Lễ Truy niệm và Phụng tống Kim Quan Hòa thượng Thích Huệ Trí

PSO – Đúng 11h sáng nay ngày 21/7/2024 (nhằm ngày 16/6 năm Giáp Thìn), tại Thiền viện Quảng Đức (quận 3, TP.HCM), đã trang nghiêm diễn ra lễ Truy niệm và Phụng tống Kim quan Hòa thượng Thích Huệ Trí – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rời Thiền viện Quảng Đức về với Tổ đình Kim Tiên, P. Trường An, TP. Huế.

Trang nghiêm tham dự buổi lễ có: Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng lão HT. Thích Giác Quang – Phó Pháp chủ HĐCM; Trưởng lão HT. Thích Thiện Pháp, Trưởng lão HT. Thích Thanh Nhiễu – Đồng Ủy viên Thường trực HĐCM, Phó Chủ Tịch Thường trực HĐTS; chư Tôn đức Phó chủ tịch HĐTS: HT. Thích Thanh Điện, HT. Thích Huệ Thông, TT. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch Tổng Thư ký HĐTS, TT. Thích Thanh Phong; TT. Thích Quảng Tuấn – Phó Tổng thư ký, Chánh VP1 TƯ; TT. Thích Phước Nguyên – Phó Tổng Thư ký, Chánh VP2 TƯ; chư Tôn đức ban thường trực HĐCM, HĐTS, chư Tôn đức BTS các tỉnh thành đồng tham dự.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên Thường trực HĐCM, Phó Chủ tịch thường trực HĐTS cung tuyên tiểu sử và công đức cao quý của Hòa thượng Thích Huệ Trí

Tiểu sử Hoà thượng Thích Huệ Trí

Hoà thượng Thích Huệ Trí, thế danh Đào Tá, sinh ngày 10 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1952) trong một gia đình thuần tín Tam bảo có truyền thống yêu nước tại làng Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ ông Đào Ngọc Phò, pháp danh Tâm Trí; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sam, pháp danh Tâm Giác. Hòa thượng là con trai duy nhất của ông bà.

Thiện duyên lớn lao của Hòa thượng là có một người bác ruột – bậc xuất gia, cố Đại lão Hòa thượng Thích Hưng Dụng, tự Lương Bật, đệ tử của Quốc sư Thích Tâm  Khoan, Tăng cang Quốc tự Diệu Đế kiêm Trụ trì các Tổ đình Báo Quốc, Thiền Tôn,  Kim Tiên và Quang Bảo ở kinh đô Huế. Cố Đại lão Hòa thượng Thích Lương Bật – Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là bậc niên trưởng của Tổ đình Báo Quốc, Trụ trì chùa Phật Học Quảng Trị (thị xã Quảng Trị tỉnh Quảng Trị ngày nay), Trụ trì Tổ đình Kim Tiên (Huế).

Năm 1955, cố Đại lão Hoà thượng Thích Hưng Dụng nhận Hòa thượng làm đệ tử, đưa về chùa Phật Học Quảng Trị nuôi dạy. Sau đó vì chiến tranh, Hoà thượng được đón vào Tổ đình Báo Quốc ở Huế, chính thức xuống tóc làm khu ô Sa-di tu học và từng học tại trường Bồ Đề Hàm Long, Phật học đường Báo Quốc, dưới sự dìu dắt, chăm sóc trực tiếp của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực và cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Trí.

Năm 1965, Hoà thượng Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Sa-di tại Giới đàn Tổ đình Từ Hiếu do Đức Đệ nhị Tăng thống Thích Giác Nhiên làm Hòa thượng Đường đầu.

Năm 1969, được sự cho phép của Bổn sư, Hoà thượng vào Phật học viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang để học đạo, cho đến năm 1972 thì trở về Tổ đình Báo Quốc.

Năm 1973, Hoà thượng được Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Đại Giới đàn Phước Huệ, tổ chức ở Phật học viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang do Đại lão Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm Hoà thượng Đường đầu, Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chánh Chủ đàn.

Năm 1980, Hoà thượng rời Huế vào Nam, dừng chân đầu tiên tại trú xứ Thiền viện Vạn Hạnh, nương đức cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu để bắt đầu cho chặng đường dấn thân hành đạo tại phương Nam. Nơi đây, Hoà thượng nhận được sự thương mến của cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Thủ, cùng chư vị Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Tâm Hướng, Hòa thượng Thích Nhật Lệ chỉ dạy phụ giúp các Phật sự thời bấy giờ.

Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập (1981), Hòa thượng được chư vị lãnh đạo Giáo hội chỉ định tham gia Phật sự liên quan, đặc biệt là công tác hành chánh cho Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội từ những ngày đầu, lúc trụ sở còn đóng tại chùa Xá Lợi (đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). 

Năm 1985, Hoà thượng chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội.

Năm 1993, Hoà thượng được Giáo hội phân công cùng với cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp tiếp quản Trung tâm Quảng Đức (nay là Thiền viện Quảng Đức), và trực tiếp điều hành các hoạt động nội tự tại đây; Hoà thượng được tin tưởng nhập hộ khẩu và trách nhiệm làm chủ hộ đầu tiên tại Thiền viện Quảng Đức – Trụ sở của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh). 

Năm 2000, Phật bổ xứ và Hòa thượng được Giáo hội chính thức bổ nhiệm Trụ trì  chùa Quang Minh (số 65 Trần Hữu Trang, quận Phú Nhuận), ngài đồng thời tiếp tục  đảm nhiệm Phó Trụ trì Thiền viện Quảng Đức – Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội  Phật giáo Việt Nam.

Với vai trò và trách nhiệm Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Hòa  thượng đã tháp tùng chư tôn đức lãnh đạo công du Phật sự tại nhiều tỉnh, thành phố; kinh qua nhiều lĩnh vực, hiểu được nhân duyên đặc thù ở các địa phương.

Với kinh nghiệm đó, trong hoàn cảnh có sự xáo trộn về nhân sự ở tỉnh Đồng Tháp,  quê hương của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã được Đức Đại lão Hòa thượng Đệ nhị Chủ tịch cùng chư Tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tin tưởng công cử tham gia Ban Trị sự, đảm nhiệm Trưởng ban Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Tháp  nhiệm kỳ 6 (2007-2009) cho đến khi có nhân sự ổn định thì chuyển giao và trở về đảm nhiệm Phật sự tại Văn phòng 2 Trung ương.

Hòa thượng được suy cử vào Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, đảm nhiệm Ủy viên Pháp chế nhiệm kỳ 6 (2007-2012).

Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2012-2017), Ban Pháp chế Trung ương thành lập, Hòa thượng được suy cử đảm nhiệm Trưởng ban đầu tiên. Cũng tại Đại hội này, ngài chính thức đón nhận Giáo chỉ của Đức Pháp chủ tấn phong giáo phẩm Hòa thượng.

Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 8, Hòa thượng tiếp tục được tin tưởng suy cử đảm nhiệm Trưởng ban Pháp chế Trung ương nhiệm kỳ (2017-2022).

Khi Phật giáo tỉnh Bạc Liêu có sự bất ổn về nhân sự, Trung ương Giáo hội phải tham dự để có sự điều chỉnh nhằm ổn định, Hòa thượng lại một lần nữa được Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự công cử tham gia Ban Tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bạc Liêu lần thứ 5 (2017) và được Đại hội suy cử đảm nhiệm Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2017-2022. Hòa thượng đã đào tạo, bồi dưỡng nhân sự ổn định, chuyển giao trách nhiệm lãnh đạo cho thế hệ kế thừa sau khi Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bạc Liêu lần thứ 6 được tổ chức thành công viên mãn.

Trong khó khăn về nhân sự lãnh đạo chủ chốt, Giáo hội đã tiếp tục công cử Hòa thượng tham gia Ban Tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2022-2027), được Đại hội suy cử đảm nhiệm Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Ban Tăng sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho đến ngày viên tịch.

Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 9 (nhiệm kỳ 2022-2027), với công đức và những đóng góp quan trọng cho các Phật sự của Giáo hội, Hòa thượng đã được suy cử vào chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, kiêm Phó Trưởng ban Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Với công đức to lớn, tinh thần dấn thân không quản ngại vì sự ổn định và phát triển của  Giáo hội, đất nước và khối Đại đoàn kết dân tộc, Hòa thượng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Đại Đoàn kết Dân tộc (2012); Chủ tịch nước trao tặng Huân  chương Lao động hạng Ba (2021); Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Bằng khen (1917, 2022…); cùng nhiều Bằng khen của Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu,  Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng ngài nhiều Bằng Tuyên dương công đức trong các vai trò, chức danh và trách nhiệm khác nhau. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trân trọng tặng Hòa thượng bức khánh vàng với dòng chữ “Trách nhiệm vẹn toàn”… 

Trong cuộc đời phụng sự cho đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng Thích Huệ Trí là một vị cao tăng uyên thâm, đức độ, luôn nỗ lực hoằng dương Phật pháp. Suốt cuộc đời tu hành, Hòa thượng đã để lại nhiều di sản quý báu cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được Tăng Ni, Phật tử vô cùng kính ngưỡng.

Sau buổi lễ, kim quan Hòa thượng Thích Huệ Trí được môn đồ pháp quyến cung nghinh về Tổ Đình Kim Tiên số 184 Điện Biên Phủ, P. Trường An, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lễ di quan nhập tháp vào lúc 6 giờ ngày 25/7/2024 (20/6/Giáp Thìn), tại Tổ đình Kim Tiên, P. Trường An, TP. Huế.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thành kính tưởng niệm đến cố Hòa Thượng trong niềm thương tiếc

Trước giác linh đường, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thành kính tưởng niệm đến cố Hòa Thượng trong niềm thương tiếc, Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch HĐTS tán thán những đóng góp to lớn mà cố Hòa thượng Thích Huệ Trí đã xây dựng và để lại cho Phật giáo nước nhà. Hòa thượng là tấm gương sáng ngời để Tăng Ni Phật giáo VN noi theo tu trên bước đường hoằng dương Phật pháp của mình.

Thay mặt Ban Tổ chức tang lễ, môn đồ hiếu quyến, TT. Thích Phước Nguyên gửi lời cảm tạ đến chư Tôn giáo phẩm thường trực HĐCM, HĐTS, chư Tôn đức BTS các tỉnh thành cùng lãnh đạo các ban ngành

Thay mặt ban tổ chức tang lễ, môn đồ hiếu quyến, TT. Thích Phước Nguyên gửi lời cảm tạ đến chư Tôn giáo phẩm thường trực HĐCM, HĐTS, chư Tôn đức BTS các tỉnh thành cùng lãnh đạo các ban ngành đã dành thời gian quang lâm về tham dự lễ truy niệm cố Hòa thượng Thích Huệ Trí.

Tiếp theo, Nhị vị Phó Pháp chủ cùng chư Tôn đức lãnh đạo giáo hội niêm hương tưởng niệm và tụng thời kinh cung tiễn giác linh Hòa Thượng sớm được cao đăng Phật Quốc.

Sau đây là những hình ảnh truy niệm và Phụng tống Kim quan của cố Hoà thượng Thích Huệ Trí rời Thiền viện Quảng Đức về với Tổ đình Kim Tiên, P. Trường An, TP. Huế.

EKip PSO

Bài viết liên quan