Tp. Vũng Tàu: Chùm ảnh Khánh thành con đường tranh đá quý tái hiện cuộc đời đức Phật tại chùa Bồ Đề

Trong suốt chiều dài thời gian bốn vô lượng (atăng kỳ) và 100 ngàn kiếp trái đất, chỉ có 12 kiếp trái đất có Đức Phật Chánh giác xuất hiện, đồng thời trong khối chúng sinh vô biên, chỉ sinh khởi 29 vị Chánh giác.

Một người, nếu tát cạn nước trong bốn đại hải mênh mông hay đục xuyên qua núi chúa Tudi (Sineru) theo chiều dài 168 ngàn do tuần, tạo thành một đại lộ thênh thang trong lòng núi, còn dễ dàng hơn là thực hành công hạnh để trở thành Vô thượng chánh giác. Thế nên. Đức Phật có dạy: Đức Phật hiện khởi, khó thay”.

Với câu nói “Địa linh sinh nhân kiệt”, từ ngàn đời nay, những vùng đất trù phú, hội tụ đủ thiên thời – địa lợi – nhân hòa luôn là nơi sản sinh ra những con người tài trí phi thường.

Ngày tháng trải dài giúp năm nâng cao bề dày lịch sử, dòng thời gian vẫn êm trôi, nhưng âm thầm tàn phá tất cả, cho dù đó là những kỳ quan tuyệt hảo hay những phố xá điêu tàn; cho dù đó là vùng tuyết phủ quanh năm hay chốn sa mạc khô cằn sức sống với bão cát loạn cuồng thét gầm hung hãn.

Biên niên sử Phật giáo vượt quá 25 thế kỷ, lịch sử còn đó nhưng “dấu chân lịch sử” thì:

  • Có những dấu chân vẫn in hằn trên núi đá.
  • Có những dấu chân nhạt nhoà theo khói bụi thời
  • Có những dấu chân mong manh sương khói như bóng chim cuối bãi trời xa.

Tìm lại được “những dấu chân cát lấp” là việc thật không dễ dàng, còn nói gì đến “những dấu chân trong sương khói của chiều nhạt nắng”. Như đại hồ trên đỉnh núi cao, sâu thẳm vô biên mênh mông bạt ngàn. Từ đại hồ hằng trăm dòng nước tuôn chảy tạo thành những dòng sông lớn, rồi lại phân hướng thành những nhánh sông con, len lỏi khắp chốn mang sức sống đến cho vạn loài.

Cũng vậy, từ Đức Thế Tôn, hằng trăm Thánh Đại đệ tử vươn mình đứng dậy, từ các Thánh Đại đệ tử, các vị Thánh thinh văn xuất hiện, các vị Bồ Tát hiện bày. Dấu chân các Ngài len lỏi khắp sơn cùng thủy tận, gieo ánh đạo vàng đến khắp nhân thiên cùng sinh chúng, để rồi các Ngài tự tại ra đi như cánh hạc cuối trời, không lưu lại địa điểm, thời gian.

Danh tự của các Ngài vẫn còn đọng hương thơm trong trang sử Phật gia với niềm kính trọng cao tột trong tâm người con Phật. Nhưng chính xác về thời điểm hoằng pháp độ sinh của các Ngài thì khó tìm chính xác.

Lịch sử hờ hững, người lại vô tình không ghi chép thời gian cùng địa điểm mà các Ngài đã “hoằng pháp độ sinh”, chỉ vài nét ghi nhận sự kiện gọi là. Trong sự nghiệp “hoằng pháp độ sinh” của Đức Phật, các Ngài đã góp phần không nhỏ vào việc lành thiêng liêng ấy, nhưng các Ngài nào màng “sử tích lưu danh”, chỉ cần “tế độ chúng sinh” là đủ.

Chính từ những suy tư đó; Ngài Hòa Thượng Chánh Minh – Viện Chủ Chùa Bồ Đề- Thành Phố Vũng Tàu đã dày công biên soạn bộ sách Đức Phật và Bốn Mươi Lăm Hoằng Khai Giáo Pháp từ những năm 2008. Và mới đây, Ngài đã phát động tái hiện lại Cuộc Đời Đức Phật Lịch Sử thông qua những Bức Tranh bằng những chất liệu Đá Quý khác nhau. Trước để kính dâng lên Bậc Đạo Sư nhân Đại Lễ VESAK năm 2025 Phật Lịch 2569 được tổ chức tại Việt Nam; sau nhằm mục đích tôn vinh làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam; đồng thời tạo cơ hội đến hàng tứ chúng kiến tạo phước lành để tỏ lòng Tri Ân Đấng Thiện Thệ – Bậc Ân Sư của Thế Gian.

Sau hơn hai tháng phát động thiện pháp này; Bộ Tranh Đá Quý về Cuộc Đời Đức Phật đã hoàn thành trong niềm hoan hỷ vô biên của Chư Tôn Đức Tăng – Quý Tu Nữ cùng toàn thể Chư Phật Tử gần xa. Từ việc kiến thiết con đường và tạo dựng lại bờ tường bao bọc quanh chùa cho đến các chi tiết nhỏ nhất đến nay cũng đã hoàn tất. Và vô cùng hoan hỷ là con đường Tranh Đá Quý về cuộc đời Đức Phật cho đến nay, được ghi nhận là đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.

Bài viết: Chùa Bồ Đề – ảnh Tịnh Mạnh

Bài viết liên quan