trí tuệ ở nơi đen tối nhất của thế gian để họ tự soi đường mà đi lên.
II.4 Nhận thức sở thích thị hiếu giới trẻ
Rất đáng mừng là thời gian gần đây, các bạn trẻ hay bộc phát nhu cầu thích làm việc thiện, thích biểu hiện tình tương thân tương ái trong cộng đồng. Các bạn tích cực chia sẻ thông tin, săn lùng, tìm kiếm, phát hiện những hoàn cảnh sống khó khăn như một em bé cần mổ tim, một người mẹ đang bệnh ngặt nghèo cần sự trợ giúp, một bệnh nhân chất độc màu da cam đang cần sự chia sẻ của cộng đồng v.v…, sau đó, đưa hình ảnh thực tế lên mạng, kêu gọi sự giúp đỡ, tương trợ. Và chính các bạn trẻ đó cũng đã thu xếp thời gian quý báu, hiếm hoi trong cuộc mưu sinh, học tập, làm việc của mình để đến tận nơi thăm hỏi, trao tận tay số tiền quyên góp được cho những người khó khăn, hữu sự. Sự liên kết, chia sẻ trên hệ thống mạng đã nhanh chóng nhận được hang trăm, hàng ngàn những lời khen tặng, tham gia cổ vũ, động viên, tạo thành sức sống bền chặt sâu rộng trong cộng đồng của phong trào thiện nguyện hết sức nhân văn của tuổi trẻ .
Thay vì để các bạn trẻ tự phát trên hành trình làm việc thiện, các Tăng Ni giảng sư trẻ nên là những người tổ chức và đồng hành, xem đây là cũng là một phương tiện hữu ích để hoằng pháp lợi sinh, đưa đạo vào đời. Xây dựng một cội nguồn đạo đức xuất phát từ lòng bi mẫn sẽ đem lại đức tin vào sự thánh thiện phù hợp với những gì các bạn trẻ luôn mong đợi: tìm kiếm một đời sống bình yên giữa một thế giới đầy dẫy những xung đột, bất an .
II.5 Nhận thức đời sống tâm sinh lý tuổi trẻ
Tuổi trẻ thường gắn liền với trạng thái thích nổi loạn, khác thường, mau chán, hay quên, hùa theo đám đông v.v… Đó là một trạng thái tâm sinh lý hoàn toàn bình thường ở lứa tuổi vào đời. Nhưng, đặc điểm này rất dễ bị lợi dụng cho những trào lưu xấu nhằm kích động, chia rẽ, lôi kéo vào những nhóm, hội đoàn tôn giáo bất hợp pháp, cực đoan, mê tín. Bên cạnh đó, thị hiếu muốn tự khẳng định mình cũng là một mục tiêu mà rất đông bạn trẻ thời đại hướng đến. Đây vừa là ưu điểm vừa là hạn chế thuộc loại nguy cơ cho xã hội và gia đình, nếu những người trẻ rơi vào khuynh hướng ăn chơi bừa bãi, hút chích, rượu chè, thực hiện các hành vi bạo lực, nổi loạn để tự khẳng định mình. Người làm công tác hoằng pháp cho giới trẻ phải như người anh, người chị luôn quan sát và bảo vệ đàn em của mình trong quá trình phát triển, để kịp thời phát hiện và có sự điều chỉnh tư tưởng, uốn nắn hành vi, ngôn ngữ. Dạy cho các em học tâm từ ái, khẩu ngữ ôn hòa, hành vi thân thiện, phân biệt đúng sai trước sự tấn công của các nền văn hóa khác biệt, các cám dỗ tha hóa ngày càng hấp dẫn, sự kích thích bản năng ngày càng mạnh và tinh vi.
II.6 Nhận thức về học tập, vui chơi của giới trẻ

hp 1
Sinh hoạt cộng đồng, tạo những sân chơi cho tuổi trẻ với những chủ đề, nội dung phù hợp tuổi trẻ vào đời …là những hình thức hoằng pháp tập trung, dễ thu hút và tạo sự lôi cuốn giới trẻ. Trên sân chơi của mình, các bạn trẻ sẽ được hướng dẫn tập lắng nghe để hiểu và thương, chia sẽ mối quan tâm đến ông bà, cha mẹ, bạn bè  và mọi người chung quanh. Trong thế giới đó, một nền tảng gia đình hòa hợp, yêu thương, một nền tảng xã hội nhân ái, bao dung như lời Phật dạy, thật sự giúp cho giới trẻ trong việc phát triển nhân cách và đời sống đạo đức.
Nhiều năm nay, các Khóa tu mùa hè của Phật giáo đã chứng tỏ được sự thu hút đối tượng thanh thiếu niên và ghi nhận sự quan tâm ủng hộ đồng thuận của phụ huynh, các nhà quản lý xã hội. Đây là một thắng lợi lớn của công tác hoằng pháp trong đối tượng thanh thiếu niên rất cần tiếp tục phát huy, củng cố và sáng tạo mới.  Không để các nội dung chương trình đi vào lối mòn gây sự nhàm chán nơi một đối tượng năng động, luôn có sự chuyển biến mới hàng ngày, hằng giờ

III. Chiến lược
III.1 Tận dụng truyền thông:
Nghiện internet đã trở thành đặc tính của thanh thiếu niên ngày nay. Và chiếc điện thoại thông minh đã có mặt mọi lúc mọi nơi với bạn trẻ cũng là hình ảnh khá quen thuộc, bình thường trên mọi góc phố, cửa hàng, nơi công cộng…Tận dụng truyền thông qua internet, qua mạng xã hội, biến internet thành một phương tiện kết nối thông tin, truyền trao tri thức đến đối tương trẻ được xem là giải pháp hữu hiệu dành cho những con người quá bận rộn với guồng quay của cuộc sống .
Google là một kho dữ liệu khổng lồ, có thể gọi là một bách khoa toàn thư hoạt động nhộn nhịp và hiệu quả nhất. Ngày càng có nhiều cổng thông tin, nhiều trang web về Phật giáo được xây dựng, học Phật pháp qua internet là một cách học mới, cách truyền đạt thông tin mới trong thời đại công nghệ thông tin đang bùng nổ. Vẫn có nhiều thanh thiếu niên ít khi đến chùa nhưng có thể họ hiểu rất sâu kinh điển của Phật giáo, điều này có được từ quá trình chăm chỉ kết nối mạng, tra cứu thông tin, tìm hiểu giáo lý của Đức Phật qua mạng internet, sách báo… Đây là thực tế cần được chấp nhận và khai thác để đem lại tính hiệu quả cao nhất trong sứ mang hoằng pháp. Vấn đề là ngành hoằng pháp Phật giáo cần chú trọng việc cung cấp nhiều tư liệu, thông tin hay và đầy đủ hơn về Phật pháp thông qua mạng internet.

III.2 Kích hoạt tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ.
Với Bồ-đề tâm, đạo Phật hướng mọi người tới một xã hội sống lấy từ bi làm gốc. Từ bi ở đây không có nghĩa là sự co cụm, thụ động mà là một sức mạnh tích cực đưa con người  hành động với  mục đích loại trừ mọi thể dạng của khổ đau và mọi cội rễ của khổ đau. Từ bi  theo đạo Phật luôn đòi hỏi sự soi sáng của trí tuệ.
Chiếu theo đó, hoằng pháp với thanh thiếu niên thời hiện đại vẫn không gì khác hơn là khơi gợi, hun đúc nơi họ từ bi tâm làm cội nguồn phát triển đời sống đạo đức, đời sống tâm linh. Chỉ khác hơn một chút là có sự đổi mới về phương pháp tập hợp kích thích được sự năng động sáng tạo của tuổi trẻ. Những hội trại tuổi trẻ hướng Phật vẫn là môi trường hoằng pháp kích hoạt được tính năng động, sáng tạo của thanh thiếu niên. Hướng dẫn các bạn trẻ thực hành những điều họ được chiêm nghiệm nhằm chuyển hóa tâm thức theo chiều hướng thiện mỹ. Đem lại cho cuộc sống một hơi thở đầy năng lượng tuệ giác từ những con người trẻ vị tha và hoan hỷ.
III.3 Đào tạo hoằng pháp viên
Hiện nay, các tu sĩ trẻ rất được Giáo hội tín nhiệm giao trọng trách hoằng pháp lợi sanh, nhưng từ đó lại nảy sinh một thực trạng cần cân nhắc, có những tu sĩ trẻ do háo hức thành danh, vội vàng trong sự chứng tỏ bản thân, đã có sự lệch hướng tu học, chú trọng quá nhiều vào con đường tìm kiếm văn bằng, học vị mà bỏ quên quá trình tu học của một hành giả Tỳ-kheo. Đã đến lúc cần thiết Giáo hội nên giúp các tu sĩ trẻ xác định lại mục tiêu đào tạo một người xuất gia là đào tạo một sứ giả của Như Lai, không phải là đào tạo học giả để lấy học vị. Văn bằng, học vị chỉ là sự khuyến khích quá trình tự đào tạo, tự trang bị thêm kiến thức bên ngoài, nhưng không phải là mục tiêu để đánh giá, xếp hạng tu sĩ chân chính và đúng nghĩa của Phật giáo.

Tăng Ni trẻ đừng quá chăm chăm vào việc tiến thân bằng văn bằng, học vị mà nên chú tâm hơn học cách làm người đệ tử Phật, nối tiếp con đường của Phật và các bậc tiền bối Tổ sư để hoằng dương chánh pháp Như Lai. Bản thân người tu sĩ trẻ cần chú trọng học tập, nghiên cứu kinh điển giữ gìn giới luật trang nghiêm, thanh tịnh hóa thân, khẩu ý ngay từ những vấn đề nhỏ nhất là cách đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai, không gây tiếng động, từ lời ăn tiếng nói nhu nhuyến, khẩu ngữ của tâm từ ái… Khởi đầu từ đây, sức thuyết phục của một vị giảng sư sẽ càng tăng thêm lên khi dẫn dắt các bạn trẻ đi vào ngôi nhà trí tuệ của đức Từ phụ. “Người ấy không chỉ dẫn dắt người khác bằng những nguyên tắc lý luận khô khan, mà thật sự là một ngọn đèn soi sáng có tác dụng giúp cho người khác tự mình nhận thấy đường đi. Sự thực hành có ý nghĩa quan trọng quyết định mà những ai chỉ nghiên cứu lý thuyết không bao giờ hiểu được.”[1]
Có lẽ, cũng đã đến lúc cần nhắc nhở nhau lời Phật dạy:
“Hương các loại hoa thơm,
Không thể bay ngược gió,
Hương người đức hạnh đó,
Ngược gió bay muôn phương.” (Pháp Cú 54)

hp 4
IV. Kết luận
Rõ ràng, đạo Phật đến với đại chúng, đặc biệt là giới trẻ, bằng niềm tin đặt nền tảng trên sự nuôi dưỡng hòa bình nội tâm và hòa bình giữa người và người, đã đáp ứng được yêu cầu tìm kiếm một đời sống bình yên giữa một thế giới đầy dẫy những xung đột, bất an. Trong thế giới đó, một nền tảng gia đình hòa hợp, yêu thương, một nền tảng xã hội nhân ái, bao dung như lời Phật dạy, thật sự trở thành cần thiết cho giới trẻ trong việc phát triển nhân cách và đời sống đạo đức, tâm linh.
Giúp giới trẻ cân bằng, hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa đời sống cá nhân và xã hội, giữa gia đình và sự nghiệp; biết lấy nhơn nghĩa làm lẽ sống ở đời, lấy hướng thiện làm niềm vui tâm linh, trở lại với cái chân thật luôn hằng hữu bên mình – bình yên không ở đâu xa, bình yên sẵn có trong tâm ta nếu thực tâm quán chiếu, chiêm nghiệm giáo lý đức Phật và thực hành theo giáo lý của bậc Thầy vĩ đại, đó là trách nhiệm và là mục tiêu phấn đấu của ngành Hoằng pháp Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

 

[1] Nguyên Minh, Sống Thiền – NXB Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2017

Bài viết liên quan